Hải Dương: Phát triển thương hiệu doanh nghiệp Việt
Phát triển thương hiệu doanh nghiệp Việt là góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, đồng thời mở thêm cơ hội trong sản xuất, kinh doanh.
Nâng tầm vị thế
Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ nối tiếp của doanh nhân, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, góp sức tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Muốn thực hiện khát vọng mục tiêu đó, thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã chú trọng phát triển thương hiệu doanh nghiệp Việt.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hải Dương, việc phát triển thương hiệu Việt là góp phần góp phần khẳng định chất lượng, uy tín của hàng hoá, dịch vụ Việt Nam nói chung và hàng hóa Hải Dương nói riêng. Năm 2024, Hải Dương có 5 doanh nghiệp được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, đồng thời mở thêm cơ hội trong sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Hữu Bắc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đá mài Hải Dương cho biết: Vượt qua hơn 1.000 doanh nghiệp trong cả nước, Công ty lần đầu góp mặt đã lọt vào top 190 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024.
Ông Bắc cho biết: Trước khi được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024, Công ty đã được người tiêu dùng bình chọn là Thương hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu cạnh tranh quốc gia. Với Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Công ty tiếp tục khẳng định vị thế đi đầu trong sản xuất các sản phẩm đá mài, hạt mài tại Việt Nam. Mục tiêu của doanh nghiệp là tăng cường sản xuất hàng xuất khẩu, hướng tới xuất khẩu trực tiếp tới các thị trường cụ thể thay thế cho việc chỉ xuất khẩu thương mại
Còn ông Nguyễn Hữu Thức - Tổng Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu khẳng định: Duy trì Thương hiệu quốc gia Việt Nam trước hết là sự khẳng định đối với việc tái hiện thành công chất liệu gốm Chu Đậu truyền thống. Hơn thế còn thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của Công ty về chất lượng nghệ thuật, đa dạng mẫu mã sản phẩm, bổ sung chất liệu mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước
Theo ông Thức, trên nền tảng khôi phục nghề truyền thống gốm Chu Đậu từng thất truyền nhiều thế kỷ, Công ty đã nhanh chóng phát triển các dòng sản phẩm gốm cổ truyền kết hợp nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Từ hơn chục mẫu sản phẩm ban đầu, đến nay Công ty đã có trên 1.000 mẫu sản phẩm. Từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm Công ty cung cấp cho thị trường 50.000-65.000 sản phẩm, với 25% là hàng xuất khẩu. Đó là cơ sở để Công ty đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp.
Chú trọng thương hiệu
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng Phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương cho biết, hiện nay, các hiệp hội ngành hàng cũng đã có nhiều chiến lược nâng đỡ doanh nghiệp Việt, phát triển thương hiệu Việt, với những hoạt động xúc tiến thương mại mẽ.
Đại diện Công ty CP Thép Minh Phú - Hải Dương cho biết, năm 2016 đã đầu tư xây dựng nhà máy ống thép trên 3,6 ha đất tại KCN Tân Trường với tổng vốn đầu tư 288 tỷ đồng, công suất gia công trên 150.000 tấn sản phẩm/năm.
Đến tháng 5/2024, Nhà máy Thép Minh Phú - Hải Dương điều chỉnh tăng vốn lần 3 để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện tổng vốn đầu tư đăng ký của doanh nghiệp đạt 528 tỷ đồng. Quy mô sản xuất của nhà máy theo thiết kế hiện đạt 1,3 triệu tấn/năm, với các sản phẩm thép cuộn, ống hộp tôn mạ kẽm, phụ kiện kết cấu thép. Để duy trì Thương hiệu quốc gia Việt Nam, doanh nghiệp đã đầu tư đồng bộ máy móc, thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế trong các khâu sản xuất.
Đặc biệt, Công ty sử dụng hệ thống quản lý chất lượng đạt ISO 9001-2015 được số hóa toàn bộ sử dụng Barcode và QR code chạy trên phần mềm hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (ERP) được thiết kế chuyên biệt. Doanh nghiệp luôn duy trì tăng trưởng bình quân trên 25%/năm. Với sản phẩm ống thép mạ kẽm Minh Phú, Công ty vừa lần thứ 3 liên tiếp đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Đại diện Công ty TNHH Long Hải chia sẻ, ngay từ những năm đầu đi vào sản xuất, kinh doanh, Ban lãnh đạo Công ty đã chú trọng xây dựng thương hiệu để tạo sức mạnh cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Công ty chọn cách chia nhỏ phân khúc khách hàng ở các thị trường khác nhau nhằm đánh giá mức độ phù hợp của sản phẩm, sau đó cân nhắc chi phí và doanh thu dài hạn rồi tìm cách xây dựng thương hiệu. Năm 2023, Công ty đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 4 liên tiếp.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thời gian qua, Hải Dương có nhiều doanh nghiệp có thương hiệu phát triển thị trường Quốc tế và tạo tiếng vang nhất định. Tuy nhiên, thương hiệu là giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp, nhưng chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, mà vẫn có xu hướng thiên về giá trị tài sản hữu hình.
“Trong những khảo sát mà chúng tôi thực hiện, tỉ lệ doanh nghiệp chú trọng đến xây dựng và phát triển thương hiệu vẫn chưa đạt đến 30%, và có sự chênh lệch rất nhiều trong định vị hình ảnh và phát triển thương hiệu giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại. Doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, tạo ra thị trường trước, sau khi có thị trường, có nguồn doanh thu nhất định rồi thì doanh nghiệp đó dành một phần doanh thu cho chi phí phát triển và quảng bá thương hiệu, và con số này rất ít ỏi”- vị này cho biết.
Để đạt được thành quả, doanh nghiệp và doanh nhân luôn cần đổi mới sáng tạo và phát triển không ngừng, năng lực và tầm nhìn quyết định cơ hội. Thương hiệu quốc gia Việt Nam góp phần quan trọng tạo nền móng cho doanh nghiệp Hải Dương. Bằng việc tận dụng tối đa các giá trị cốt lõi sản sinh ra trong quy trình duy trì và phát triển các sản phẩm đã được vinh danh, doanh nghiệp Hải Dương tiếp tục khẳng định chỗ đứng trên thị trường.