Nghiên cứu - Trao đổi

Hóa giải “nguy cơ” cho ngành thép - Bài 2: Cân nhắc áp dụng các biện pháp phù hợp

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 29/11/2024 05:00

Để hóa giải nguy cơ cho ngành thép, việc bảo vệ nhà sản xuất trong nước trở nên vô cùng quan trọng, vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc áp dụng các biện pháp phù hợp.

Như Diễn đàn Doanh nghiệp thông tin, thép nhập khẩu giá rẻ vẫn có xu hướng gia tăng đã và đang khiến các doanh nghiệp thép trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng nói, sau Quyết định số 3098/QĐ-BCT ngày 25/11/2024 của Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại đã ban hành Thông báo về việc “Điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá đối với nhóm Công ty Jinxi trên cơ sở rà soát lần thứ hai việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa" thì nguy cơ của các doanh nghiệp ngày càng lớn.

Trước thực trạng đã nêu, nếu không sớm có biện pháp can thiệp và phòng vệ kịp thời, nhiều khả năng thị phần thép trong nước hoàn toàn có thể sẽ bị thép nhập khẩu nước ngoài chi phối.

amh-thep-bai-2.1.jpg
Nếu không sớm có biện pháp can thiệp và phòng vệ kịp thời, nhiều khả năng thị phần thép trong nước hoàn toàn có thể sẽ bị thép nhập khẩu nước ngoài chi phối - Ảnh minh họa

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, mới đây, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, vừa qua Hiệp hội đã có những ý kiến nhất định đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh lên các cơ quan, ban ngành liên quan. Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu từ Nhật Bản khi xu hướng nhập khẩu sản phẩm này đang ngày càng tăng và liên tục hơn, gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới ngành sản xuất trong nước.

Hiệp hội luôn kiên định với quan điểm bảo vệ và ủng hộ các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước, tạo mọi điều kiện để họ có thể duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Chỉ có như thế, ngành thép Việt Nam nói chung và thép hình chữ H nói riêng mới ngày càng vững mạnh và thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nguồn hàng ngoại nhập.

“Hiệp hội cũng luôn tin tưởng rằng các cơ quan Nhà nước Việt Nam sẽ luôn bảo vệ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước trước những mối đe dọa từ các hành vi không lành mạnh, bất kể là đến từ quốc gia nào, để doanh nghiệp có thể tự tin đầu tư và phát triển, đóng góp vào sự hưng thịnh của ngành nói riêng và cả nước nói chung”, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam bày tỏ.

amh-thep-bai-2.2.jpg
Theo chuyên gia, cần lập hàng rào kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế để ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng - Ảnh minh họa

Trước sự “xâm lấn” của thép giá rẻ từ Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực, đại diện Công ty Cổ phần Thép Posco Yamato Vina (PYVina) cho rằng, xây dựng Việt Nam trong thập kỷ trở lại đây đang trên đà phát triển mạnh mẽ, mang lại diện mạo mới cho các đô thị. Tuy nhiên, sự phát triển này phụ thuộc rất nhiều vào các vật liệu xây dựng chất lượng cao được sản xuất trong nước. Đặc biệt, thép hình chữ H đang được sử dụng rộng rãi và đóng một vai trò quan trọng trong ngành xây dựng của nước nhà bởi nó cung cấp sự kết hợp độc đáo giữa độ bền vượt trội cho phép chịu tải trọng lớn, tính tiết kiệm vật liệu và tính linh hoạt trong các thiết kế công trình với không gian mở.

Các doanh nghiệp sản xuất thép hình cỡ lớn trong nước đã có thể đáp ứng nhu cầu thị trường với những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý cho đường dây tải điện 500KV Mạch 3 (thép góc cỡ lớn), dự án Nhà ga T3-sân bay Tân Sơn Nhất (thép U) cũng như cung cấp thép hình chữ H làm thép kết cấu hỗ trợ trong thi công hầm xuyên núi của các dự án đường cao tốc.

