Gỡ khó cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội
TP HCM đặt mục tiêu xây dựng 35.000 căn nhà ở xã hội từ 2021 - 2025 song kết quả triển khai đến nay còn hạn chế do vẫn tồn tại nhiều rào cản.
Còn nhiều rào cản
Trong giai đoạn 2021-2025, TP HCM đặt mục tiêu phát triển từ 26.000 - 35.000 căn nhà ở xã hội, tuy nhiên kết quả thực tế vẫn chưa đạt kỳ vọng so với mục tiêu đặt ra.
Từ năm 2021 đến tháng 9/2024, TP mới hoàn thành 6 dự án (5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân) quy mô 2.745 căn hộ, đang thi công 4 dự án với gần 3.000 căn hộ. Tính chung, tỷ lệ hoàn thành mới chỉ đạt được khoảng 20% chỉ tiêu.
Ông Nguyễn Văn Hoan - Phó trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn gặp khó đến từ quy trình phức tạp. Nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ từ các cơ quan, đơn vị khác nhau. Trong đó, riêng quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư đã mất từ 1 - 2 năm do phải lấy ý kiến từ 10 đơn vị liên quan. Sự chồng chéo giữa các bước này đã kéo dài thời gian hoàn thành dự án.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành chia sẻ, mức lợi nhuận giới hạn ở 10% là quá thấp khi thủ tục kéo dài đến 5 năm và giai đoạn đầu tư mất thêm 2 năm. Tính bình quân trong 7 năm, mỗi năm chủ đầu tư chỉ đạt lợi nhuận khoảng 1,3 - 1,5%, không đủ để tái đầu tư. Thêm vào đó là thủ tục xin thực hiện dự án nhà ở xã hội còn phức tạp hơn so với nhà ở thương mại.
Cần thêm nhiều giải pháp
Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình này, ông Lê Hữu Nghĩa đề xuất cần có những quy định rõ ràng hơn, tránh phát sinh bất cập giữa luật cũ và mới trong khâu hậu kiểm. Trong bối cảnh quỹ đất của TP HCM hạn chế, cần có cơ chế đặc thù cho các chủ đầu tư đã sở hữu quỹ đất sạch. Nếu giá đất đã được tính thuế, cần đưa phần chi phí này vào giá thành căn hộ để đảm bảo giá hợp lý cho người lao động. Điều này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của TP HCM và có thể triển khai ngay.
Theo ông Trần Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cơ quan chức năng cần xem xét đẩy nhanh các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư và tạo điều kiện chủ đầu tư tiếp cận quỹ đất. Đối với những chủ đầu tư có quỹ đất mong làm dự án nhà ở xã hội phù hợp với quy hoạch, cơ quan chức năng cần sớm phản hồi và giải quyết khâu phù hợp quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư để dự án triển khai kịp thời.
Ngoài ra, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Hoàng Quân Group cũng kiến nghị giữ mức lãi suất cho vay ưu đãi 4,8% đối với người mua nhà ở xã hội, giống như trước đây. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt gánh nặng tài chính khi tham gia vào chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Trước các ý kiến của doanh nghiệp, TP HCM đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay, TP đang gấp rút hoàn thiện tờ trình để Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, dự kiến hoàn tất trong tháng 11. Thành phố sẽ cụ thể hóa quy hoạch phân khu, xác định rõ các vị trí dành cho nhà ở xã hội.
Để giảm thiểu sự phức tạp trong quy trình phê duyệt, TP HCM đã lập tổ công tác đặc biệt do đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng, phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, cùng đại diện các quận, huyện và TP Thủ Đức. Tổ công tác này sẽ tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và lấy ý kiến liên ngành.
Bên cạnh đó, UBND TP HCM đang phối hợp với Liên đoàn Lao động để đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là các mô hình nhà cho thuê và thuê mua, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của công nhân, người lao động.
Sở Xây dựng cũng đã tổng hợp ý kiến từ các đơn vị, đề xuất tích hợp các bước thủ tục đầu tư hiện tại lại với nhau, nhằm rút ngắn thời gian xử lý. Theo đó, việc rà soát pháp lý sẽ được thực hiện trước, tạo cơ sở để tích hợp ba bước thủ tục hiện tại thành một bước duy nhất. Sau khi hoàn thành, Sở Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng.