Bạc Liêu hướng tới trung tâm năng lượng sạch
Tỉnh Bạc Liêu đã và đang ban hành nhiều giải pháp để phát triển công nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất.
Đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước là định hướng phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh được Chính phủ xác định trong Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều giải pháp để phát triển công nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất.
Tập trung phát triển năng lượng sạch
Bạc Liêu là tỉnh ven biển thuộc vùng ĐBSCL, diện tích tự nhiên 2.669 km2 , bờ biển dài 56 km. Vùng ven biển có gió mạnh và khá ổn định (bình quân tốc độ gió là 7m/s) càng ra khơi xa tốc độ gió càng cao, có nắng hầu như quanh năm, với số giờ nắng đạt khoảng 2.200 - 2.700 giờ/năm (giá trị bức xạ đạt trên 4,8 kWh/m2 /ngày); địa hình bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, động đất, sóng thần; thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí.
Sở hữu nguồn tiềm năng thuận lợi lớn cho phát triển năng lượng sạch, Bạc Liêu đã xác định phát triển năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí là trụ cột thứ hai trong năm trụ cột phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Hiện Bạc Liêu có 08 nhà máy điện gió đi vào hoạt động với tổng công suất hơn 469,2 MW và điện mặt trời mái nhà tiếp tục có bước phát triển mạnh và đang triển khai 02 dự án điện gió điện gió với tổng công suất 191 MW, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành trong năm 2025. Đặc biệt, Tỉnh đã thu hút được Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.
Theo Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 thì tổng công suất tiềm năng phát triển các nguồn điện tỉnh Bạc Liêu là 25.583 MW (trong đó: Điện gió là 19.550MW, điện mặt trời là 6.000 MW, điện sinh khối là 33 MW). Đây là con số khá lớn, khẳng định ưu thế về phát triển năng lượng sạch của tỉnh Bạc Liêu so với nhiều địa phương khác trong cả nước.
Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế biển đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm, một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. Theo đó, với ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đầu tư, xây dựng nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 mW gắn với xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ; phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi; thu hút đầu tư, phát triển nguồn năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh)...
Đưa công nghiệp phát triển bền vững
Theo Sở Công Thương Bạc Liêu, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong phát triển công nghiệp, sản xuất công nghiệp của tỉnh liên tục tăng trưởng khá và góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu giữ vai trò chủ lực, tỉnh có 48 nhà máy chế 2 biến thủy sản xuất khẩu, với công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm.
Lĩnh vực may mặc cũng đang từng bước phát triển, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động tại chỗ, góp phần tăng thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Riêng lĩnh vực công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tiếp tục được quan tâm thu hút đầu tư, từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.
Hiện nay, Bạc Liêu đang tập trung phát triển công nghiệp và phấn đấu đến năm 2030, Bạc Liêu cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một số sản phẩm công nghiệp chế biến có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Và trong tầm nhìn đến năm 2045, Bạc Liêu phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL.
Theo ông Trần Thanh Mến - Giám đốc Sở Công Thương, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 12/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 137-KH/TU ngày 7/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát triển năng lượng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 13/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia, cùng với hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp, Sở Công thương sẽ phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch của tỉnh.
Cùng với việc tập trung thực hiện các chương trình, kế hoạch khuyến công, tạo mọi điều kiện để phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, ngành Công thương chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Song song với đó, tỉnh Bạc Liêu thực hiện tốt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường. Đặc biệt, tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh việc thu hút đầu tư các dự án phục vụ phát triển công nghiệp, thực hiện tốt các chính sách về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư…, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai dự án, phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Trong 9 tháng năm 2024, lĩnh vực năng lực sạch, năng lượng tái tạo tiếp tục phát triển, duy trì hoạt động ổn định 8 nhà máy điện gió, với tổng công suất 469,2 MW; sản lượng điện gió đạt 997,13 triệu kWh, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.