Quảng Nam muốn tận dụng thiên tai làm sản phẩm du lịch
Vào mùa thấp điểm của du lịch – giai đoạn xảy ra các hiện tượng bất thường của thời tiết, Quảng Nam tính đến việc tận dụng thiên tai để tạo sản phẩm mới.
Trong sự kiện kích cầu du lịch 2024, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng chương trình kích cầu du lịch “Mùa vàng xứ Quảng”. Theo đó, gói kích cầu được công bố vào tháng 4/2024 với kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng sụt giảm lượng khách mùa thấp điểm (khoảng từ tháng 9 đến tháng 11) và tạo thêm trải nghiệm mới mang bản sắc địa phương cho du khách đến Quảng Nam với sản phẩm cụ thể như “Phố cổ rêu phong”, “Hội An mùa nước nổi”, “Lễ hội mừng lúa mới”, “mùa vàng phủ xanh”,...
Đặc biệt, chương trình kích cầu được tính toán chia thành 2 giai đoạn theo đặc trưng thời tiết. Trong đó, với thời gian có thời tiết nắng sẽ tập trung thu hút khách liên quan đến chủ đề “mùa vàng”, còn lại khi vào mùa mưa cao điểm thì hướng sản phẩm cho nhóm khách thích trải nghiệm cảm giác lạ của thời tiết bất thường.
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm của chương trình đã phải bỏ ngỏ vì lý do thuận lợi của thời tiết. Các doanh nghiệp cho rằng thời tiết thuận lợi tạo điều kiện để du khách thoải mái trải nghiệm dịch vụ, tuy nhiên cũng thể hiện sự nuối tiếc khi các sản phẩm độc đáo đã “lên nòng” không thể triển khai.
Đặc biệt như phố cổ Hội An, hằng năm “đặc sản” lũ lụt thường ghé thăm đã tạo thêm cho điểm đến nét đặc trưng riêng biệt. Và với nét đặc trưng này, khách du lịch từ quốc tế đến nội địa đều thể hiện sự thích thú khi dạo bước trên những con đường được nước lũ ghé thăm, hay ngồi trên thuyền dạo quanh phố cổ vừa quen vừa lạ.
Tại Hội An hiện nay duy trì khoảng 300 ghe bơi phục vụ khách tham quan trên sông Hoài nên đây cũng là điều kiện thuận lợi để cung cấp dịch vụ trải nghiệm Hội An mùa nước lũ. Và việc đưa khách tham quan phố cổ khi nước lụt lên đã diễn ra hàng chục năm qua tại Hội An tuy nhiên để tạo thành một tour tuyến đặc sắc, tăng chiều sâu cho sản phẩm vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Lê Quốc Việt – Chủ nhiệm CLB điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa (Hiệp hội Du lịch Quảng Nam) nhìn nhận chương trình kích cầu còn gặp một số khó khăn khi chưa nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Việt, việc hình thành sản phẩm du lịch mùa lũ lụt như ở Hội An rất độc đáo, tuy nhiên phải phụ thuộc vào yếu tố thời tiết.
“Và không chỉ gói gọn ở phố cổ Hội An, việc hình thành các sản phẩm dự trên yếu tố thiên tai còn có thể mở rộng ra các khu vực như cánh đồng An Mỹ, làng Triêm Tây (Điện Bàn),... ở đây hội đủ các yếu tố để phát triển loại hình du lịch này. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm cảm xúc của người dân địa phương khi thiên tai đến, cũng như hiểu rõ bản chất của thiên tai cũng có yếu tố tích cực cho sản xuất nông nghiệp như đuổi sâu bọ, bồi đắp phù sa”, ông Việt nói.
Nói về du lịch địa phương, vị này cho hay dù là du lịch Quảng Nam có thuận lợi tuy nhiên các địa phương phía Bắc lại chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên tai, đặc biệt là từ cơn bão Yagi. Từ đó cũng đã có nhiều tác động đến chương trình kích cầu, vì vậy trong năm tới, ngành du lịch và địa phương cũng cần ngồi lại với nhau, có thêm phương án hỗ trợ để xây dựng định hướng mới.
