Tín dụng - Ngân hàng

Vì sao Ngân hàng Nhà nước "ưu tiên" kênh thị trường mở?

Đoàn Minh Tuấn - Trưởng phòng Nghiên cứu & Đầu tư, FIDT 25/11/2024 04:50

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng trên thị trường mở (OMO), giúp giảm áp lực thanh khoản và lãi suất liên ngân hàng.

Áp lực tỷ giá tiếp tục phụ thuộc xu hướng toàn cầu

Có thể thấy, kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ với các chính sách kinh tế đã được định hình, thị trường tài chính toàn cầu đang phản ánh mạnh xu hướng Mỹ có lợi, và tất cả đều chịu rủi ro, theo đúng quan điểm “Make America Great Again” mà ông Donald Trump đã hứa hẹn.

DXY 1

2 đề xuất chính sách quan trọng của chính quyền Donald Trump sắp tới, ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường tài chính toàn cầu gồm chính sách ủng hộ kinh tế, ủng hộ ngành Ngân hàng và Crypto; và chính sách thuế nhập khẩu toàn cầu.

Vì chính sách ủng hộ kinh tế Mỹ cực đoan, đề xuất chính sách của ông Donald Trump đã khiến kỳ vọng của thị trường rất cao về tăng trưởng kinh tế Mỹ, trong khi rủi ro đến tất cả các nền kinh tế xuất khẩu mạnh sang Mỹ.

Nhìn vào biến số lãi suất USD trung hạn (lợi suất TPCP Mỹ 10 năm) đang cho thấy điều đó, khi đã tăng mạnh, thể hiện kỳ vọng tăng trưởng kinh tế - lạm phát cao trung hạn.

Thị trường cũng đang phản ánh lãi suất USD ngắn hạn duy trì mức cao. Theo đó, Fed dự kiến duy trì mức lãi suất 4,0% - 4,3% trong xuyên suốt 2024. Chênh lệch về triển vọng lãi suất và tăng trưởng kinh tế đã đẩy DXY tăng rất mạnh, rơi vào vùng rủi ro lớn nhất theo chúng tôi đánh giá. Khi DXY tăng rất mạnh có thể gây ra biến động mạnh về tỷ giá và dòng tiền trên toàn cầu. (Tương tự các giai đoạn áp lực tỷ giá xuất hiện trên toàn cầu cùng với DXY: quý 3/2022, quý 3/2023, tháng 4/2024).

NHNN "ưu tiên" kênh thị trường mở

Khi DXY tăng cao (và cả các kênh tài sản khác như Crypto tăng “điên cuồng), VND cũng đang bị ảnh hưởng tiêu cực tương tự. Xu hướng tỷ giá hiện tại đang liên tục neo đỉnh vùng 25.500 VND/USD, không có tín hiệu giảm nhiệt.

Các ngân hàng dự kiến tăng trưởng lợi nhuận tích cực cho cả năm 2024. Ảnh minh họa: T.L
NHNN bơm ròng thanh khoản lượng lớn qua OMO. Ảnh minh họa: T.L

Điểm tích cực là NHNN vẫn chưa bán ra USD trong kỳ áp lực tỷ giá lần này. Ảnh hưởng từ hoạt động ngoại hối khiến thanh khoản liên ngân hàng thắt chặt, lãi suất liên ngân hàng qua đêm và 1 tuần liên tục neo vùng 4,7% - 5,0%, đồng thời NHNN bơm ra thanh khoản lượng lớn trên OMO.

Tính đến 20/11/2024, NHNN bơm ròng khoảng 110 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở, xấp xỉ lượng hút ròng 124 nghìn tỷ đồng trong tháng trước.

Cụ thể, theo dữ liệu ghi nhận, ở kênh cầm cố, NHNN đã bơm ròng khoảng 42 nghìn tỷ đồng, chủ yếu thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất 4,0%/năm. Đối với kênh tín phiếu, quy mô phát hành tín phiếu đã giảm đáng kể trong tháng 11, chỉ khoảng hơn 9 nghìn tỷ đồng, lượng tiền bơm ròng qua kênh tín phiếu đến từ lượng tín phiếu phát hành trong tháng trước đáo hạn. Phần lớn tín phiếu được phát hành trong tháng qua có kỳ hạn 28 ngày, lãi suất bình quân xấp xỉ 4,0%/năm. Tại ngày 20/11, lượng tín phiếu lưu hành là khoảng 21 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, giá trị đang lưu hành ở kênh cầm cố là 78 nghìn tỷ đồng.

Sự tham gia đông đảo của các thành viên trên thị trường mở cho thấy nhu cầu về thanh khoản ngắn hạn. Hay nói cách khác, thị trường ngoại hối đang ảnh hưởng đến thanh khoản và lãi suất liên ngân hàng và nhà điều hành đã phải can thiệp mạnh qua kênh OMO, khi dự trữ ngoại hối không còn dồi dào như trước.

Việc dự trữ ngoại hối đã bán (nhiều tỷ USD giai đoạn trước) và nhu cầu ngoại tệ ngắn hạn cao, là điều kiện không tốt để phòng vệ trường hợp DXY tăng cao 108 – 110, nếu xảy ra kịch bản tiêu cực. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, các ảnh hưởng liên thông từ toàn cầu đến tỷ giá và lãi suất Việt Nam hiện tại đang là tự nhiên, chưa có rủi ro quá lớn, song rủi ro hiện diện liên tục. Vì vậy, sự cẩn trọng với nhóm rủi ro tỷ giá – thanh khoản là cần thiết.

Trong kịch bản cơ sở, với nguồn cung USD dự kiến ổn định và dồi dào cuối năm, chúng tôi cho rằng áp lực tỷ giá chỉ xuất hiện trên thị trường tài chính và liên ngân hàng, chưa có rủi ro tỷ giá trung hạn hiện tại. NHNN vẫn khá tự tin với động thái chưa bán USD của mình, cho thấy hệ thống ngân hàng cũng chưa thiếu hụt USD. Lãi suất qua đêm sẽ được duy trì mức 4,5% - 5,0%, với thanh khoản sẽ được điều tiết ổn định từ NHNN thông qua OMO. Chúng tôi kỳ vọng không có rủi ro thanh khoản ngắn hạn, vì khả năng quản lý thanh khoản tốt và chủ động từ NHNN.

Đoàn Minh Tuấn - Trưởng phòng Nghiên cứu & Đầu tư, FIDT