Doanh nghiệp vươn mình cùng đất nước trong kỷ nguyên xanh
Chương trình CSI đã bước sang năm thứ 9 liên tiếp được VCCI triển khai nhằm biểu dương doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững.
Khi kinh doanh “vị lợi nhuận” đang dần bị thay thế bởi kinh doanh “vị tự nhiên” và rộng hơn là kinh doanh có trách nhiệm, thì câu hỏi mà mỗi doanh nghiệp giờ đây cần trăn trở chính là “Chúng ta sẽ để lại di sản gì cho thế hệ mai sau?”.
Ngày 10/11, ngay trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan vừa qua, Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đã công bố báo cáo cho thấy chỉ xét riêng trong 10 năm gần đây (2014 – 2023), tổng thiệt hại từ các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu vào khoảng 2.000 tỷ USD, tương đương thiệt hại từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Hay trong năm 2021, thế giới có tới khoảng 2,3 tỷ người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng. Và cũng chỉ tính riêng trong năm 2023, thế giới đã mất đi 3,7 triệu ha rừng nguyên sinh nhiệt đới, tương đương 10 sân bóng đá mỗi phút!
Chuyển mình hôm nay…
Hướng tới một tương lai bền vững đồng nghĩa với cần tạo dựng những di sản xanh. Tôi rất ấn tượng với con số 6.046 doanh nghiệp, đại diện cho hơn 1/3 tổng số vốn hóa thị trường toàn cầu đã xây dựng các mục tiêu dựa trên khoa học (science-based targets) để giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính (KNK) của họ, trong đó có tới 75% lượng phát thải này thuộc Phạm vi 3.
Hàng loạt các sáng kiến và nền tảng toàn cầu đã được giới thiệu và được cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu hưởng ứng như Global Circularity Protocol – một khung công cụ thúc đẩy hành động, đưa ra các hướng dẫn cho doanh nghiệp trong việc đặt mục tiêu, đo lường, báo cáo và công bố thông tin về nỗ lực thực hiện kinh tế tuần hoàn và hiệu quả sử dụng tài nguyên; hay Trung tâm Thúc đẩy Nhu cầu Khử các-bon của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV thế giới (WBCSD) với sự tham gia của các doanh nghiệp thành viên WBCSD, hướng tới thúc đẩy chuyển đổi lĩnh vực công nghiệp theo hướng Net Zero.
Những dẫn chứng đó cho thấy cộng đồng DN toàn cầu đang tích cực chuyển đổi một cách quyết liệt và gấp rút để bước từ một nền kinh tế “xám” sang một nền kinh tế “xanh” và bền vững.
Nhìn về Việt Nam, những DN đi theo xu hướng phát triển bền vững (PTBV) đã cho thấy sự thích ứng và chống chịu cao trước các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài, cũng như khả năng linh hoạt, nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà nền kinh tế mang lại. Chẳng hạn như các DN thành viên của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD) đã lựa chọn tăng trưởng xanh đóng vai trò quan trọng trong chiến lược PTBV chuỗi cung ứng.
Nhiều doanh nghiệp, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như PNJ, Vinamilk, Traphaco, Bảo Việt, SASCO, Nestlé, HEINEKEN, SABECO, Coca-Cola, Unilever Việt Nam… đang triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, nỗ lực cắt giảm phát thải KNK tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế qua mô hình kinh doanh bao trùm, hay thực hành khung đánh giá Môi trường-Xã hội-Quản trị (ESG) tại doanh nghiệp.
Để vươn mình trong kỷ nguyên mới…
Hành trình tạo dựng di sản xanh của doanh nghiệp sẽ không thể bền vững nếu thiếu đi nền móng vững chắc, đó chính là “sức khỏe” nội tại của doanh nghiệp, được bồi đắp từ năng lực quản trị công ty bền vững.
Với hơn 96% doanh nghiệp trong nước là DN VVN, điều này phần nào tạo ra rào cản cho chính các doanh nghiệp khi theo đuổi chiến lược PTBV, cũng như tiếp cận nguồn tài chính xanh.
Để “gỡ bỏ” rào cản đó, VCCI, với hạt nhân là VBCSD, đã tiên phong khởi xướng xây dựng Bộ chỉ số DN bền vững (CSI) từ năm 2014 và triển khai thường niên Chương trình Đánh giá, Công bố DN bền vững tại Việt Nam từ năm 2016 theo chỉ đạo của Chính phủ. Bước sang năm thứ 9, chúng tôi vui mừng khi Chương trình CSI 2024 tiếp tục có sự đồng hành chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Qua 9 năm triển khai, Chương trình và Bộ chỉ số nhận được sự đánh giá cao của Chính phủ khi được đưa vào nhiều chính sách quan trọng về PTBV DN. Tầm ảnh hưởng của Bộ chỉ số CSI cũng đã vươn tầm quốc tế khi trở thành dự án di sản của Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp, bên cạnh được biểu dương với danh hiệu doanh nghiệp bền vững, khi tham gia Chương trình và áp dụng Bộ chỉ số CSI, DN biết được mình đang ở đâu trên lộ trình PTBV. Đó cũng chính là điểm khác biệt so với các chương trình khác, đồng thời là “kim chỉ nam” để chúng tôi bền bỉ tổ chức Chương trình và lan tỏa Bộ chỉ số CSI trong nhiều năm qua.
Hàng trăm doanh nghiệp đã được biểu dương trong Chương trình sẽ được quy tụ trong “Câu lạc bộ CSI” - nơi kết nối, chia sẻ và tiếp thêm động lực cho những “cánh chim” tiêu biểu đó để bền chí, bền lòng, bền sức tiếp tục con đường PTBV đầy thử thách nhưng cũng đầy vinh quang. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước đi. Cộng đồng DN Việt Nam đồng lòng vươn mình tới kỷ nguyên mới từ những bước chân xanh của ngày hôm nay.
