Đầu tư

“Lo ngại” sân bay Long Thành sẽ bị “lỡ nhịp” do các tuyến kết nối chậm tiến độ?

Bài và Ảnh: Hương Giang 25/11/2024 00:30

ACV kiến nghị các bộ ngành, địa phương liên quan chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối nếu không sẽ “lỡ nhịp” khi sân bay Long Thành hoàn thiện, gây lãng phí…

Lo ngại lãng phí vì “chờ” đường kết nối,

Đáng nói, trong khi chủ đầu tư sân bay Long Thành (ACV) và các đơn vị nhà thầu, cung cấp hậu cần đang đẩy nhanh tiến độ để về đích trước thời hạn, thì các tuyến cao tốc và đường kết nối với sân bay Long Thành, đặc biệt là dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Đồng Nai lại đang có dấu hiệu “ì ạch” do vướng công tác giải phóng mặt bằng, đang là những vấn đề đáng chú ý.

Ngày 6/11/2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 747/CP – TTr gửi Quốc hội về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo ACV, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, dự kiến khoảng 80% lưu lượng hành khách quốc tế từ Tân Sơn Nhất sẽ chuyển về Long Thành, với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách/năm. Điều này sẽ tạo áp lực lớn lên các tuyến đường kết nối, đặc biệt là cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Cụ thể, mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã chính thức lên tiếng và kiến nghị UBND TPHCM và bộ ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ việc mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Mục đích nhằm đảm bảo thành công khi đưa sân bay Long Thành vào khai thác giai đoạn 1 hiệu quả, cũng như tránh tình trạng tắc nghẽn giao thông trong quá trình hoạt động.

Cũng theo ACV, khi sân bay đi vào hoạt động, dự kiến khoảng 80% lưu lượng hành khách quốc tế từ Tân Sơn Nhất sẽ chuyển về Long Thành, với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách/năm. Điều này sẽ tạo áp lực lớn lên các tuyến đường kết nối, đặc biệt là cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trong khi đó, việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm kết nối với sân bay hiện đang khá chậm, có thể ảnh hưởng đến việc hoàn thành đồng bộ khi sân bay đi vào hoạt động. Chưa kể, việc kết nối từ các tỉnh miền Tây đến sân bay Long Thành sẽ được thực hiện chủ yếu qua cao tốc Bến Lức - Long Thành.

“Hiện nay, lưu lượng xe trên tuyến cao tốc này tăng trung bình 10,8% mỗi năm. Đặc biệt, đoạn TPHCM - Long Thành được dự báo sẽ có lưu lượng vượt 25% công suất vào năm 2025. Thực tế cho thấy dù sân bay Long Thành chưa hoạt động, thế nhưng, tuyến đường này đã thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là trong các dịp lễ Tết”, ACV thông tin.

Đáng chú ý, theo báo cáo mới nhất của Bộ Giao thông vận tải, dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã khởi công từ đầu năm 2021 và hiện đã hoàn thành việc xây dựng 3/4 dự án thành phần, chỉ còn dự án thành phần 4 đang triển khai chậm hơn so với kế hoạch.

Trong đó, dự án thành phần 1 bao gồm trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước đang được xây dựng đúng tiến độ, gồm các hạng mục như cảng hàng không, hải quan, quản lý xuất nhập cảnh và công an địa phương. Tuy nhiên, trụ sở cơ quan kiểm dịch vẫn đang gặp một số vướng mắc cần giải quyết.

Ở dự án thành phần 2 do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư, công trình đài kiểm soát không lưu đang vượt tiến độ 2 tháng. Hiện tại tháp không lưu đã hoàn thành phần thô và đang trong giai đoạn hoàn thiện, bao gồm công tác gia công, sơn thép mái và lắp đặt hệ thống cơ điện.

Đối với dự án thành phần 3 do ACV làm chủ đầu tư có hai hạng mục quan trọng, gồm: nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh đang được thi công đúng tiến độ mặc dù được đánh giá là phức tạp nhất. Hiện ACV đặt mục tiêu hoàn thành và khai thác kỹ thuật đường cất hạ cánh trước ngày 30/4/2025.

Riêng dự án thành phần 4 gồm 17 hạng mục công trình dịch vụ mặt đất đang có tiến độ chậm hơn. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt 8 hạng mục ưu tiên, trong đó Cục Hàng không Việt Nam đang tiến hành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư cho 7 hạng mục.

Viễn cảnh cùng "đứng bánh" trên cao tốc

Quay trở lại với diễn biến các dự án đường kết nối với sân bay quốc tế Long Thành, mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá việc mở rộng cao tốc là nhiệm vụ cấp bách để đáp ứng nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được xem là giải pháp quan trọng để đáp ứng nhu cầu giao thông khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động (dự kiến năm 2026).

Theo phương án được đề xuất là mở rộng đoạn TPHCM - Long Thành (dài 22km) lên 8 - 10 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 14.955 tỉ đồng. Và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được đề xuất làm chủ đầu tư dự án (giữa năm 2024, VEC đã ký kết hợp đồng khung với Vietcombank về việc thu xếp cấp tín dụng cho dự án).

Theo đánh giá của chuyên gia, thời gian chuẩn bị đầu tư và thiết kế kỹ thuật cho một tuyến cao tốc thường kéo dài khoảng một năm. Song, nếu thủ tục được rút ngắn, dự án có thể khởi công vào năm 2025 và hoàn thành sau 2 năm. Như vậy, đây sẽ là một trong những lo ngại vì dự án này sẽ triển khai chậm hơn so với thời điểm khai thác sân bay Long Thành.

cao tốc Biên Hoà
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai vẫn "ì ách" thi công và có khả năng chậm tiến độ do vướng khâu giải phóng mặt bằng.

Các tuyến kết nối bị “đứt đoạn”?

Theo ghi nhận của PV Diễn đàn Doanh nghiệp tại nút giao An Phú (TPCHM), điểm đầu cao tốc đang được thi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Hiện nay, HĐND TPHCM cũng đã thông qua chủ trương mở rộng đường dẫn vào cao tốc từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2, nâng từ 4 làn lên 8 làn xe với tổng mức đầu tư 938,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự án này dự kiến khởi công vào quý 3/2025 và phải tới quý 4/2026 mới chính thức hoàn thành.

Tương tự, ghi nhận của PV tại tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, một trong những tuyến đường quan trọng kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ với sân bay Long Thành. Song, tiến độ thi công toàn tuyến đang bị đứt đoạn tại địa bàn tỉnh Đồng Nai do gặp nhiều vướng mắc và chủ yếu liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, tại đoạn cuối tuyến thuộc xã Hòa Long, TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), các nhà thầu đã bắt đầu thảm nhựa những cây số đầu tiên. Đây là dự án thành phần 3 với chiều dài 19,5km.

Theo Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải, cho biết hiện địa phương đã giải phóng được 100% mặt bằng cho dự án thành phần 3. Về nguồn vốn, dự án được bố trí gần 1.190 tỉ đồng từ ngân sách trung ương trong năm 2024 và đã giải ngân được 796 tỉ đồng (đạt 67%).

Liên quan tới tiến độ thi công, trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Công ty Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (nhà thầu thi công - dự án thành phần - tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), cho biết hiện nhà thầu đang triển khai thi công đồng loạt với hơn 15 mũi thi công, sử dụng hơn 220 thiết bị và 415 nhân sự. Tổng khối lượng công việc đã hoàn thành khoảng 50%. Các đơn vị cam kết sẽ thông xe kỹ thuật trước ngày 30/4/2025.

Trái ngược lại tại tỉnh Đồng Nai, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang gặp nhiều khó khăn trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Theo Ban Quản lý dự án 85, hiện dự án thành phần 1 (đoạn qua TP Biên Hòa và huyện Long Thành), trong tổng số 137ha cần giải phóng mặt bằng, Đồng Nai mới chỉ bàn giao được gần 88ha. Còn dự án thành phần 2 (qua huyện Long Thành) đã bàn giao gần 158ha (đạt 87%), nhưng diện tích có thể thi công chỉ hơn 104ha do vướng mắc như người dân không cho thi công hoặc chưa di dời hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài vấn đề giải phóng mặt bằng, dự án còn đang thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu đất đắp, ước tính khoảng 4 triệu m3. Hiện, Ban Quản lý dự án 85 đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho phép khai thác khu vực xã Phước Bình (huyện Long Thành) và các nguồn đất khác để đảm bảo tiến độ dự án. Đồng thời, Ban Quản lý dự án 85 cũng kiến nghị tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong tháng 11, đặc biệt ưu tiên các vị trí cần thiết để nhà thầu có thể thi công đồng bộ.

Bài và Ảnh: Hương Giang