Giảm thuế VAT hết năm 2025 để kích cầu tiêu dùng, vì sao không?
Chuyên gia cho rằng, nên kéo dài việc giảm thuế VAT đến hết năm 2025 bởi chính sách này đã phát huy hiệu quả tích cực khi được áp dụng trong những năm qua…
Nhiều kết quả tích cực
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Dự án Nghị quyết của Quốc hội mà Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025. Theo Bộ Tài chính, mục tiêu của đề xuất chính sách nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Trên thực tế, theo Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ và Báo cáo thống kê tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy nhiều điểm tích cực. Tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Từ kết quả đạt được nêu trên, có thể đánh giá rằng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% đã góp phần giúp giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu đề ra khi xây dựng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Cũng vì lý do này, một số quan điểm cho rằng, Chính phủ nên xem xét giảm 20% thuế VAT cho cả năm 2025, thay vì chỉ trong 6 tháng như đề xuất bởi tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn và sức mua chưa được cải thiện nhiều.
Nên kéo dài đến hết năm 2025
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) nhận định, trong bối cảnh cầu chung của thế giới vẫn suy giảm, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn chậm và vẫn còn rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…, tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu khẳng định rằng, việc đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT thêm 6 tháng 2025 là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Thịnh cũng, Chính phủ có thể đánh giá bối cảnh nền kinh tế, thu chi ngân sách để xem xét báo cáo Quốc hội giảm 2% thuế VAT cho cả năm 2025 thay vì 6 tháng như đề xuất.
“Việc tiếp tục giảm cả năm sẽ giúp các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hạch toán được thuận lợi. Ngoài ra, Chính phủ có thể nghiên cứu thêm các chính sách khác để kích thích tiêu dùng trong nước”, ông Thịnh chia sẻ.
Đồng quan điểm, chuyên gia về thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú cũng đề nghị nên kéo dài việc giảm thuế VAT đến hết năm 2025 bởi chính sách này đã phát huy hiệu quả tích cực khi được áp dụng trong những năm vừa qua.
"Như Bộ Tài chính ghi nhận chính sách giảm thuế VAT trong năm 2022 đã góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, nhờ đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng gần 20% so với năm 2021", ông Tú khẳng định.
Trong khi đó theo ông Tú, việc giảm thuế không làm giảm thu ngân sách mà ngược lại ngân sách tăng thu. Thực tế cho thấy đến hết 10 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách đã đạt 1,654 triệu tỉ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy ý nghĩa của chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có giảm thuế VAT từ năm 2022 đến nay.
"Việc giảm 20% thuế VAT giúp giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng rẻ hơn. Đơn cử hàng có giá 1 triệu đồng, khi mức thuế VAT là 10% thuế , tổng số tiền phải trả là 1.100.000 đồng. Nhưng nhờ được giảm thuế còn 8% nên số tiền mà người mua chỉ phải trả cho món hàng đó là 1.080.000 đồng. Với số tiền dư ra nhờ được giảm thuế, người dân lại mua thêm hàng. Và khi tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ sôi động, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ tăng doanh thu, qua đó đóng góp cho ngân sách nhiều hơn", ông Tú phân tích.
Cùng chung quan điểm với TS Nguyễn Ngọc Tú, tuy nhiên, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, một số chuyên gia còn cho rằng, ngoài việc kéo dài việc giảm thuế VAT đến hết năm 2025, chính sách này nên áp dụng cho tất cả các mặt hàng có thuế suất 10% chứ không loại trừ một số nhóm như kinh doanh bất động sản, ngân hàng…