VCCI

Định hình các trụ cột cho quan hệ thương mại Việt - Mỹ phát triển

Trường Đặng 27/11/2024 17:00

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 7 do VCCI và AmCham tổ chức khẳng định những thành tựu hợp tác và đặt nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới.

ong cong 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ lần thứ 7. (Ảnh: Lê Phương/baoquocte.vn)

Ngày 27/11/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington đã phối hợp tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 7.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn quan chức cấp cao Việt Nam và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper đã tham dự sự kiện trực tiếp tại Hà Nội. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và cựu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman tham dự trực tuyến, cùng đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp hai nước.

Đưa hợp tác Việt – Mỹ thành kết quả cụ thể

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định rằng thương mại là lĩnh vực hợp tác kinh tế thành công nhất trong quan hệ Việt – Mỹ. Ông nhấn mạnh, dù đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, những nỗ lực không ngừng của cả hai bên đã đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Thủ tướng cũng ghi nhận các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã phát huy vai trò cầu nối quan trọng, thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Thủ tướng khẳng định tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai" là kim chỉ nam giúp hai nước vượt qua nhiều thách thức và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

img3196-17326807857181648832020.jpg
Thủ tướng kỳ vọng Hoa Kỳ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và bãi bỏ các hạn chế về xuất khẩu công nghệ cao (Ảnh: Nhật Bắc).

Nói về triển vọng hợp tác thương mại đầu tư Việt – Mỹ, Thủ tướng chia sẻ rằng Việt Nam đang tập trung vào ba đột phá chiến lược: thể chế, hạ tầng và nhân lực. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT). Mình chứng rõ nét là Việt Nam đang triển khai các dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, hệ thống cảng biển và trung tâm dữ liệu quốc gia, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Thủ tướng kỳ vọng với nền tảng quan hệ đó, Hoa Kỳ sẽ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và bãi bỏ các hạn chế về xuất khẩu công nghệ cao. Đây sẽ là động lực lớn cho hợp tác song phương để cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tích cực tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, và đảm bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ, sau bảy năm tổ chức thành công, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ đã trở thành một sự kiện đáng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Ông nhấn mạnh rằng hội nghị không chỉ là nơi để kết nối các doanh nghiệp, mà còn là diễn đàn quan trọng giúp tìm ra những hướng đi mới, các cơ hội hợp tác tiềm năng, và cách thức vượt qua thách thức hiện nay.

Ông Phạm Tấn Công đặc biệt lưu ý đến các lĩnh vực trọng tâm như thương mại, đầu tư song phương, kinh tế số, và an ninh năng lượng. Những vấn đề được nêu ra tại Hội nghị, theo ông, sẽ giúp cải thiện điều kiện kinh doanh, thúc đẩy khu vực tư nhân, đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời tăng cường thịnh vượng tại Việt Nam.

Qua màn hình trực tuyến, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken nhấn mạnh rằng Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trên thế giới. Ông khen ngợi mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đang ở giai đoạn sôi động và mạnh mẽ nhất, mang lại lợi ích thực chất cho cả hai dân tộc.

Ông Chip Kaye, Chủ tịch Tập đoàn Warburg Pincus, cũng mở đầu buổi thảo luận bằng những đánh giá cụ thể, trong đó ông coi trọng môi trường đầu tư tại Việt Nam, cho biết Warburg Pincus đã đầu tư 2 tỷ USD vào Việt Nam từ năm 2013 đến nay và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư trong tương lai.

img3188-1-17326807857342026570595.jpg
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá cao triển vọng hợp tác song phương về thương mại, đầu tư song phương, kinh tế số, và an ninh năng lượng (Ảnh: Nhật Bắc)

Hướng tới kỷ nguyên mới của tăng trưởng bền vững

Hội nghị Thượng đỉnh lần này tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế số, kinh tế xanh, chuỗi cung ứng toàn cầu và an ninh năng lượng. Cả hai bên đều đồng thuận rằng, để thúc đẩy hợp tác bền vững, cần chuyển các cam kết chính sách thành các chương trình, dự án cụ thể, đo lường được hiệu quả thực tế.

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 110,8 tỷ USD trong năm 2023 và tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024, đạt 110,9 tỷ USD chỉ sau 10 tháng. Tính đến tháng 10/2024, Hoa Kỳ có 1.400 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam như FPT, Vinfast cũng đang mở rộng hoạt động tại Hoa Kỳ, góp phần tạo nên mối quan hệ kinh tế đôi bên cùng có lợi.

Chủ tịch AmCham Joseph Uddo nhấn mạnh: “Với việc nâng cấp quan hệ vào năm ngoái và sự thay đổi chính quyền tại Hoa Kỳ, đây là thời điểm quan trọng và cơ hội tuyệt vời để cải thiện khung chính sách, thu hút thêm nhà đầu tư mới cũng như hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam tiếp tục phát triển. Việc giải quyết các vấn đề quan trọng được nêu tại Hội nghị hôm nay sẽ cải thiện điều kiện kinh doanh, thúc đẩy khu vực tư nhân, đảm bảo phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời đẩy mạnh thịnh vượng tại Việt Nam.”

Giám đốc Điều hành AmCham Adam Sitkoff cho biết: “Chúng ta hiện đang chứng kiến một động lực thực sự trong mối quan hệ kinh tế Hoa Kỳ-Việt Nam, mặc dù Tổng thống đắc cử Trump đã nhấn mạnh sự cần thiết của các mối quan hệ thương mại cân bằng hơn. Điều này đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp hai nước tận dụng động lực này để nâng tầm giao thương và đầu tư song phương, đồng thời phối hợp với chính phủ hai nước tháo gỡ các rào cản và thách thức.”

Hội nghị thượng đỉnh là dịp thảo luận kịp thời về các chính sách và phương hướng mà cả chính phủ và khu vực tư nhân cần thực hiện để đảm bảo quan hệ thương mại và đầu tư đôi bên cùng có lợi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Hội nghị tập trung thảo luận vào nhu cầu ban hành quy định hợp lý, khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số, giải quyết các nhu cầu an ninh năng lượng và phát triển với các hành động thực tế, duy trì năng lực cạnh tranh thông qua tăng năng suất và giảm rủi ro, cũng như củng cố khả năng huy động nguồn lực, sản xuất và chuỗi cung ứng.

Trường Đặng