Thanh khoản thấp, chứng khoán vào giai đoạn “lên trong nghi ngờ”?
Thanh khoản thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục duy trì ổn định ở mức thấp, dòng tiền chủ yếu tìm đến các ngành đã có định giá hấp dẫn.
Khối ngoại ngắt chuỗi bán ròng
Kết thúc phiên giao dịch mở đầu tuần 25/11, chỉ số VN-Index tăng mạnh +6,60 điểm, tương đương +0,54% so với phiên trước, lên 1.234,70 điểm. Thanh khoản chỉ khoảng 11.953,766 tỷ đồng , với sự phân bổ dòng tiền tập trung vào các nhóm ngành nổi bật như bất động sản, với VHM tiếp tục có tác động tích cực cho thị trường, Chứng khoán, hay một số mã ngân hàng như VCB, trong khi có sự giằng co lực bán dẫn đến ACB, MBB... giảm điểm.
Khối ngoại phiên này mua ròng +189,1 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất bao gồm MSN (+89,4 tỷ đồng), FPT (+69,6 tỷ đồng), và CTG (+55,3 tỷ đồng). Nhóm ngành được khối ngoại mua ròng đáng kể bao gồm Ngân hàng (+21,6 tỷ đồng), Tài nguyên cơ bản (+29,2 tỷ đồng), và Công nghệ thông tin (+35,5 tỷ đồng). Ngược lại, một số nhóm ngành như Bất động sản (-96,8 tỷ đồng) và Dịch vụ tài chính (-55,0 tỷ đồng) vẫn chịu áp lực bán. Nhìn chung, động thái này trái ngược với xu hướng khối ngoại quay lại bán ròng 2 tuần gần đây, và bán mạnh như ở thời điểm tháng 4 đến tháng 7.
Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, có điểm đáng mừng là dòng tiền nhà đầu tư trong nước khá độc lập, không chạy theo làn sóng bán ròng của khối ngoại. Chính vì vậy, thị trường sẽ có mức độ cung cầu cân bằng hơn. “Ở thời điểm hiện tại, khi mà định giá các ngành và cổ phiếu bắt đầu hấp dẫn, tôi tin rằng dòng tiền trong nước sẽ là một trong động lực cho thị trường sớm tạo vùng ổn định”, ông Dương nói.
Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu VPBankS cũng cho biết, dựa trên phân tích kỹ thuật, những đáy nhọn của VN-Index thường rơi vào thời điểm thanh khoản thấp, điều này mô tả hành vi nhà đầu tư là dòng tiền không phải lướt sóng ngắn hạn tham gia dần vào thị trường khi định giá rẻ. Người ta thường nói giai đoạn này là “lên trong nghi ngờ”. Bởi đến khi thanh khoản tăng trở lại và xác nhận thị trường phục hồi thì thường đã tăng được một khoảng rồi.
Thứ 2, cân bằng về mặt cung cầu trong kỹ thuật là khi chạm các ngưỡng hỗ trợ. Các nhà đầu tư đổ xô bán cổ phiếu thì thanh khoản tăng và giá giảm, trong trường hợp thanh khoản giảm dần nhưng giá không còn giảm nữa là một trong những dấu hiện cho thấy đáy ngắn hạn.
Về mặt cơ bản, hầu hết ngành nghề và cổ phiếu đều đang đi vào vùng giá hấp dẫn rồi, ông nhấn mạnh.
Định giá thị trường đã rẻ?
Dữ liệu lịch sử của VPBankS đo lường 16 ngành cấp 2 trong 8 năm cho thấy có 9/16 ngành cấp 2 đang giao dịch ở mức P/E dưới mức bình quân 8 năm, trong đó có 5 ngành về gần mức thấp nhất của chu kỳ 8 năm. Đối với chỉ tiêu P/B thì có 14/16 ngành giao dịch dưới mức bình quân 8 năm, trong đó có 6 ngành gần mức thấp nhất 8 năm.
Đồng thời, P/B của VN-Index đang ở 1,6 lần trong khi mức thấp nhất trong 8 năm là 1,5 lần và bình quân là 2,2 lần. Theo đó, định giá của VN-Index cũng đã về mức thấp hơn rất nhiều so với bình quân và chỉ còn cách đáy một chút.
