Eximbank trước thềm ĐHĐCĐ bất thường: "Nóng" thông tin liên quan các nhóm cổ đông
Qua tài liệu bổ sung kiến nghị của một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% vốn của ngân hàng đề nghị miễn nhiệm hai Phó Chủ tịch HĐQT, các nhóm cổ đông Eximbank "nói" gì?
Ngày 28/11 tới đây, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) sẽ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường (ĐHĐCĐ) nhằm biểu quyết vấn đề chuyển trụ sở chính từ TP HCM ra Hà Nội, đồng thời xem xét đề xuất miễn nhiệm Trưởng Ban Kiểm soát ông Ngô Tony.
Trước thềm đại hội, Eximbank cùng công bố tài liệu bổ sung kiến nghị của một nhóm cổ đông sở hữu trên 5% vốn của ngân hàng đề nghị miễn nhiệm hai Phó Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Hồ Nam (đại diện nhóm Bamboo Capital) và bà Lương Thị Cẩm Tú, người từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại ngân hàng này.
Lý do được nhóm cổ đông này đưa ra là hai thành viên này đã không tham dự đầy đủ các cuộc họp HĐQT và các lần lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản. Văn bản không nêu rõ thành phần và đại diện của nhóm cổ đông gửi đề xuất này; tuy nhiên nêu cụ thể các lần vắng mặt của 2 thành viên HĐQĐ.
Cụ thể, nhóm cổ đông này có kiến nghị miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam “do xét thấy cần thiết theo quy định tại Điểm e Khoản 4 Điều 47 Điều lệ; Điểm e Khoản 1 Điều 31 Quy chế quản trị; Điểm e khoản 1 Điều 9 Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT; Điểm đ khoản 1 Điều 46 Luật Các TCTD 2024”.
Với trường hợp của bà Lương Thị Cẩm Tú, nhóm cổ đông này cho rằng từ ngày 01/01 - 31/12/2023, bà Tú đã vắng 4 trong tổng số 21 cuộc họp của HĐQT, tỷ lệ có mặt tham dự 81%. Đồng thời, bà Tú cũng không tham gia lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản 23 lần trong tổng số 243 lần; tổng số lần tham dự lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản đạt 220/243 lần, chiếm tỷ lệ 91%.
Theo ghi nhận tại báo cáo quản trị bán niên 2024 (01/01 - 30/06/2024) cho thấy bà Tú không tham gia lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản 1 lần. Tổng số lần tham gia trong nửa đầu năm nay là 108/109 lần, chiếm tỷ lệ đến 99,08%.
Với trường hợp của ông Nguyễn Hồ Nam, các cổ đông này cho biết theo báo cáo bán niên 2024, trong vòng 2 tháng tham gia HĐQT (bắt đầu giữ chức thành viên HĐQT Eximbank kể từ ngày 26/04/2024), ông đã không tham gia lấy ý kiến HĐQT bằng văn bản 2 lần. Tổng số lần tham dự là 36/38, chiếm tỷ lệ 94,74%.
Về nội dung tờ trình dự kiến đối với xem xét miễn nhiệm chức danh thành viên ban kiểm soát đối với ông Ngô Tony, lý do mà nhóm cổ đông đưa ra là: “Ông Ngô Tony đã có hành vi lạm dụng/lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Điều lệ Ngân hàng Eximbank và Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát Eximbank, gây ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của cổ đông”.
Một nhóm cổ đông đại diện 5,66% tổng số cổ phần đặt vấn đề: Yêu cầu này xuất phát từ đâu?
Theo đó, nhóm sở hữu 5,66% tổng số cổ phần Eximbank cho rằng "Đề xuất muốn gạt bỏ ông Ngô Tony khỏi vị trí trưởng ban kiểm soát, là hành vi có liên quan đến việc ông Ngô Tony gửi báo cáo, phản ánh các sai phạm của một số thành viên HĐQT đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, Công văn số 5526/TTGSNH2 ngày 11/11/2024 của Ngân hàng Nhà nước đã chứng minh nội dung ông Ngo Tony phản ánh là chính xác”.
Trước đó, phải nói thêm là thị trường xôn xao về một văn bản tố cáo về các sai phạm trong hoạt động liên quan đến cấp tín dụng tại Eximbank. Thông tin này đã khiến cổ phiếu EIB của Eximbank chao đảo. Tuy nhiên, một thông tin từ phía Eximbank đưa ra là "không nhận được văn bản thanh tra giám sát hoạt động tín dụng nào". Ngay sau đó, thị trường đã đặt vấn đề về Công văn số 5526/TTGSNH2 như nêu trên.