Theo các doanh nghiệp lữ hành, các sản phẩm xây dựng mới dựa vào yếu tố thiên tai là độc đáo, tuy nhiên cũng phải diễn ra thường xuyên hoặc chí ít là phải đảm bảo diễn ra đúng thời gian đã thiết lập trong tour cung cấp cho khách. Còn lại, nếu chỉ quảng bá nhưng không thể triển khai vì lý do thời thiết thì rất khó cho doanh nghiệp tham gia, bởi lẽ sẽ tạo ấn tượng không tốt về điểm đến cho trải nghiệm của khách.
Một nghiên cứu mới của TS. Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch LHKH Phát triển Du lịch bền vững (STDe) chỉ ra rằng vào mùa mưa - bão - lụt, các hoạt động du lịch tại Hội An hầu như bị ngừng trệ, vì vậy số lượng khách đến Hội An cũng bị suy giảm nghiêm trọng, gây thất thu nhiều cho du lịch. Tuy nhiên, tại Hội An, mùa cao điểm của khách du lịch nước ngoài ( từ tháng 9- tháng 12) cũng là mùa mưa, bão, lụt.
“Nếu tận dụng được lợi thế này, đồng thời có sản phẩm du lịch thích ứng với diễn biến thời tiết thì doanh thu du lịch sẽ rất cao. Dưới góc nhìn tích cực, mưa,bão, lụt chính là cơ hội tốt nhất cho việc tổ chức các hoạt động du lịch trong nhà, vì lúc đó một lượng du khách rất đông sẽ bị giữ chân trong các ngôi nhà cổ tại Hội An. Có nhiều loại hình nghệ thuật có thể trở thành những sản phẩm du lịch cuốn hút trong khung cảnh trời mưa như nhạc nước, múa rối nước, nghe thơ, vẽ tranh, chụp ảnh,… Trong khung cảnh mưa - lụt, các bức ảnh, bức tranh phong cảnh về phố cổ Hội An tạo ra những ấn tượng rất đặc biệt, kích thích đam mê sáng tác của các họa sĩ và các nhiếp ảnh gia”, TS. Hạnh nhìn nhận.
Cũng theo TS. Nguyễn Thu Hạnh, bên cạnh các sản phẩm du lịch tổ chức trong nhà, các sản phẩm du lịch ngoài trời cũng sẽ thu hút được đông đảo đối tượng khách thanh, thiếu niên thích khám phá, mạo hiểm. Mưa to, gió lớn, thậm chí cả bão luôn tạo ra cảm xúc mạnh và kích thích trí tưởng tượng của con người.
Lấy ví dụ, vị này cho hay ở phương Tây, người ta đã mạnh dạn đầu tư các ngôi nhà bằng kính chịu lực để thỏa nguyện tính hiếu kỳ cho những khách du lịch thích ngắm và chụp ảnh bão. Tour du lịch săn bão ở Mỹ luôn thu được doanh số cao từ thị trường khách du lịch ưa thích mạo hiểm.
“Chỉ có những khách du lịch đam mê mới phát hiện ra rằng lụt là cơ hội lớn để họ tiếp cận, quan sát và tìm hiểu các giá trị kiến trúc, nghệ thuật của tầng 2, tầng 3 và tầng mái của các ngôi nhà cổ. Khi cốt nước dâng cao, ở một tầm quan sát cao hơn ngày thường từ 1 đến 2 m, Hội An hiện ra với một diện mạo cảnh quan hoàn toàn mới lạ. Được ngắm cảnh quan tổng thể của các mái nhà cổ Hội An khi nước lụt dâng cao, đi thuyền thăm quan các ngõ ngách quanh co của Hội An, dừng chân ở các quán cà phê trên tầng 2 của các ngôi nhà cổ để thưởng thức các loại hình nghệ thuật từ mưa,… sẽ là một tuyến du lịch rất đặc thù trong ngày mưa, lụt”, TS. Hạnh ghi nhận.
Tại họp báo về du lịch nông thôn mới đây, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay từ đặc trưng về địa hình, lũ lụt tại phố cổ Hội An có khác biệt với nhiều nơi khác khi nước không chảy xiết, chủ yếu do nước thoát không kịp ra cửa biển. Từ yếu tố này, Hội An vẫn có thể thuận lợi cho việc khai thác các hoạt động du lịch dù trong mùa lụt.
“Một phần nào đó lũ lụt cũng tạo nên thương hiệu cho Hội An, tất nhiên là phải đi kèm các điều kiện bảo đảm an toàn cho du khách”, ông Hồ Quang Bửu nói.