Bàn giải pháp để ngành đóng tàu “tái xuất” ra biển lớn
TP Hải Phòng đang tìm cơ hội đưa ngành đòng tàu trở lại đường đua, góp phần đưa thành phố phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước và khu vực.
Đối mặt với nhiều thách thức
Việt Nam là một quốc gia biển, có biên giới giáp với biển từ phía Đông, Nam và Tây Nam với trên 3.260 km dài bờ biển với nhiều vị trí phù hợp cho sự hình thành và phát triển hệ thống đóng tàu, cảng biển, logistics. Đây là tiềm năng to lớn mang tính chất chiến lược, là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh phát triển nền kinh tế biển.
Trong khi đó, Hải Phòng là thành phố cảng, nằm ở vị trí trung tâm vùng Duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính biển ra của các tỉnh phía Bắc, giao lưu thuận lợi với các địa phương trong nước và quốc tế.
Ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng chia sẻ: “TP Hải Phòng từ lâu gắn liền với ngành đóng tàu, ngành công nghiệp có bề dày lịch sử. Nói đến Hải Phòng là nói đến đóng tàu và cảng biển, là ngành đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của thành phố cũng như cả nước”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Sở Công thương TP Hải Phòng cho biết, TP Hải Phòng là một trong những trung tâm chính của ngành đóng tàu nước ta với 34 nhà máy đóng tàu, tổng số lao động toàn ngành trên 21.000 người. Ngành đóng tàu Hải Phòng đã trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu tàu thuỷ của cả nước. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước Anh, Hà Lan, Hàn Quốc, Đức, Na Uy, Nhật Bản, Đài Loan... Thành phố cũng có đông đảo doanh nghiệp đóng tàu lớn như Công ty Cổ phần Đóng tàu Phà Rừng, Công ty Cổ phần Đóng tàu Bạch Đằng, Công ty Cổ phần Đóng tàu Nam Triệu, Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm, Công ty TNHH Đóng tàu Damen-Sông Cấm, Công ty Cổ phần Đóng tàu Thái Bình Dương…
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ngành công nghiệp đóng tàu Hải Phòng đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường quốc tế, áp lực đổi mới công nghệ, cùng với những khó khăn nội tại về tài chính và nguồn lực đã đặt ngành đóng tàu trước những yêu cầu cấp thiết về sự chuyển mình.
“Ngành đóng tàu TP Hải Phòng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thiếu nguồn nhân lực, do yêu cầu của thị trường và những quy định của công ước quốc tế, các thế hệ tàu mới phải bảo đảm tính an toàn cao, đa dạng về chủng loại, kích thước, mẫu mã... Đặc biệt, trong gia công, sản xuất phải theo hướng xanh, bảo vệ môi trường. Mặt khác, cũng do nằm trong hệ thống của Vinashin/SBIC mà các doanh nghiệp đóng tàu Hải Phòng phải đối mặt với những khó khăn, khủng khoảng mang tính hệ thống và Chính phủ phải can thiệp”, ông Nguyễn Văn Thành thừa nhận.
Còn ông Joris van Tienen – Tổng Giám đốc Công ty Đóng tàu Damen-Sông Cấm bày tỏ: “TP Hải Phòng có rất nhiều tiềm lực trong việc phát triển công nghiệp đóng tàu. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa thể tự sản xuất nguyên liệu nên doanh nghiệp chúng tôi vẫn đang phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về để đóng tàu Việt Nam. Cùng với đó, các cảng sông của TP Hải Phòng vẫn còn phân mảnh, chưa đồng bộ. Rất mong trong thời gian tới, các cấp chính quyền tại Việt Nam nói chung và TP Hải Phòng nói riêng sớm khắc phục được thực trạng trên để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn thành phố”.
Chủ động tìm giải pháp
Thực tế, ngành đóng tàu tại TP Hải Phòng không chỉ là một phần quan trọng của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, mà còn là biểu tượng của sự phát triển và khả năng công nghiệp của đất nước. Việc phục hồi và phát triển lại ngành đóng tàu gắn với phát triển xanh sẽ góp phần thúc đẩy, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho thành phố Cảng trong thời gian tới.
Nhằm sớm tìm ra giải pháp khôi phục ngành đóng tàu Hải Phòng, đưa ngành này sớm trở lại cuộc đua, vừa qua, tại TP Hải Phòng đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phục hồi và phát triển ngành đóng tàu thành phố Hải Phòng: Thực trạng, cơ hội, thách thức và giải pháp”.
Ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết: “Hội thảo khoa học là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường đã qua, phân tích những khó khăn, tồn tại. Đồng thời đưa ra các giải pháp, sáng kiến mang tính thực tiễn cao nhằm khôi phục và phát triển ngành đóng tàu Hải Phòng trong thời kỳ mới”.
Được biết, tại hội thảo, các đại biểu đưa ra giải pháp để khôi phục và phát triển ngành đóng tàu TP Hải Phòng như: cơ chế, chính sách, tái cơ cấu và đổi mới mô hình hoạt động các doanh nghiệp đóng tàu; đầu tư và huy động vốn đầu tư; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; phát triển công nghiệp hỗ trợ; nguồn nhân lực… Đồng thời, làm rõ vai trò của các bên liên quan: Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ và thúc đẩy ngành đóng tàu phát triển.
Theo đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Hải Phòng, TP Hải Phòng đang có những doanh nghiệp lớn của ngành đóng tài Việt Nam, nguồn nhân lực có kinh nghiệm và kỹ thuật cao, có sẵn cơ sở vật chất, hạ tầng đảm bảo đủ năng lực để đóng được những con tàu hiện đại của thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển ngành sửa chữa, đóng mới tàu biển đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, TP Hải Phòng cần nghiên cứu quy hoạch khu vực công nghiệp đóng tàu tập trung nhằm tận dụng lợi thế về kết nối sông, biển, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp đóng tàu nằm rải rác, manh mún, chắp vá không đồng bộ như hiện nay. TP Hải Phòng nên tiên phong trong việc tổ chức các sự kiện hàng hải, logistics và đóng tàu quốc tế nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đóng tàu. Đồng thời khuyến khích thành lập hiệp hội các doanh nghiệp đóng tàu nhằm chia sẻ thông tin, kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp đóng tàu tháo gỡ khó khăn, bạn hàng…
Ông Nguyễn Ngọc Tú - Trưởng khoa Đóng tàu, trường Đại học Hàng Hải Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận thêm những hỗ trợ từ các sở ban ngành, các doanh nghiệp. Qua đó, góp phần động viên, lan toả tinh thần cho các bạn học sinh, sinh viên để số và lượng của khoa Đóng tàu, trường Đại học Hàng Hải Việt Nam ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, khoa Đóng tàu cũng sẽ liên tục đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay”.