Diễn đàn hợp tác kinh tế Horasis Châu Á 2024: Doanh nghiệp Châu Á với mục tiêu phát triển bền vững
Đây là một trong những chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn hợp tác Kinh tế Horasis Châu Á 2024 vừa diễn ra ngày 19/11 tại Dubai, UAE.
Doanh nghiệp Châu Á và bài toán giữa thích ứng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững, là một trong những chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn hợp tác Kinh tế Horasis Châu Á 2024 vừa diễn ra ngày 19/11 tại Dubai, UAE. ĐBQH Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam tham gia Diễn đàn trong vai trò đồng chủ tọa và diễn giả tại sự kiện này.
Diễn đàn hợp tác kinh tế Horasis Châu Á là sự kiện quan trọng thường niên, quy tụ các nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao, các doanh nghiệp Châu Á để thảo luận về tương lai kinh tế của khu vực. Lựa chọn Dubai để tổ chức trong năm nay, Diễn đàn nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Dubai như một trung tâm kinh tế kết nối Châu Á với Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi, với trọng tâm là đổi mới, chuỗi cung ứng và phát triển kinh doanh theo hướng bền vững.
Với 6 phiên thảo luận có quy mô lớn, các chuyên gia tham dự Diễn đàn đã tập trung thảo luận các vấn đề như phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, cải thiện chuỗi cung ứng và chuyển đổi số. Sự kiện đã thảo luận về vai trò của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ảnh hưởng ngày càng tăng của các nước vùng Vịnh, từ đó xây dựng tương lai hợp tác cho châu Á và các mối quan hệ toàn cầu.
Tham gia vào phiên thảo luận về Quản lý sự phức tạp của thay đổi, ĐBQH Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam đã chia sẻ về vai trò của phát triển bền vững trong hoạt động kinh doanh và bài toán kinh doanh trong bối cảnh thay đổi phức hợp. Trả lời cho câu hỏi liệu doanh nghiệp Châu Á nên tập trung vào tăng trưởng kinh doanh hay nên chú trọng hơn đến phát triển bền vững trong bối cảnh hiện tại, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng đây là vấn đề đặt ra với tất cả các quốc gia đang phát triển.
“Theo tôi, nếu chỉ tập trung vào tốc độ tăng trưởng mà quên đi tính bền vững, tức là bảo vệ môi trường và phát triển xã hội, thì một ngày nào đó chúng ta sẽ phải trả giá cho sơ xuất đó. Ví dụ, ở Việt Nam, cũng như một số quốc gia khác như Trung Quốc hay Thái Lan, chúng ta thấy rằng vấn đề môi trường ngày càng quan trọng: ô nhiễm, quản lý chất thải hay cung cấp nước sạch sẽ trở thành vấn đề nan giải. Khi bắt đầu tăng trưởng cao, nếu không quan tấm đến các vấn đề môi trường, thì đến một ngày nào đó nền kinh tế sẽ không thể phát triển nữa” - ông Huân nhìn nhận.
Với triết lý nổi bật đã được vận dụng tại Halcom Việt Nam - doanh nghiệp có bề dày hơn 23 năm “Không săn lùng lợi nhuận bằng mọi cách, kinh doanh bền vững khi các bên đều hưởng lợi”, ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển bền vững trong kinh doanh. “Nếu doanh nghiệp chỉ chú trọng lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm xã hội, khách hàng có thể không muốn mua sản phẩm. Mặt khác, các đối tác quốc tế, dù là từ các quốc gia phát triển hay các nước láng giềng, cũng không muốn hợp tác với doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Vậy làm sao một công ty có thể phát triển nếu không hợp tác với các đối tác khác, không nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ và xã hội? Phát triển bền vững là rất quan trọng. Mặc dù trong ngắn hạn có thể khó khăn, nhưng chúng ta phải nghĩ đến lợi ích lâu dài” – ông nói.
Để đảm bảo hài hòa hai yếu tố, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, cần giải quyết bài toán trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ ở quốc gia đang phát triển. Doanh nghiệp cần hỗ trợ bởi các hình thức tài chính vi mô.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đều nhìn nhận, doanh nghiệp Châu Á dù ở quy mô nào đều đối mặt với thời kỳ thay đổi nhanh chóng. Sự chậm nhịp kinh tế toàn cầu đã thay đổi thương mại giữa các quốc gia châu Á, trong khi tác động từ trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số ngày càng rõ nét. Doanh nghiệp đứng trước bài toán tái cấu trúc chuỗi cung ứng để đáp ứng với yêu cầu đổi mới.
Theo ông Nguyễn Quang Huân, đối mặt với những thay đổi nhanh chóng này thì các quốc gia, doanh nghiệp và cộng đồng càng cần phải kết nối và hợp tác bền vững cùng nhau để giải quyết các vấn đề này. Trả lời câu hỏi về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và các nước Ả Rập, ông cho rằng, Việt Nam luôn mong muốn làm bạn với tất cả các nước và mở cửa để phát triển kinh doanh. Nhiều người nói rằng nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.
"Tôi nghĩ đây là thời cơ tốt cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Ả Rập đến Việt Nam để làm ăn. Khi chúng tôi phát triển nhanh, chúng tôi cần nhiều thứ như cơ sở hạ tầng, công nghệ, vốn và kỹ năng quản lý. Tôi tin rằng các đối tác có thể đáp ứng các nhu cầu của Việt Nam và cũng sẽ thu lượm được lợi ích mang lại từ chính Việt Nam” - Ông Huân cho biết.
Diễn Đàn Hợp tác Kinh tế Horasis Châu Á là một trong những sự kiện kinh tế uy tín hàng đầu của Châu Á, quy tụ nhiều lãnh đạo cấp cao chính phủ, doanh nghiệp – nhà tài chính trong khu vực và thế giới tham dự. Đây là sự kiện thường niên, được tổ chức luân phiên ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản… Trong đó, Việt Nam có 5 lần đăng cai tổ chức tại tỉnh Bình Dương vào các năm 2018, 2019, 2022, 2023 và 2024. Diễn đàn Horasis năm nay đặc biệt tạo cơ hội kết nối khi nằm trong chuỗi sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Vận tải Toàn cầu do DP World tổ chức từ ngày 18 – 20/11 tại Dubai. Các chủ đề chính bao gồm chuyển đổi số, bền vững, Hội nghị mang đến các chiến lược có thể áp dụng để thích nghi với bối cảnh vận tải thay đổi nhanh chóng, với sự tham gia của hơn 5.000 lãnh đạo ngành từ hơn 155 quốc gia.