Kinh tế vĩ mô

TP Hồ Chí Minh: Thực hiện đợt cao điểm giải ngân vốn đầu tư công 2024

Bài và Ảnh: Hương Giang 26/11/2024 14:30

Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TPHCM trong kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/1/2025.

Đó là nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, đối với thủ trưởng các đơn vị, chủ đầu tư trong việc nghiêm túc thực hiện đợt cao điểm về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đến toàn bộ cấp ủy và chính quyền các cấp. Đồng thời kiên trì, bám sát mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố.

Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa là một trong 10 dự án trọng điểm giảm ùn tắc khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, chủ đầu tư trong việc nghiêm túc thực hiện đợt cao điểm về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đến toàn bộ cấp ủy và chính quyền các cấp. Đồng thời kiên trì, bám sát mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư

Theo đó, UBND TPHCM vừa có băn bản gửi các sở ngành, quận huyện, các ban quản lý dự án đôn đốc thực hiện đợt cao điểm giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và chuẩn bị kế hoạch đầu tư công năm 2025. Các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TPHCM trong việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/1/2025.

Trong đó, đối với các dự án trọng điểm, dự án lớn, như: đường Dương Quảng Hàm, quốc lộ 50, tỉnh lộ 8, nút giao Mỹ Thủy, bến xe buýt Củ Chi, đường Hoàng Hoa Thám… các chủ đầu tư phải báo cáo chi tiết từng bước thủ tục, tiến độ mở thầu, thi công và giải ngân dự án theo các mốc thời gian cụ thể. Xác định rõ thẩm quyền, vai trò, trách nhiệm của sở ngành và đặc biệt là vai trò của chủ đầu tư trong từng nhiệm vụ được đề ra.

Với các đơn vị có kết quả giải ngân từng tháng thấp hơn số liệu đã đề ra và thấp hơn tỉ lệ giải ngân chung của Thành phố, thì thủ trưởng các đơn vị phải tổ chức chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan, có giải pháp khắc phục.

Đối với các cơ quan, đơn vị dự kiến giải ngân dưới mức giải ngân chung của Thành phố, gồm: huyện Nhà Bè, quận 1, 5, 11, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao… cần rà soát, xây dựng lại kế hoạch giải ngân, thực hiện ngay các giải pháp để tăng giải ngân hằng tuần từ nay đến ngày 30/1/2025.

Đối với các đơn vị dự kiến giải ngân dưới 95% thì thủ trưởng triển khai ngay các giải pháp để đẩy nhanh thực hiện, giải ngân số vốn này trong năm 2025, và đảm bảo giải ngân toàn bộ số vốn trung hạn đã được giao cho dự án.

Ngoài ra , đối với nhóm dự án liên quan thủ tục của trung ương, Chủ tịch UBND TPHCM giao Ban Quản lý đường sắt đô thị, tập trung, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện như dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 đảm bảo 87% vốn đã giao.

Đáng chú ý, trong văn bản chỉ đạo, UBND TPHCM cũng đề ra mục tiêu giải ngân cụ thể cho từng nhóm dự án. Trong đó, nhóm dự án liên quan điều chỉnh quy hoạch, phải đảm bảo giải ngân thêm không thấp hơn 333 tỉ đồng.

“Hiện nay, Sở Tài chính, Ban Dân dụng và Công nghiệp, quận 3, 5, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Củ Chi, Bình Chánh, TP Thủ Đức đã trễ tiến độ thì phải báo cáo, giải trình và đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp. Đối với nhóm các dự án liên quan bồi thường giải phóng mặt bằng phải đảm bảo giải ngân thêm không thấp hơn 29.858 tỉ đồng”, văn bản nêu.

Tính đến ngày 18/10/2024, tổng số vốn đã giải ngân của TPHCM chỉ đạt 17.041 tỉ đồng, tương đương 21,5% trên tổng vốn đầu tư công được Thủ tướng giao
Tính đến ngày 18/10/2024, tổng số vốn đã giải ngân của TPHCM chỉ đạt 17.041 tỉ đồng, tương đương 21,5% trên tổng vốn đầu tư công được Thủ tướng giao.

Chịu trách nhiệm hoàn toàn về kế hoạch giải ngân đã đề ra

Đặc biệt, liên quan tới chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND TPHCM giao UBND các quận 4, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh và TP Thủ Đức bám sát kế hoạch thực hiện đã đề ra, đảm bảo giải ngân toàn bộ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng đã báo cáo trong tháng 11 và tháng 12 để bàn giao mặt bằng thi công đầu năm 2025.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TPHCM giao UBND TP Thủ Đức xem xét, xử lý dứt điểm về bồi thường hỗ trợ tại Khu công nghệ cao. Đối với nhóm các dự án khởi công mới phải đảm bảo tiếp tục giải ngân thêm không thấp hơn 1.911 tỉ đồng; các dự án không còn vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng thì các chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm hoàn toàn về đảm bảo thực hiện theo đúng kế hoạch giải ngân đã đề ra, tiếp tục phấn đấu hoàn thành giải ngân thêm không thấp hơn 10.857 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TPHCM cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, TCIP đề xuất phương án huy động cát, nhằm đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân vành đai 3.

Liên quan tới kế hoạch đầu tư công năm 2025, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải đề xuất bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án trong kỳ trung hạn 2021-2025. Chịu trách nhiệm nếu không đăng ký đủ vốn để hoàn thành dự án làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời, chịu trách nhiệm trong việc không sử dụng hết số vốn đã bố trí cho dự án.

Cụ thể, đối với nhóm các dự án đã đủ điều kiện để giao vốn năm 2025, các đơn vị khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan để đảm bảo thi công và giải ngân vốn ngay từ đầu năm 2025. Và đối với nhóm các dự án chưa đủ điều kiện để giao vốn năm 2025, các đơn vị khẩn trương hoàn thành các thủ tục liên quan, đảm bảo đủ điều kiện bố trí vốn trong năm 2025 trong tháng 11/2024.

Đối với dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2025, và nội dung này giao cho TCIP chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư để đảm bảo thực hiện việc phê duyệt quyết định đầu tư trong tháng 1/2025.

Cũng cần phải ghi nhận thêm rằng, theo kế hoạch, năm 2024, TPHCM được Chính phủ giao hơn 79.200 tỷ đồng vốn đầu tư công, trong đó ngân sách địa phương hơn 75.570 tỷ đồng, ngân sách trung ương hơn 3.680 tỷ đồng.

Theo số liệu rà soát sơ bộ của Kho bạc Nhà nước TPHCM, đến hết ngày 11/10, tổng số vốn thành phố đã giải ngân là hơn 16.787 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 21,2%. Trong đó, vốn ngân sách trung ương giải ngân là hơn 1.154 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 31,3% trên tổng kế hoạch vốn giao; vốn ngân sách địa phương giải ngân là hơn 15.632 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 20,7% trên tổng kế hoạch vốn giao.

Như vậy, để đạt mục tiêu tỷ lệ giải ngân đạt 95% cho cả năm 2024, TPHCM sẽ phải giải ngân theo cấp số nhân trong những tháng cuối năm để hoàn thành chỉ tiêu mà Chính phủ giao.

Bài và Ảnh: Hương Giang