Nhiều vướng mắc làm “nguội lạnh” dòng đầu tư tư nhân vào dự án PPP
Việc chậm trễ xử lý vướng mắc tại các dự án PPP không chỉ bị ngưng trệ tiến độ mà còn khiến nhà đầu tư thêm vất vả trong việc hoàn thiện hồ sơ khi có sự thay đổi về chính sách.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1436/QĐ-TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức PPP.
Theo đó, sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh giai đoạn 1 của dự án là 14.114,781 tỷ đồng; tổng mức đầu tư giai đoạn 2 sẽ được tính toán chính xác khi xác định được thời điểm bắt đầu thực hiện. Thủ tướng cũng quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án giai đoạn 1. Theo đó, vốn do nhà đầu tư huy động là 4.314,781 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước tham gia lên mức 9.800 tỷ đồng (tương đương 68,76% tổng mức đầu tư, trước đó là 6.580 tỷ đồng).
Tuy nhiên trước thời điểm tháng 11/2023, việc huy động vốn tín dụng của dự án đường cao tốc huyết mạch nối hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn tưởng chừng đi vào ngõ cụt. Hầu hết các ngân hàng quan ngại về tính khả thi, hiệu quả doanh thu của dự án khi tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án chỉ khoảng 46% tổng mức đầu tư.
Cho tới đầu tháng 10/2023, dự án này đã đón nhận tin vui khi Ngân hàng VPBank đã ký hợp đồng tín dụng, cam kết cho doanh nghiệp dự án vay 2.300 tỷ đồng triển khai đầu tư, sau khi đây là một trong hai dự án được Quốc hội cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vượt quá 50% tổng mức đầu tư (không quá 70%) tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023.
Chưa được may mắn tháo gỡ khó khăn dòng vốn như vậy, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng lại đang chật vật với nút thắt dòng vốn để tăng tốc.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả, là đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư cho biết, tại dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, ngân hàng thương mại cổ phần Tiên phong (TPBank) đã cam kết tài trợ vốn tín dụng 2.500 tỷ đồng và đã phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho dự án.
Hiện, công tác thẩm định để cấp nguồn vốn tín dụng cho dự án đang được tiến hành. Song, đại diện liên danh nhà đầu tư cho hay, ngân hàng có cho dự án vay hay không là câu hỏi vẫn chưa xác định được đáp án cụ thể. Một trong những nguyên nhân chính khiến kế hoạch vay vốn tín dụng của dự án này gặp khó được cho biết là đến từ dự án đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn.
Do đó, doanh nghiệp đề xuất tỉnh Lạng Sơn báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tháo gỡ dứt điểm tồn tại của dự án đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn. Đoàn đại biểu Quốc hội hai tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang làm việc với nhà đầu tư, kiến nghị Quốc hội có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương 4.600 tỷ đồng đã được kiểm toán nhà nước xác định cho dự án Bắc Giang-Lạng Sơn và tăng tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tại dự án Hữu Nghị-Chi Lăng.
“Khi dự án gặp khó, nhà đầu tư đã chấp nhận vừa huy động nguồn lực, vừa làm, vừa gỡ khó, đưa dự án về đích, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, khi gặp phải bất cập trong thể chế chính sách, nhà đầu tư rất mong sẽ có sự chung tay của địa phương và các cơ quan quản lý”, đại diện doanh nghiệp dự án bộc bạch.
Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), việc chậm trễ trong xử lý vướng mắc tại các dự án giao thông đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) không chỉ bị ngưng trệ tiến độ mà còn khiến nhà đầu tư thêm vất vả trong việc hoàn thiện hồ sơ khi có sự thay đổi về chính sách.
"Đây là sự lãng phí về thời gian, làm "nguội lạnh" khát vọng cống hiến và đánh mất những cơ hội quý giá để các nhà đầu tư góp phần phát triển đất nước", PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch VARS nhấn mạnh.
Cũng theo đánh giá của vị chuyên gia, hiện nay còn có tình trạng nghị định hướng dẫn đi kèm các phụ lục và quy trình chồng chéo khiến quá trình thực hiện dự án, các chủ thể tham gia, đặc biệt là nhà đầu tư chưa có được sự thuận lợi như kỳ vọng.
Để giải quyết tình trạng này, PGS.TS Trần Chủng cho rằng, cần đưa ra những chế tài và quy định trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, cá nhân liên quan. Điều này nhằm rút ngắn thời gian xử lý vướng mắc, cũng như đảm bảo tiến độ triển khai các dự án.
Nếu thực hiện được các giải pháp trên, thị trường PPP sẽ có cơ hội được "hâm nóng" trở lại, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, khi mà nguồn lực Nhà nước trong tương lai cần tập trung cho các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.