Định giá cổ phiếu với ngành rẻ và hấp dẫn cũng được nhiều tổ chức đưa ra. Trong khuyến nghị dành cho nhà đầu tư, ông Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích FIDT cho biết, về yếu tố định giá thị trường, VN-Index vùng 1.200 – 1.220 tương ứng P/E xung quanh 12.8 – 12.9 lần hiện tại. Với tốc độ tăng trưởng EPS trung bình đạt ổn định 15% - 17%/năm, vùng P/E forward 2025 dự kiến 11,1 – 11,3 lần.
“Đây là vùng định giá thấp trong xuyên suốt giai đoạn dài hơn 10 năm qua 2015 – 2024.
Bên cạnh đó, dữ liệu cho thấy khối ngoại thường sẽ chủ động dừng bán tại vùng 1.200 – 1.220, khi đây cũng là vùng định giá cân bằng trung hạn đối với dòng tiền tổ chức. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại, điều kiện rủi ro tài chính toàn cầu và trong nước đang ở mức khá cao trong ngắn hạn. 1 loạt các biến số tài chính vẫn ở vùng rủi ro cao”, ông Tuấn nhận định.
Với định giá P/E và P/B VN-Index từ 2020-2024, dữ liệu lịch sử chỉ ra xu hướng P/E liên tục điều chỉnh từ trung bình 14,5 (2010 – 2024) xuống chỉ còn mức 12,9, thấp hơn khoảng 1 Độ lệch chuẩn so với trung bình (-12%), trong xu hướng tăng trưởng kinh tế và doanh nghiệp tốt dần. Tương tự, xu hướng P/B liên tục điều chỉnh xuống chỉ còn mức 1,63, thấp hơn khoảng 1 Độ lệch chuẩn so với trung bình (-18%), trong xu hướng tăng trưởng kinh tế và doanh nghiệp đang tốt dần, theo đại diện FIDT
Ông Đào Hồng Dương, nhấn mạnh những ngành đang có định giá hấp dẫn, P/E thấp hơn mức bình quân 8 năm có thể nêu ra là thực phẩm và đồ uống, tài nguyên cơ bản, bất động sản, hàng và dịch vụ công nghiệp, điện nước và xăng dầu khí đốt, bảo hiểm, ngân hàng.
Nếu xét về P/B thì con số ngành về mức hấp dẫn nhiều hơn nữa, gồm bất động sản, dầu khí, bán lẻ, thực phẩm đồ uống, ngân hàng, bảo hiểm, điện, nước, xây dựng… Tức là gần như toàn bộ lĩnh vực.
“Số liệu thống kê cho thấy bức tranh về mặt bằng định giá của các ngành trên thị trường đang ở mức hấp dẫn, thấp nhất trong chu kỳ 8 năm. Việc đầu tư vào ở vùng định giá thấp giúp hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, mức độ lợi nhuận là bao nhiêu thì phải đi sâu vào triển vọng của ngành trong tương lai.
“Nếu như chúng ta có nhận định rằng triển vọng của một ngành nào đó có thể tăng trưởng tốt trong 2025 so với 2024 thì rõ ràng mua được với mức giá thấp hơn bình quân 10 năm là cơ hội tốt có thể nghiên cứu đầu tư được”, ông Dương nói.
Từ bài học của thị trường khác (Nhật Bản), khi mà chiết khấu thị trường đủ lớn, mặt bằng giá đủ thấp thì nhà đầu tư sẽ không bán ròng nữa. Trong đợt sóng của thị trường Nhật Bản, cơn hoảng loạn chỉ diễn ra trong 2 ngày và sau đó cân bằng lại rất nhanh. Đây là điểm đáng lưu ý. Khi thị trường bị ảnh hưởng, nếu chúng ta chạy theo mà không nhìn lại bao giờ họ dừng bán thì mất cơ hội. Bởi trong một thị trường định giá hấp dẫn, nếu khối ngoại dừng bán thì nhịp hồi đến rất nhanh, theo ông Đào Hồng Dương. Ông cũng đánh giá có khoảng một nửa số ngành khả quan trong thời gian tới.