BWE tái cấu trúc nợ
Độc quyền cung cấp nước sạch ở “thủ phủ công nghiệp” Bình Dương, CTCP - Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (HoSE: BWE) đang thực hiện tái cấu trúc nợ.
Theo đó, Công ty này vận dụng chính sách chuyển nợ để tái cấu trúc nợ và hướng đến giảm lãi vay, tăng lợi nhuận hạch toán.
Mặc dù vậy, BWE đang đối mặt với một số rủi ro, như rủi ro chính sách, rủi ro M&A, rủi ro tỷ giá và lãi suất,…
Tái cơ cấu nợ
Cuối tháng 9, Công ty có tổng nợ hơn 7,2 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 2 nghìn tỷ đồng là nợ ngắn hạn, phần còn lại là nợ dài hạn. Theo BCTC, riêng quý 3, Công ty lỗ tỷ giá hơn 67 tỷ đồng; do đó theo Ban lãnh đạo BWE khi gặp gỡ các nhà đầu tư, kế hoạch sẽ trên giả định tỷ giá và nỗ lực tái cấu trúc nợ.
Cụ thể, kế hoạch tái cấu trúc nợ đã được BWE thực hiện khi tái cấp vốn khoản vay kỳ hạn trị giá 550 tỷ đồng từ VietinBank (lãi suất 8,10%-10,50%/năm) sang Vietcombank ở mức 7,6%/năm cho Biwase Long An trong 9 tháng đầu năm 2024. Phần tái cấp vốn còn lại theo chia sẻ của Ban lãnh đạo, BWE dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2024 bao gồm: (1) 705 tỷ đồng với Maybank cho khoản vay Standard Chartered, (2) 219 tỷ đồng với Cathay Bank cho khoản vay HSBC, và (3) các khoản vay khác. BWE cũng đã cơ cấu lại nợ cho công ty liên kết CTCP Cấp nước Quảng Bình.
Kế hoạch tái cấp vốn này được BWE hoạch định cho năm nay tổng cộng 1.550 tỷ đồng, với ước tính lãi suất USD giảm 1% và lãi suất VND giảm 2 - 3%. Theo BWE, điều này có thể giúp giảm chi phí lãi vay 65 tỷ đồng (10% LNST sau lợi ích cổ đông tối thiểu báo cáo năm 2023) hoặc 96 tỷ đồng (14% LNST báo cáo năm 2023 nếu bao gồm nợ đã cơ cấu lại cho CTCP Cấp nước Gia Tân). Ngoài ra, việc FED cắt giảm lãi suất gần đây đã giảm thêm chi phí tài chính trong năm tới đối với các khoản vay bằng USD của BWE.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Mới đây, BWE tiếp tục đẩy mạnh hoạt động M&A với 2 động thái lớn. Tháng 8/2024, BWE đã chi 23 tỷ đồng để mua lại 47% cổ phần của CTCP Nước Sài Gòn-Cần Thơ. Ngày 23/10/2024, BWE đã nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên 65%, đổi tên thành BIWASE Cần Thơ.
Ngoài ra, TDM - cổ đông lớn nhất của BWE, cũng đang chào mua công khai để mua lại 24,36% cổ phần của CTCP Cấp nước Cần Thơ (CTW) với giá 30.400 đồng/cp. Sau giao dịch này, BWE và TDM nắm giữ tổng cộng 49% cổ phần của CTW. Ngoài ra, BWE cũng có 49% cổ phần của CT2 và 65% cổ phần của CTCP Nước Sài Gòn - Cần Thơ (Cần Thơ 3).
Nhờ đòn bẩy tài chính để thực thi kế hoạch mở rộng này, BWE sẽ gia tăng thị phần, qua đó tăng sản lượng nước thương phẩm và tăng doanh thu. Theo Ban lãnh đạo BWE, dự kiến việc tăng giá nước thêm 5% sẽ được tỉnh Bình Dương sẽ phê duyệt vào cuối năm 2024. Việc tăng giá bán nước sẽ là một hướng đi tích cực, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp cho BWE...
Tuy nhiên, nước là ngành phụ thuộc vào tài nguyên, môi trường và đang ngày càng đòi hỏi các giải pháp để khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường. Do đó, đây cũng là ngành không chỉ có thể gặp rủi ro chính sách, mà còn có rủi ro về môi trường và nguồn nước. Ngoài ra, BWE còn có rủi ro từ hoạt động M&A; rủi ro về tỷ lệ thất thoát nước (NRW); lẫn rủi ro về lãi suất và tỷ giá.
Lưu ý là tăng trưởng lợi nhuận BWE đang được đặt trên giả định tỷ giá và chi phí lãi suất giảm; song trong bối cảnh biến động hiện nay, các dự báo về tỷ giá và lãi suất vẫn được xem là ẩn số.
7.200 tỷ đồng là tổng số nợ của BWE, trong đó 2.000 tỷ đồng là nợ ngắn hạn của doanh nghiệp này.