Dự thảo “Luật Dược 2016” tạo nên sức mạnh cộng hưởng liên kết trong ngành
Năm 2024, các doanh nghiệp trong lĩnh vực Dược & Thiết bị y tế, Chăm sóc sức khỏe, đánh dấu bước ngoặt quan trọng đưa tiến bộ y học và công nghệ tiên tiến đến với cộng đồng.
Đây là nhân tố trọng yếu cho sự phát triển toàn diện của quốc gia, không chỉ thúc đẩy nền kinh tế mà còn chăm sóc và bảo vệ tài sản cốt lõi của xã hội - sức khỏe con người. Thời điểm để doanh nghiệp khẳng định năng lực cạnh tranh, chứng minh uy tín thương hiệu và củng cố nền móng tăng trưởng, góp phần xây dựng và đảm bảo sự vận hành thông suốt của một hệ sinh thái y tế bền vững và toàn diện, định vị Việt Nam trên bản đồ chăm sóc sức khỏe thế giới.
Tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các thủ tục hành chính.
Theo ghi nhận từ khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp đánh giá rằng tuy có những khó khăn nhất định trong ngắn hạn đối với việc thích ứng các quy định, nhưng môi trường kinh doanh mới với hành lang pháp lý rõ ràng là cơ hội để doanh nghiệp định hướng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, chứng minh năng lực và khẳng định vị thế, xây dựng niềm tin của khách hàng.
Không những thế, nhiều điều khoản trong dự thảo hướng đến việc khuyến khích sản xuất thuốc trong nước, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các quy định về đăng ký, cấp phép, kiểm nghiệm được làm rõ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Trong đó, năm 2024 một số chính sách quan trọng liên quan đang được chỉnh sửa, thay đổi, đặc biệt, việc rà soát và sửa đổi các quy định quan trọng trong Luật Dược 2016 đang được thực hiện nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, định hình cấu trúc thị trường và sự phát triển bền vững của ngành trong những thập kỷ tới.
Điểm mới nổi bật cùng với một số điểm nhấn quan trọng được đưa ra trong Dự thảo bao gồm: Thể chế toàn bộ các cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù liên quan lĩnh vực dược trong giai đoạn dịch Covid-19; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược mang tính đột phá so với Luật Dược 2016 để thu hút đầu tư và thúc đẩy nghiên cứu phát triển; Đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Đơn giản hóa thủ tục hành chính về trình tự, thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc; Thêm các giải pháp quản lý chặt chẽ giá thuốc.
Dự thảo sửa đổi Luật Dược lần này tập trung vào việc quản lý giá thuốc một cách chặt chẽ nhằm bình ổn thị trường, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Giá 2023 và các đặc thù riêng của ngành dược. Chính sách quản lý giá thuốc được xây dựng trên cơ sở tôn trọng cơ chế thị trường, cho phép các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự định giá và cạnh tranh giá cả trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, nguyên tắc này hướng đến việc cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và Nhà nước, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tất cả các bên liên quan.
Từ đầu năm ngoái, nhiều văn bản pháp lý mới giúp khơi thông những khó khăn của ngành Dược & Thiết bị y tế, Chăm sóc sức khỏe đã được ban hành như Nghị quyết 80/2023/QH15, Nghị định 07/2023/NĐ-CP, Nghị quyết số 30/NQ-CP, Thông tư 06/2023/TT-BYT. Nếu được thông qua, Dự thảo Luật Dược sửa đổi được tin tưởng sẽ tiếp tục giải quyết những điểm nghẽn, bất cập còn tồn tại, cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và hiện đại hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, hứa hẹn mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chính sách ưu tiên theo kiến nghị của doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy top 5 chính sách được kiến nghị ưu tiên theo góc nhìn của doanh nghiệp ngành Dược & Thiết bị y tế, Chăm sóc sức khỏe. Việc hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về hoạt động sản xuất và lưu thông dược phẩm, thiết bị y tế tiếp tục là ưu tiên đứng đầu với tỷ lệ doanh nghiệp bình chọn lên đến 70,6%, thể hiện mong muốn một hành lang pháp lý rõ ràng và ổn định để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Việc thiết lập các quy định minh bạch cũng tạo ra sự công bằng trong cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều có cơ hội phát triển. Các chính sách ổn định sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu sản phẩm, đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững trong ngành.
Một xu hướng đáng chú ý được quan sát là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị ưu tiên việc phát triển và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dược phẩm và thiết bị y tế, đặc biệt là sự chú trọng vào ứng dụng công nghệ như Big Data trong việc lưu trữ và phân tích dữ liệu ngành (+15,5% so với kết quả khảo sát năm 2023).
Điều này phản ánh sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của dữ liệu số trong thời đại công nghiệp 4.0. Công nghệ không chỉ giúp các doanh nghiệp và cơ quan quản lý có cái nhìn sâu sắc hơn về xu hướng tiêu dùng, hành vi thị trường, mà còn hỗ trợ tối ưu hóa quy trình sản xuất, phân phối và quản lý dược phẩm, thiết bị y tế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ có thêm các hỗ trợ quy hoạch doanh nghiệp Dược vào cụm công nghiệp phát triển công nghệ cao có cơ sở hạ tầng phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và phân phối dược phẩm, cũng như tạo điều kiện, kết nối để các doanh nghiệp dược Việt Nam xúc tiến và tiếp cận các thị trường mới. Đồng thời, những doanh nghiệp này không chỉ mở đường mà còn thúc đẩy sự liên kết trong ngành để tạo nên sức mạnh cộng hưởng, hình thành hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe Việt Nam đủ mạnh để cạnh tranh trên trường quốc tế.