Tài chính doanh nghiệp

Lĩnh vực nào sẽ được nhà đầu tư M&A quan tâm năm 2025?

Lê Mỹ 27/11/2024 17:16

Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, nhiều ngành như tài chính, giáo dục, y tế sẽ nhận được sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư M&A.

Chia sẻ tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2024 (M&A Vietnam Forum 2024) lần thứ 16 do Báo Đầu tư tổ chức chiều 27/11, tại TPHCM, ông Nguyễn Công Ái cho biết, trong 9 tháng năm 2024, nhà đầu tư trong nước dẫn đầu các hoạt động tại thị trường M&A Việt Nam. Thương vụ lớn nhất trong năm cho đến nay với giá trị 982 triệu USD là giao dịch giữa nhóm công ty có trụ sở tại Việt Nam mua lại 55% cổ phần của Công ty Phát triển đầu tư và thương mại SDI, một công ty con của Vingroup sở hữu gián tiếp 41,5% cổ phần tại Vincom Retail.

vincom.jpg
Tập đoàn Vingroup dẫn đầu thương vụ lớn nhất năm 2023-2024. Ảnh minh họa

Lĩnh vực bất động sản đóng góp thương vụ lớn thứ hai khi Becamex IDC chuyển nhượng một dự án nhà ở trị giá 553 triệu USD tại Bình Dương cho Sycamore Limited, công ty con của CapitaLand Group từ Singapore.

Trong lĩnh vực tiêu dùng, một thương vụ đáng kể là Bain Capital của Mỹ đầu tư 255 triệu USD vào Masan Group qua hình thức phát hành riêng lẻ. Ngoài ra, Masan Group cũng mua lại cổ phần trị giá 200 triệu USD tại WinCommerce từ SK South-East Asia Investment.

Hoạt động giao dịch M&A trong 9 tháng 2024 chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực bất động sản (53%); tiêu dùng thiết yếu (14%), và công nghiệp (21%), chiếm tổng cộng 88% giá trị giao dịch và nằm trong top 5 thương vụ M&A lớn nhất.

“Trong 9 tháng năm 2024, các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò chính trong thị trường M&A Việt Nam khi chiếm 53% tổng giá trị giao dịch được công bố, gần gấp đôi tổng giá trị đóng góp của 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cộng lại”, Phó Tổng giám đốc KPMG nhận định.

Các dữ liệu KPMG đưa ra một mặt cho thấy rằng: Thị trường M&A trong thời gian trầm lắng vừa qua tập trung vào dòng tiền của các nhà đầu tư, doanh nghiệp tập đoàn lớn, bao gồm cả 2 chiều vốn M&A trong nước và tiền ngoại chảy vào (inbound).

Ngoài ra, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng số lượng thương vụ ít, theo một chuyên gia đánh giá, cũng cho thấy rằng khó khăn ở thị trường này đã bó hẹp thanh khoản mua lại vốn cổ phần và dự án. Tuy nhiên, không loại trừ nhiều thương vụ vẫn đang ở giai đoạn đàm phán “sang tay” kín tiếng, chưa công bố, ông này lưu ý.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Công Ái cho biết, so với năm trước về giá trị giao dịch, ngành tiêu dùng thiết yếu và công nghiệp đã thay thế dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe là những ngành đóng góp lớn nhất, sau bất động sản ở vị trí dẫn đầu.

kpmg.jpg
Tăng trưởng của thị trường M&A Việt Nam 9 tháng 2024 được thúc đẩy bởi các thương vụ M&A nội địa lớn, đặc biệt là 4 giao dịch của Vingroup và Masan Group với tổng giá trị 1.9 tỷ USD, tương đương 58% tổng giá trị giao dịch M&A.

Trong khi đó, năng lượng, dịch vụ - những ngành đã chiếm lĩnh thị trường M&A năm 2022 nhưng gần đây không xuất hiện 2 ngành này. Điều đó cho thấy đã có sự chuyển dịch ngành hàng trong hoạt động M&A.

Năm 2023-2024, các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu gọi tên Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Masan, Kepple Việt Nam. Các doanh nghiệp có thương vụ M&A tiêu biểu gồm VPBank, CapitaLand Development (Việt Nam), Tập đoàn Thomson Medical Group, Gamuda Land Việt Nam, Kim Oanh Group, Gelex, SeABank, Vietcap, Bảo hiểm DB (Hàn Quốc), Kido, Nutifood, Biwase, Coteccons, TTC, Tasco. Đi cùng là tổ chức thương vụ tiêu biểu trong ngành Chứng khoán như Rồng Việt, Vietcap, Bảo Việt, các Công ty như KPMG và nhóm Công ty Luật...

Đối với lĩnh vực năng lượng, thực sự sự bùng nổ của “sóng” đầu tư năng lượng tái tạo trước đây đã góp phần kích hoạt thị trường M&A. Bước chững lại của 2023-2024 với ngành này, theo các chuyên gia, có thể thay đổi với các chính sách như Luật Điện lực (sửa đổi) kỳ vọng được Quốc hội thông qua vào 30/11 tới; và trước đó là các Nghị địnhsố 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn hay Nghị định; Nghị định số 115/2024/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; Nghị định số 135/2024/NĐ-CP, quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Ông Nguyễn Công Ái dự báo, thị trường M&A Việt Nam trong năm 2025 sẽ đạt con số ấn tượng với các lĩnh vực chủ chốt như bất động sản, sản xuất, công nghệ thông tin và tiêu dùng vẫn cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm từ cả các nhà đầu tư chiến lược.

Cơ sở cho dự báo từ số lượng thương vụ M&A dự kiến sẽ tăng lên trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ và bất động sản nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Xu hướng đầu tư đang dịch chuyển sang lĩnh vực công nghệ như Al và các dịch vụ có ứng dụng công nghệ, nhóm ngành dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng đáng kể trong các giao dịch M&A từ 2025, Phó Tổng Giám đốc KPMG chia sẻ.

Ngoài ra, ông cũng nhận định các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ, vốn từng dẫn đầu hoạt động M&A tại Việt Nam, dự kiến sẽ quay trở lại từ 2025 và các năm tới. Điều này được cho sẽ là yếu tố vô cùng tích cực góp đòn bẩy cho thị trường khi cùng với sự trầm lắng của giai đoạn qua, vắng bóng hoạt động M&A của nhà đầu tư Nhật Bản.

Chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp quan tâm hoạt động và có kế hoạch thu hút vốn M&A cần tiếp cận thẩm định đa chiều, toàn diện để xác định rủi ro cũng như đánh giá tiềm năng tăng trưởng của công ty. Bên cạnh đó các yếu tố tài chính, thương mại, pháp lý và ESG (môi trường -xã hội -quản trị), cần được cân nhắc để đảm bảo thương vụ phù hợp với yêu cầu đa chiều của bên mua và tạo ra giá trị lâu dài cho các bên.

Ngoài ra, môi trường lãi suất thấp cũng kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự nhộn nhịp thương vụ, bao gồm các thương vụ đã tạm hoãn trước đây.

Lê Mỹ