Áp thuế suất với phân bón: 5% hay 2%?
“Nếu áp mức thuế 2% thì Nhà nước phải bỏ tiền ra nhiều hơn trong khi người dân hưởng lợi ít, phân bón trong nước thiệt thòi, khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu…”.
Đây là quan điểm của ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) xung quanh phương án về áp mức thuế suất đối với phân bón đang được dư luận hết sức quan tâm.
Theo đó, liên quan đến câu chuyện ngành phân bón đề xuất "được" nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) mức 5% thay vì được miễn thuế 10 năm nay, diễn biến mới nhất cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa chốt hai phương án 2% hoặc 5% để đại biểu Quốc hội biểu quyết chọn một phương án vào chiều 26/11 tới đây.
Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành Kết luận số 1065/KL-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Trước đó, ngày 14/11/2024, tại Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Cho ý kiến cụ thể về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, cơ quan chủ trì thẩm tra xin ý kiến các đại biểu Quốc hội như sau:
Thứ nhất: Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng (khoản 25 Điều 5): Thống nhất với mức ngưỡng 200 triệu đồng/năm và bỏ quy định điều chỉnh theo CPI.
Thứ hai: Về chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%: Ủy ban đề nghị xin ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo 02 phương án (Phương án 1 là 5%; phương án 2 là 2%).
Thứ ba: Đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau: Đề nghị lấy phiếu xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản để thống nhất thu hẹp các phương án còn ý kiến khác nhau (tối đa không quá 2 nội dung), đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau cụ thể sau:
Về quy định không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (khoản 1 Điều 5); Về sản phẩm cung cấp trên nền tảng số (điểm d khoản 1 Điều 9); Về thuế suất 0% đối với nhóm hàng hóa cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài khác (điểm c khoản 1 Điều 9); Về việc không hoàn thuế đối với các trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu (khoản 1 Điều 15).
Đối với các vấn đề mà đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác với nội dung Chính phủ trình, Uỷ ban đề nghị chuẩn bị 02 phương án để lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
"Đối với các vấn đề còn 02 phương án, đề nghị cần nêu rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án, đảm bảo thuyết phục, khách quan để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định.
Đồng thời chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định trong dự thảo Luật cũng như một số điều mà đại biểu còn quan tâm nhiều như khoản 3 Điều 15, khoản 1 Điều 14… cũng như sự đồng bộ với các luật khác có liên quan trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua", Kết luận nêu rõ.
Về quy định cho hoàn thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở “chỉ” sản xuất, cung ứng dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng 5% và quy định về sản phẩm quốc phòng, an ninh, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem lại, giải thích rõ ràng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện Báo cáo tiếp thu giải trình và dự thảo Luật. Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thống nhất với ý kiến của cơ quan thẩm tra một số nội dung, đề nghị Chính phủ có văn bản làm căn cứ hoàn thiện dự thảo Luật.
Như vậy, đề xuất "được" nộp thuế VAT của ngành phân bón (do Chính phủ trình đề xuất) và các ý kiến ủng hộ quan điểm này của đại biểu Quốc hội đã được cơ quan thường trực của Quốc hội ghi nhận. Nghĩa là, ngành phân bón sẽ được đưa ra khỏi diện không phải nộp thuế VAT sau 10 năm áp dụng.
Phương án thuế suất 2% hay 5% cho nhóm này sẽ được chốt vào chiều mai (26/11), khi hơn 400 đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về hai phương án này, ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng là phương án thứ nhất, áp mức thuế 5% là phù hợp hơn cả bởi sẽ hài hoà lợi ích cho cả ba nhà: Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 5% sẽ tăng thu ngân sách đối với thuế nhập khẩu trong khi vẫn giữ mặt bằng giá bán trong nước. Bên cạnh đó, người nông dân có cơ hội yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nguyên tắc đúng theo Luật, được khấu trừ đầu vào, cần hạ mặt bằng giá bán.
Trao đổi về phương án áp thuế 2%, ông Phụng cho rằng, cần phải xem xét trên hai phương diện. Thứ nhất là xét ở phương diện tổng thể về mặt lâu dài, trong việc tổ chức bộ máy Nhà nước cũng như cân đối lại ngân sách Quốc gia, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu Ngân sách, bảo đảm mô hình tăng trưởng bền vững theo nghị quyết Quốc hội đã đề ra.
“Về lâu dài phải đảm bảo nguồn thu lâu dài, dễ thực hiện, ít thuế suất. Chúng ta đang phấn đấu về mức thuế suất 5% và đang cố để kéo về khoảng 10%. Vậy, tại sao giờ chúng ta lại đưa ra mức 2%. Điều này là hoàn toàn không phù hợp”, ông Phụng nói.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Văn Phụng, vấn đề thứ hai phải xem xét cục bộ ở nhà doanh nghiệp hay nhà nông. Việc hạ mức thuế suất 5% xuống 2% thì Nhà nước phải bỏ tiền ra nhiều hơn, người nông dân hưởng lợi một chút nhưng phân bón nhập khẩu lại hưởng lợi nhiều hơn nữa. “Tôi cho rằng phương án 5% vẫn là hợp lý hơn cả”, ông Phụng nhấn mạnh.