Mục tiêu tăng trưởng năm 2024 trên 7% rất khả thi
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết từ nay đến cuối năm Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5% để cả năm đạt trên 7%.
GS, TS Ngô Thắng Lợi, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: mục tiêu này là hoàn toàn khả thi!
- Ông bình luận như thế nào về mục tiêu tăng trưởng GDP quý IV đạt trên 7,5% và cả năm đạt trên 7%?
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý III ước đạt 7,4%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2020 trở lại đây, cao hơn 2 năm 2021-2022 sau đại dịch Covid-19.
Theo xu thế này, tăng trưởng GDP quý III/2024 đạt 7,4% thì tăng trưởng GDP quý IV năm 2024 có thể đạt 7,6 – 7,8%. Như vậy, tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể đạt 7,1-7,3% với sự đóng góp tích cực của 2 nhóm ngành công nghiệp và Thương mai dịch vụ.
Mặt khác, theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê quý III/2024, có 42,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 22,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn thì dự kiến quý IV/2024, có 42,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2024 (cao hơn quý III), chỉ có 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn (thấp hơn nhiều so với quý III).
Những luận cứ thực tiễn nói trên cho thấy, mục tiêu tăng trưởng quý IV trên 7,5% và cả năm 2024 trên 7% là rất khả thi, nếu Chính phủ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, tận dụng được các điều kiện thuận lợi để thực hiện các giải pháp một cách quyết liệt.
- Nhưng chúng ta cũng cần dự liệu những khó khăn hiện hữu, thưa ông?
Đúng vậy, theo tôi, các động lực tăng trưởng cả ở phía cung và phía cầu đều đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước. Trong nước, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) suy giảm và xuống dưới 50 điểm trong tháng 9. Hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui so với doanh nghiệp gia nhập thị trường vẫn ở xu hướng cao.
Tiêu dùng trong nước và giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng, nợ xấu tăng và còn vướng mắc khi xử lý. Cơ cấu lại nền kinh tế, gồm cả các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu, trong khi thể chế cho các động lực tăng trưởng mới còn chậm ban hành so với yêu cầu phát triển.
Về bối cảnh quốc tế, xu thế phân mảnh kinh tế, chính trị toàn cầu vẫn đang diễn ra. Hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu khiến cầu bên ngoài có thể suy giảm. Chi phí đẩy khiến năng lực cạnh tranh xuất khẩu và khả năng tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu gặp nhiều thách thức.
Như vậy, thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu, các động lực tăng trưởng truyền thống phục hồi nhưng chưa đồng đều, còn ở mức thấp so với trước dịch và chưa bền vững.
- Ông có đề xuất, kiến nghị gì để đảm bảo mục tiêu cả năm 2024 đạt trên 7%?
Đối với các giải pháp thúc đẩy tổng cầu. Thứ nhất, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các địa phương được giao số vốn đầu tư công lớn.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng tín dụng cả năm khoảng 15%, đi cùng đó là kiểm soát rủi ro nợ xấu.
Thứ ba, Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí.
Về các giải pháp đẩy mạnh tổng cung. Một là, tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Hai là, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các hội đồng điều phối vùng.
Ba là, tăng cường hợp tác, tổ chức đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược.
Bốn là, tiếp tục phát huy hiệu quả cơ chế tổ công tác làm việc với từng doanh nghiệp, nhà đầu tư để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Năm là, nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chương trình phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn…