Nâng cao năng lực truyền thông pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm
Sáng ngày 27/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị Tập huấn nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, ngày 14/7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 843-QĐ/TTG ban hành chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy hoạt bđộng kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.
Mục tiêu của chương trình là nhằm nâng cao nhận thức, năng lực, rà soát và hoàn thiện chính sách pháp luật thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027 để phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu các mặt tiêu cực.
Chương trình tập trung vào các lĩnh vực như: đầu tư, môi trường, lao động, bảo vệ quyền lơi ích hợp pháp của người lao động người tiêu dùng và các nhóm dễ bị tổn thương, qua đó góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Để triển khai Quyết định của Chính phủ, Bộ TTTT cũng đã ban hành Quyết định số 965-QĐ/BTTT, ngày 13/6/2024 ban hành kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực truyền thông chính sách pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024 và Cục Pháp chế được giao chủ trì Hội nghị tập huấn ngày hôm nay.
Theo ông Hồ Hồng Hải kinh doanh có trách nhiệm là hoạt động kinh doanh tuân thủ pháp luật, thực hiện các biện pháp đánh giá ngăn ngừa và giảm thiểu và khắc phục các tác động bất lợi của các hoạt động kinh doanh đối với con người, môi trường và xã hội. Việc tổ chức và triển khai thực hành kinh doanh có trách nhiệm là nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển bền vững. Đây cũng là xu thế tất yếu và yêu cầu của nhiều nước trên thế giới và tại Việt Nam đã và đang triển khai áp dụng đối với các loại hình doanh nghiệp.
“Trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt ra 5 nội dung chính để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ cũng như giải pháp trọng tâm của chương trình hành động quốc gia trong giai đoạn 2023-2027, một trong những nhiệm vụ giải pháp quan trọng đầu tiên đó là công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về chính sách pháp luật thực hành kinh doanh có trách nhiệm, trong đó, có trách nhiệm của Bộ TTTT thực hiện việc tuyên truyền, truyền thông về những nội dung, chính sách này”, ông Hồ Hồng Hải nhấn mạnh.
Đồng thời, ông hy vọng các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí tham dự Hội nghị tập huấn này sẽ truyền tải những thông tin tích cực đầy đủ trên báo chí, qua đó, chung tay góp sức cùng Bộ TTTT, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành trong việc nâng cao nhận thức, năng lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững tại Việt Nam.
Theo TS Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, mục tiêu cao nhất của các doanh nghiệp là lợi nhuận, các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh bao giờ cũng có mục tiêu thúc đẩy lợi nhuận. Tuy nhiên, bà cho rằng, đây cũng không phải là mục tiêu duy nhất của doanh nghiệp, mà việc theo đuổi lợi nhuận của doanh nghiệp đòi hỏi phải có sự cân bằng giữa lợi nhuận với các yếu tố xã hội và yếu tố môi trường. Doanh nghiệp sẽ không vì mục tiêu lợi nhuận mà phải trả bất cứ một giá nào đối với môi trường cũng như với xã hội.
Ý tưởng về thực hành kinh doanh có trách nhiệm dựa trên tư tưởng về sự cân bằng giữa 3 chữ “P” (PROFIT, PEOPLE, PLANET – Lợi nhuận, con người, môi trường). Trong đó, lợi nhuận chính là mục tiêu cơ bản nhất và không thể thiếu đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, yếu tố về con người bao gồm các yếu tố về xã hội, các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không được ảnh hưởng xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến yếu tố con người, yếu tố xã hội. Tương tự, với yếu tố môi trường, các hoạt động theo đuổi lợi nhuận của doanh nghiệp cũng không được tác động tiêu cực, hay ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Theo TS Lưu Hương Ly, thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn, như: phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.
“Thực hành kinh doanh có trách nhiệm không chỉ đòi hỏi nghĩa vụ bắt buộc tối thiểu của các doanh nghiệp về việc tuân thủ pháp luật mà còn đòi hỏi cả nghĩa vụ về đánh giá rủi ro, yêu cầu các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và kinh doanh thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro để phòng ngừa cũng như khắc phục các tác động tiêu cực từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình đối với xã hội và môi trường”, TS Lưu Hương Ly chia sẻ.
Cũng theo TS Lưu Hương Ly, thực hành kinh doanh có trách nhiệm được dựa trên 3 trụ cột quan trọng nhất đó là, bảo vệ, tôn trọng và khắc phục. Trong đó, bảo vệ quyền con người khỏi sự lạm dụng bởi các chủ thể, bao gồm doanh nghiệp; Tôn trọng quyền con người xuyên suốt hoạt động kinh doanh và Đảm bảo tiếp cận các biện pháp khắc phục trong trường hợp quyền con người bị lạm dụng, bằng các biện pháp tư pháp và phi tư pháp.
TS Lưu Hương Ly cũng chỉ ra những thách thức trong việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam như: Nhận thức của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; Khung pháp lý về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; Hiệu quả thực thi pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Từ đó, bà đưa ra 5 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cho việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, cụ thể:
Một là, nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức có liên quan và doanh nghiệp, người dân về chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường năng lựccho cơ quan, tổ chức có liên quan và doanh nghiệp, người dân về chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; Truyền thông, xây dựng các chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm để phát trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Hai là, Hoàn thiện chính sách và pháp luật. Rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhằm thúc đẩy doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong hoạt động đấu thầu; Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các luật, quy định liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền lao động, phúc lợi của người lao động trong quan hệ lao động, việc làm; Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Công đoàn và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi bạo lực về giới trên môi trường mạng; Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan bình đẳng giới; chống phân biệt đối xử và bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương; xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính…
Ba là, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật. Trong đó, cần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, phổ biến và khuyến nghị áp dụng Bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư phù hợp với bối cảnh và các ưu tiên của địa phương; Hoàn thiện, lồng ghép các cơ chế giám sát, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh từ người dân và doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực lao động, môi trường, bảo vệ người tiêu dùng hoặc các nhóm dễ bị tổn thương; hình thành các cơ sở dữ liệu thông tin về nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm; Hướng dẫn doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm; khuyến khích xây dựng các quy chế tự khắc phục và phòng ngừa trong nội bộ doanh nghiệp.
Bốn là, chia sẻ thông tin, kết quả của các hoạt động trong các chương trình, đề án, diễn đàn, hội nghị quốc tế liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm; và cuối cùng là Sơ kết, tổng kết, đánh giá việc triển khai Chương trình.