Kinh tế địa phương

Doanh nghiệp nào muốn “rót tiền” vào dự án điện khí ở Nghệ An?

Hồng Quang 26/11/2024 11:36

Dự án Nhà máy điện khí LNG với tổng mức đầu tư 2,15 tỷ USD ở Nghệ An đang nhận được sự quan tâm của nhiều “ông lớn” trong ngành năng lượng…

Đây là 1 trong 14 dự án nhiệt điện sử dụng khí LNG thuộc danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành Điện tới năm 2030, nhằm đưa tổng công suất nhiệt điện LNG cả nước đạt 22.400 MW. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2,15 tỷ USD, công suất đạt 1.500MW, dự kiến đưa vào vận hành thương mại giai đoạn trước năm 2030.

DA điện khí Quỳnh Lập
Vị trí thực hiện dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập.

Dự án Nhà máy điện khí LNG sẽ được triển khai tại 2 thôn Đồng Minh và Đồng Thanh, xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An trên diện tích khoảng 210 - 360 ha. Quy mô đầu tư xây dựng dự án bao gồm các hạng mục: Nhà máy điện khí LNG, kho chứa khí, cảng tiếp nhận, đê chắn sóng và các công trình phụ trợ. Nhu cầu LNG của dự án vào khoảng 1,15 triệu tấn/năm và cảng tiếp nhận tàu có trọng tải khoảng 100.000 DWT.

Ngày 18/10/2024, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 74/NQ-HĐND về việc thông qua danh mục khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này. Dự kiến thủ tục chấp thuận nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong Quý I – Quý II/2025. Sau đó sẽ tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư.

Trên cơ sở đó, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan thực hiện các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Quỳnh Lập đảm bảo kịp thời, đúng quy trình, quy định.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An thông tin, hiện có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia nộp hồ sơ, điển hình như: Liên danh Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP; Công ty TNHH Mía đường Nghệ An và SK E&S CO.,LTD., liên danh này có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 332,28 ha (gồm: diện tích đất 59,75 ha, diện tích mặt nước 272,53 ha). Tổng công ty Phát điện 1 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 260 ha (gồm: diện tích đất 60 ha; diện tích mặt nước 200 ha).

Cùng với đó là Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản, có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 182,63 ha (gồm: diện tích đất 65,6 ha; diện tích mặt nước 117,13 ha); Liên danh CTCP Đầu tư năng lượng Bamboo Việt Thành và Gulf Petroleum Limited (Qatar), có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 175,9 ha (gồm: diện tích đất 57,9 ha; diện tích mặt nước 118 ha).

Cảng Đông Hồi
Với dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập, khu vực Đông Hồi được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp đa ngành của Nghệ An

Ngoài ra, còn có sự góp mặt của Liên danh Công ty POSO International của Hàn Quốc và CTCP đầu tư xây dựng Trung Nam, có nhu cầu sử dụng mặt đất, mặt nước là 345,3 ha (gồm: diện tích đất 95,55 ha; diện tích mặt nước 249,75 ha).

Mới đây, trong khuôn khổ buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Công Thương diễn ra mới đây, ông Kim Dae Yeon – Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển kinh doanh điện thuộc Tập đoàn Posco đã bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập, Nghệ An.

Theo ông Kim Dae Yeon, Posco là tập đoàn sản xuất thép lớn của Hàn Quốc. Hiện nay, tập đoàn đã mở rộng phạm vi kinh doanh trên toàn cầu, đặc biệt là châu Á. Trong đó, Posco International với tư cách là một công ty kinh doanh tích hợp thuộc Tập đoàn Posco, tập trung trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, thép, nông nghiệp và các hoạt động kinh doanh mới.

“Đối với thị trường Việt Nam, Công ty Posco International đã có kinh nghiệm trong việc vận hành nhà máy điện Mông Dương 2 và đang mong muốn tham gia đầu tư đối với dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập tại Nghệ An. Posco sẽ luôn là đối tác tốt và đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng” – ông Kim Dae Yeon nói.

Hồng Quang