Nhóm cổ đông đại diện tỷ lệ 5,66% cho rằng "Thời điểm mà nhóm cổ đông kiến nghị miễn nhiệm ông Ngô Tony diễn ra sau khi ông này có văn bản gửi các cơ quan chức năng báo cáo về những rủi ro trong quy trình thẩm định và cấp tín dụng cũng như những chính sách quản trị không phù hợp tại Eximbank. Việc trùng hợp trong tính thời điểm đang đặt ra nhiều nghi vấn về sự liên quan giữa những nội dung mà ông Ngô Tony báo cáo với quyết định miễn nhiệm được đề xuất từ nhóm cổ đông Eximbank", nhóm lập luận.
Ngoài ra nhóm cổ đông này cũng nhấn mạnh đối với nội dung và lý do đề xuất miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT, thực tế như được nêu trong năm 2024, tỷ lệ tham gia lấy ý kiến HĐQT của bà Tú là 99,08% và của ông Nam là 94,74%, các con số gần như tuyệt đối.
Theo quy định pháp luật, Thông báo họp HĐQT phải được gửi cho các thành viên ít nhất 5 ngày làm việc trước ngày họp, thành viên HĐQT không nhất thiết phải dự đầy đủ tất cả các cuộc họp mà có thể từ chối thông báo mời họp bằng văn bản.
"Việc một nhóm cổ đông tập trung vào lý do này để miễn nhiệm bà Tú và ông Nam đang cho thấy dấu hiệu của việc “chủ ý sắp đặt”, tập trung công kích và loại bỏ vai trò của bà Tú, ông Nam", nhóm này cho hay. Đồng thời khẳng định trên phương diện pháp lý, việc ban hành các nghị quyết nêu trên là trái quy định của pháp luật, vi phạm quy định tại điều 45, điều 46 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024; vi phạm điều 174 Luật doanh nghiệp năm 2020; vi phạm điều 63, điều 67 và điều 68 điều lệ Eximbank.
Bên cạnh các "phản hồi" liên quan đến những nội dung dự kiến sẽ được xem xét lại kỳ ĐHĐCĐ bất thường dự kiến của Eximbank vào 2 ngày tới, thông tin được các bên đặc biệt quan tâm bao gồm CB-NV của ngân hàng, vẫn là việc một số thành viên HĐQT bỏ phiếu thông qua tờ trình về việc chuyển đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Eximbank từ TPHCM về toà nhà Gelex Tower (Hà Nội) vào ngày 5/11/2024. Đây là nội dung mà theo nhóm cổ đông đại diện 5,66% cổ phần tại Eximbank, đã dấy lên sự lo ngại của các cổ đông về tính độc lập, trung thực và khách quan khi thực hiện nhiệm vụ của nhóm thành viên HĐQT điều hành.
Trước đó, HĐQT Eximbank cho biết sẽ trình ĐHĐCĐ xem xét thông qua việc chuyển đổi địa điểm đặt trụ sở chính từ Tầng 8, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM sang địa chỉ mới là số 27 - 29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Địa chỉ trụ sở mới của Eximbank tại Hà Nội thuộc dự án phức hợp bao gồm văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ cho thuê và khách sạn sang trọng thuộc chuỗi Fairmont Hanoi Hotel, đang được Gelex đầu tư trên diện tích gần 1 ha với 241 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Cùng với kế hoạch chuyển đổi trụ sở, tại ĐHĐCĐ bất thường, dự kiến HĐQT sẽ có tờ trình hủy chủ trương mà cổ đông ngân hàng đã thông qua ở các kì ĐH trước về việc xây trụ sở chính mới tại khu đất số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Quận 1, TP HCM.
Giữa "tâm điểm" nóng của các nội dung liên tiếp xuất hiện trước thềm ĐHĐCĐ, trong hôm nay, Eximbank cũng công bố được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sửa đổi về vốn điều lệ, theo đó vốn điều lệ tăng lên hơn 18.688 tỷ đồng. Cổ phiếu EIB có 2 phiên xanh liên tiếp lên 18.300đ/cp, duy trì thanh khoản trung bình với khối lượng khớp lệnh giao dịch ngang mức bình quân 10 phiên, quanh mức 3 triệu đơn vị.