Hiện nay, PYVina đang nghiên cứu phát triển sản phẩm mới khác như thép V lệch (Inverted Angle) phục vụ công nghiệp đóng tàu, hay thép ray phục vụ các công trình dự án đường sắt trong và ngoài nước. Điều này chứng minh được rằng, ngành sản xuất trong nước đã và đang làm tốt vai trò của mình, giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn hàng ngoại nhập giá rẻ, chất lượng khó kiểm định.

Theo đại diện PYVina, thép hình chữ H đóng vai trò không thể phủ nhận trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trước tình hình ngành thép lại đang đứng trước thách thức dư thừa công suất của Trung Quốc và toàn cầu, Việt Nam cũng cân nhắc tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh tại thị trường nội địa, đồng thời đảm bảo an ninh nguồn vật liệu chiến lược và phát triển bền vững ngành xây dựng đã đáp ứng về công suất cũng như tiêu chuẩn chất lượng.

“Chỉ bằng cách bảo vệ ngành sản xuất, chính phủ sẽ góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển độc lập và bền vững của ngành xây dựng Việt Nam. Thép hình chữ H nội địa chất lượng cao sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án công trình trọng điểm, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong nước”, đại diện PYVina bày tỏ.

Xoay quanh những nguy cơ của ngành thép về việc “xâm lấn” thị trường của hàng giá rẻ, trước đó, không ít chuyên gia cũng cho rằng, các cơ quan quản lý cần chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Việt Nam thời gian qua đã có 12/28 vụ phòng vệ thương mại là đối với các sản phẩm thép, chiếm khoảng 46% tổng các vụ phòng vệ thương mại đã từng tiến hành đối với tất cả các loại sản phẩm ở Việt Nam cho đến nay. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra 73 vụ phòng vệ thương mại với thép xuất khẩu Việt Nam. Điều đó cho thấy, các nước vận dụng rất nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường sở tại.

Vì thế, cần lập hàng rào kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế để ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng. Mặt khác, xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam.

Liên quan tới thực trạng đáng lo ngại của ngành Thép sản xuất trong nước cũng như những thiệt hại nặng nề mà ngành đang phải gánh chịu, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng:

Từ năm 2022 đến nay, sản lượng bán hàng trong nước (sản xuất trong nước) của ngành liên tục giảm. Gần đây nhất, vào quý 3/2024 sản lượng đã giảm ~19% sovới quý 2/2024 và dự kiến tình hình quý 4 sẽ còn khó khăn hơn nếu nhu cầu thép hình H không cải thiện cũng như nguồn hàng nhập khẩu vẫn tiếp tục tràn về.
Trước đó, VSA đã báo cáo Cơ quan Nhà nước về tình hình nhập khẩu các sản phẩm thép hình chữ H giá rẻ từ các nước vẫn liên tục tăng cao, gây ra rất nhiều khó khăn cho nhà sản xuất và doanh nghiệp trong nước.
Ngày 25/11/2024 vừa qua, theo Quyết định số 3098/QĐ-BCT ngày 25/11/2024 của Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương, mức thuế chống bán phá giá thép hình chữ H xuất xứ Trung Quốc (nhóm Jinxi) giảm mạnh từ 22.09% xuống còn ~13.38%. Với mức thuế này, có thể tình hình khó khăn của ngành sản xuất trong nước sẽ đáng báo động hơn.

Hiệp Hội đề nghị các nhà sản xuất thép hình trong nước nghiên cứu, tổng hợp số liệu chính xác để báo cáo Cơ quan điều tra, Hiệp hội Thép Việt Nam để xem xét cũng như có những phương án hỗ trợ phù hợp và kịp thời để bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh, duy trì sự tồn tại của ngành sản xuất thép H trong nước trong thời gian tới. Một trong những ngành công nghiệp quan trọng và then chốt trong các dự án trọng điểm nhà nước, hướng tới sự phát triển vững mạnh và trường tồn của quốc gia.


Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn