Tài chính doanh nghiệp

Trầm lắng sau 10 tháng 2024, thị trường M&A được dự báo sẽ sôi động trở lại

Lê Mỹ 27/11/2024 15:08

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang từng bước phục hồi, thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) được dự báo sẽ sôi động trở lại sau giai đoạn trầm lắng.

Theo số liệu của Dealogic, các thương vụ M&A được công bố trên toàn cầu tính tới ngày 25/9/2024 đạt 846,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị thương vụ M&A tại châu Á - Thái Bình Dương tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, đạt 273 tỷ USD nhờ một số thương vụ giá trị lớn.

Anh Lê Toàn
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại Diễn đàn M&A 2024. Ảnh: Lê Toàn

Tuy nhiên, trong bình diện chung đó, khối lượng và giá trị giao dịch trong khu vực Đông Nam Á lại khá ảm đạm. Dù lãi suất được điều chỉnh giảm và các chính sách tiền tệ phù hợp được ban hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Song ảnh hưởng từ những thách thức toàn cầu lẫn khu vực, các nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn thận trọng và hạn chế các hoạt động M&A.

Riêng Việt Nam, theo tổng hợp từ KPMG thị trường M&A vẫn đạt tổng giá trị giao dịch 3,2 tỷ USD, với hơn 220 thương vụ, tăng 45,9% (so với mức giảm 11,3% trong tổng giá trị giao dịch của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines). Trong đó, giá trị trung bình của thương vụ 56,3 triệu USD và giá trị cao nhất của thương vụ là 982 triệu USD. 88% giá trị giao dịch đến từ ngành bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn M&A lần thứ 16 do báo Đầu tư tổ chức tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, qua theo dõi, thị trường M&A Việt Nam đang có xu hướng chậm lại: 10 tháng qua, chỉ có 2.669 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,68 tỷ USD, tương ứng giảm 10,4% về số lượt và giảm 29% về giá trị so với cùng kỳ. "Tất nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, sự trầm lắng này chỉ là vấn đề mang tính thời điểm do xu hướng chung của thị trường toàn cầu, kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch và biến động địa chính trị trên thế giới. Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng, vẫn luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng, là nơi có thể đặt niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng cũng như cơ hội đầu tư", Thứ trưởng cho biết.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng nhấn mạnh, Quốc hội vừa thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, là năm cuối của nhiệm kỳ 2021-2025, là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, được xác định là năm bứt phá để về đích, tạo tiền đề đưa nền kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Một trong những mục tiêu quan trọng năm 2025 là tăng trưởng GDP đạt 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5% và hiện nay đang quyết tâm để đạt được cao hơn, mục tiêu này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển và lấy phát triển để làm cơ sở cho ổn định. Mục tiêu đặt ra là thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường, triển vọng kinh tế toàn cầu, cũng như các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu được dự báo còn nhiều khó khăn, rủi ro về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, các yếu tố về thể chế, pháp luật được hoàn thiện trong năm 2024 sẽ có tác động rõ nét hơn đến tăng trưởng và phát triển kinh tế trong năm 2025. Tuy nhiên, khó khăn là không nhỏ và điều này đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện thành công Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2025.

"Để thực hiện mục tiêu này, Quốc hội đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2025, trong đó, có việc quyết liệt tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn. Tôi tin là, khi các giải pháp đề ra được thực hiện quyết liệt và hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam có thể tạo sự đột phá, tăng tốc để về đích trong năm 2025. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để chúng ta có thể tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, đầu tư thông qua hình thức M&A nói riêng", Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Thứ trưởng cũng cho biết về góc độ cơ quan Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là cơ quan tham mưu chiến lược về điều hành kinh tế vĩ mô, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách mà đặc biệt là hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, quy hoạch, đấu thầu, PPP trình Quốc hội, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong 02 ngày tới. Các dự luật này có nhiều quy định mới, thể hiện sự đột phá trong tư duy xây dựng pháp luật từ tư duy quản lý sang quản lý và kiến tạo cho phát triển, từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, triệt để thực hiện việc phân cấp, phân quyền. Các dự thảo Luật nhận được sự quan tâm, đồng thuận, ủng hộ cao của các cấp, cơ bản đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ ngay những vướng mắc, điểm nghẽn, tạo đột phá cho phát triển.

Cùng với đó, dự kiến, trong năm 2024, Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị định quy định về thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư; cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn. Cùng với các cơ chế hỗ trợ đầu tư đột phá, vượt trội, cũng như việc áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt đối với các dự án quy mô lớn, trong các lĩnh vực công nghệ cao, R&D, bán dẫn, AI..., đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dự báo cũng sẽ tăng tốc, với nhiều dự án quy mô lớn.

Cộng hưởng với việc sửa đổi và thực thi các thể chế, chính sách khác, như các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...; Đặc biệt là Ban chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản, đất đai, đầu tư nước ngoài tại các thành phố..., cũng như việc ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Đề án Phát triển nhân lực bán dẫn đến năm 2030..., "tôi tin rằng Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, bền vững. Một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, thì các hoạt động M&A cũng sẽ được kích hoạt mạnh mẽ. Tôi tin rằng, thời gian tới, hoạt động M&A sẽ sớm phục hồi, nhộn nhịp trở lại và phát triển mạnh mẽ", ông khẳng định.

Vinh danh 2
Tuy thị trường M&A có trầm lắng, song nhiều thương vụ chất lượng đã diễn ra. BTC sự kiện đã vinh danh các doanh nghiệp có thương vụ M&A tiêu biểu 2023-2024.

Theo Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh, nếu chỉ bằng các con số về cả số lượng và giá trị các thương vụ được công bố, và so với giai đoạn đỉnh cao vài năm trước, việc dùng chủ đề "Nhộn nhịp thương vụ" cho Diễn đàn - thì phải chăng dùng “nhộn nhịp” để mô tả thị trường M&A Việt Nam là vẫn còn hơi sớm?

"Song mặt hồ lặng sóng không có nghĩa là không có sóng! Và chỉ khi nhìn thấy kết quả, người ta mới nhận ra được sự tồn tại và cảm nhận được sức mạnh thực sự của những con sóng ngầm! Hoạt động M&A gần đây cũng có thể ví như những con sóng ngầm đó.

Vì nhiều lý do khác nhau, rất nhiều thương vụ M&A chưa đi đến được hồi kết để trở thành công khai, nhưng sức nóng từ sự nhộn nhịp của các hoạt động đàm phán, thỏa thuận đã được cảm nhận, giống như việc dự đoán sự tồn tại của những con sóng ngầm. Sự nhộn nhịp này thậm chí còn được kỳ vọng đạt cường độ cao hơn trong thời gian tới, khi mà bức tranh thị trường toàn cầu ngày càng sáng rõ với nhu cầu mạnh mẽ hơn từ cả bên mua và bên bán, trong khi hoạt động M&A trong nước cũng được thúc đẩy mạnh bởi hàng loạt động thái chính sách vĩ mô cũng như sự thôi thúc từ chính bản thân các doanh nghiệp. Cuối cùng, dẫu còn nhiều biến số từ bối cảnh địa chính trị toàn cầu, “nếu có một điều chắc chắn trong những điều không chắc chắn thì đó chính là hoạt động M&A sẽ lại bật lên, dù có thể nhanh hơn ở một số lĩnh vực này và chậm hơn ở một số khác” như cách diễn đạt của một vị chuyên gia cao cấp tại PwC", ông Lê Trọng Minh nhìn nhận.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia cũng cho rằng, các giao dịch được thúc đẩy bởi niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế ổn định của Việt Nam và các chính sách chủ động, sâu rộng từ Chính phủ. Đặc biệt, các ưu đãi thuế, cải cách quy định kinh doanh, và hỗ trợ chiến lược cho các ngành có tốc độ tăng trưởng cao không chỉ mang tính biểu tượng mà còn là các chính sách thực tế nhằm định vị Việt Nam là một thị trường hấp dẫn cho dòng vốn xuyên biên giới.

Kết hợp với trọng tâm phát triển hạ tầng và số hóa, các yếu tố này có thể tạo động lực lớn thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam và trở thành điểm sáng của ngành tại Đông Nam Á.

Lê Mỹ