Trách nhiệm cơ bản của doanh nghiệp
Chúng tôi tin rằng, PTBV không chỉ là thuật ngữ đang ngày càng trở nên thông dụng mà còn là trách nhiệm cơ bản mà tất cả chúng ta đều phải hiểu sâu và thực hành một cách hiệu quả và thực chất. Trách nhiệm của chúng ta là thực hành tốt cả 3 yếu tố môi trường (E), xã hội (S) và quản trị (G), kiến tạo và gìn giữ một tương lai xanh cho thế hệ tương lai đồng thời đảm bảo sự thịnh vượng và phát triển cho cộng đồng cũng như chính bản thân mỗi doanh nghiệp.
Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh đưa ra những mục tiêu đầy tham vọng và các giải pháp mang tính đổi mới cho chính Nestlé, chúng tôi còn mong muốn truyền cảm hứng và động lực cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam cùng nhau hướng tới sự PTBV, đóng góp vào việc hiện thực hóa các cam kết chung của Việt Nam trong lĩnh vực này, vì một Việt Nam xanh hơn, thịnh vượng hơn.
Thông qua chương trình CSI, chúng tôi rất mong muốn được tham gia, dẫn dắt các hoạt động hợp tác để các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và cả cộng đồng đều có thể chung tay, chia sẻ các ý tưởng, các thực hành tốt và vượt qua được các thách thức, hướng tới mục tiêu chung. Đồng hành cùng nhau, chúng ta sẽ cùng kiến tạo một tương lai nơi mà bền vững không chỉ là cam kết mà còn là thực hành hàng ngày của mỗi chúng ta.
Chủ động chuyển đổi xanh
Với mục tiêu net zero vào năm 2050, trong những năm gần đây SABECO đã thực hiện những hành động ứng phó với các vấn đề môi trường cấp thiết thông qua chuyển đổi xanh trong sản xuất. Thực tế, các nhà máy của SABECO đã chuyển đổi từ xe nâng chạy bằng dầu diesel sang khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) thân thiện với môi trường, sử dụng lò hơi đốt bằng nguyên liệu sinh khối thay cho lò hơi đốt bằng nhiên liệu hóa thạch...
Xem con người là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững vì thế SABECO cũng đã triển khai nhiều chương trình hướng đến phát triển năng lực của đội ngũ lao động trong công ty cùng với các cộng đồng bên ngoài như vùng nông thôn, tài năng trẻ để đóng góp vào sự sự thịnh vượng của quốc gia. Song song đó, chúng tôi cũng hợp tác cùng các đối tác để mang đến những giá trị tích cực cho cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động cũng như trong hệ thống SABECO và đối tác chiến lược.
Chúng tôi lấy làm vinh dự khi những nỗ lực của chúng tôi được ghi nhận bởi CSI. Đây là cơ hội để chúng tôi tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững nhằm củng cố vị thế hàng đầu của doanh nghiệp tại Việt Nam và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.
Cam kết thực hiện chiến lược ESG
Để hướng đến một tương lai xanh, chúng tôi đã cam kết giảm thiểu phát thải, chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ sử dụng than đá, và thực hiện các dự án bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
Việc tham gia Chương trình CSI 100 và áp dụng Bộ chỉ số CSI vào hoạt động sản xuất kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của C.P. Việt Nam. Bộ chỉ số này cung cấp các tiêu chí rõ ràng và toàn diện về phát triển bền vững, giúp công ty theo dõi, đánh giá và cải tiến quy trình hoạt động theo hướng có trách nhiệm hơn với công đồng và môi trường. Các tiêu chuẩn trong Bộ chỉ số CSI giúp C.P. Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý minh bạch, nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo ra niềm tin với cộng đồng, người tiêu dùng, và các đối tác trong chuỗi cung ứng.
CSI 100 không chỉ mang đến cho công ty C.P. Việt Nam cơ hội thực hiện các mục tiêu bền vững mà còn khẳng định cam kết lâu dài của công ty trong việc mang lại giá trị tích cực cho xã hội. Đây là nền tảng cho C.P. Việt Nam tiếp tục đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế và môi trường Việt Nam, thực hiện hành trình “Từ trang trại đến bến nhà” và tầm nhìn trở thành "nhà bếp của thế giới" theo hướng bền vững và có trách nhiệm.
Bước đi đặc biệt của Gỗ An Cường
Đối với chúng tôi, bền vững không chỉ là những tiêu chí về tăng trưởng hay lợi nhuận, mà là cam kết kiến tạo những giá trị nhân văn, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và phát triển cộng đồng một cách toàn diện.
Bộ chỉ số CSI đã giúp chúng tôi định hình rõ hơn các ưu tiên chiến lược, từ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu tác động môi trường, đến đảm bảo phúc lợi cho người lao động và cải thiện điều kiện làm việc. Hệ thống các chỉ tiêu của CSI không chỉ là công cụ đo lường mà còn là kim chỉ nam để Gỗ An Cường tự đánh giá, điều chỉnh các hoạt động theo hướng phát triển bền vững, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Thông qua việc áp dụng Bộ chỉ số CSI, Gỗ An Cường có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường. Việc hướng tới các tiêu chí bền vững không chỉ giúp chúng tôi gia tăng uy tín, tạo dựng niềm tin vững chắc trong lòng khách hàng mà còn khẳng định vị thế của Gỗ An Cường như một doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu nội thất.
Chúng tôi tin rằng, với cam kết mạnh mẽ, Gỗ An Cường không chỉ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững chung của ngành công nghiệp gỗ tại Việt Nam.