24h

Cần bổ sung phạm vi quản lý, đầu tư vốn Nhà nước vào Dự thảo luật

Gia Nguyễn 23/11/2024 11:05

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị bổ sung phạm vi quản lý, đầu tư vốn Nhà nước…

Theo đó, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 23/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

luat-quan-ly-va-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-23.11.1.1.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Thành Long trình bày tóm tắt Dự án Luật tại hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Thông tin tóm tắt về Dự thảo Luật, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Thành Long cho biết, Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá các hạn chế trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Dự án Luật được thực hiện nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, phạm vi điều chỉnh của Luật số 69/2014/QH13 có nội dung “sử dụng vốn Nhà nước”, “đầu tư vào sản xuất, kinh doanh” thể hiện sự chi tiết, bó hẹp về cách tiếp cận, hạn chế tính tự chủ của doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn, tài sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; còn thể hiện sự can thiệp hành chính của nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp; chưa bao quát được công tác quản lý dòng vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; đồng thời chưa bao gồm nội dung sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Do đó, cần thiết điều chỉnh phạm vi theo hướng không quy định cụ thể nội dung “sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp”. Việc sử dụng vốn, tài sản được quy định theo hướng “đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”; các quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, phải trả được giao cho doanh nghiệp quyết định nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

Cũng theo Phó Thủ tướng, đối tượng áp dụng Dự án Luật là “Doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư khác” là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ".

Đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu, ý kiến đề nghị của các doanh nghiệp, các bộ ngành, đơn vị có liên quan, Chính phủ thống nhất Dự thảo Luật không đưa đối tượng doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư khác vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật và giao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước chịu trách nhiệm.

luat-quan-ly-va-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-23.11.1.2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật tại Hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - Lê Quang Mạnh cho hay, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13.

Quy định của Dự thảo Luật sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, liên quan đến phạm vi điều chỉnh, bên cạnh các doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước, hiện còn có những loại hình doanh nghiệp khác có vốn Nhà nước đầu tư mà chưa được quy định trong phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật.

“Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần xem xét, bổ sung phạm vi quản lý, đầu tư vốn Nhà nước để có các quy định có tính nguyên tắc trong Dự thảo Luật và đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước này với biện pháp, mức độ quản lý phù hợp”, ông Mạnh cho biết.

Về phân phối lợi nhuận và sử dụng Quỹ, ông Mạnh cho rằng, trích lập tối đa 50% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước đầu tư là phù hợp. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị cần quy định cụ thể về thẩm quyền, quyết định, phạm vi, nội dung sử dụng Quỹ, đảm bảo nguyên tắc vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp.

“Về vốn đầu tư Nhà nước vào doanh nghiệp, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm đúng tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW; theo đó, chỉ tập trung đầu tư vốn vào một số doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực then chốt, thiết yếu hoặc lĩnh vực mà các doanh nghiệp khác không đầu tư…”, ông Mạnh chia sẻ.

Đồng thời cho rằng, về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp, nhiều quy định còn can thiệp quyền của doanh nghiệp, do vậy Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn theo nhóm, quy mô, loại hình doanh nghiệp, trong đó lưu ý có quy định riêng đối với một số loại hình doanh nghiệp đặc thù như doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh...

Ngoài ra, cần rà soát, hoàn thiện Điều 12 để quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp; bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất giữa quan điểm xây dựng Luật với các nội dung cụ thể quy định trong Dự thảo Luật; làm rõ nguyên tắc nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

Gia Nguyễn