Nghiên cứu - Trao đổi

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số: Cần bảo đảm chính sách khả thi

Yến Nhung 28/11/2024 04:00

Nhiều ý kiến đề xuất được đưa ra nhằm bảo đảm chính sách khả thi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.

Thực tế cho thấy, việc nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số (Dự thảo) là cần thiết để kịp thời bổ sung, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo cơ chế khuyến khích đủ mạnh để phát triển công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng, góp phần đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi các chính sách trong Dự thảo, các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến đề xuất.

3 (3)
Việc xây dựng Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là cần thiết để thúc đẩy phát triển công nghệ số - Ảnh: ITN

Quan tâm góp ý về nội dung này, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải xác định Luật Công nghiệp công nghệ số là luật chuyên ngành hay là luật tổng hợp để hỗ trợ, thúc đẩy, bổ trợ cho các ngành nghề khác.

“Theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì Dự luật này có thể được coi là một luật chuyên ngành. Theo đó, công nghiệp công nghệ số được coi là một ngành công nghiệp nền tảng, như vậy, có cơ sở chính trị để coi Luật Công nghiệp công nghệ số là luật chuyên ngành hơn là một luật mang tính chất tổng hợp...”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Đối với quy định về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số, TS Cấn Văn Lực lưu ý, trong các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai… đã có nhiều quy định ưu đãi. Vì vậy, việc quy định tại Dự thảo phải phù hợp, đảm bảo tính thống nhất tránh chồng chéo, trùng lắp. Theo đó, cần thống nhất, xác định rõ hơn nội hàm và phạm vi hỗ trợ, ưu đãi đối với lĩnh vực này.

“Đơn cử, trong khu công nghiệp công nghệ số có bao gồm công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp phụ trợ trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của lĩnh vực có được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ hay không?...”, TS Cấn Văn Lực nêu vấn đề.

Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực cũng đề nghị, cần nghiên cứu và bổ sung một số quy định vượt trội hơn cho các dự án về công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo là những dự án rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, tác động lớn đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, nên quy định rõ lộ trình, tổng thể các chính sách hỗ trợ đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn triển khai áp dụng. Đồng thời, quan tâm tới chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao về miễn thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ visa…

linh-vuc-san-xuat-cua-viet-nam.jpg
Nhiều ý kiến đề xuất được đưa ra nhằm bảo đảm chính sách khả thi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số - Ảnh: ITN

Đồng quan điểm, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đề nghị cân nhắc quy định công nghiệp công nghệ số là một ngành kinh tế, cần xem xét quy định này đã phù hợp với phân chia các ngành kinh tế, khoa học công nghệ theo thông lệ của quốc tế hay chưa? Theo Dự thảo, công nghệ số được hiểu là bao gồm công nghệ thông tin và các công nghệ số thế hệ mới.

“Như vậy, có thể hiểu Luật này sẽ điều chỉnh các lĩnh vực thuộc ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao và các ngành khoa học công nghệ có hàm lượng đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng số vốn đã có luật ban hành. Trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, công dân số… không thể gom hết những gì thuộc công nghệ số thành một ngành công nghiệp riêng. Cần cân nhắc làm rõ nội dung này vì hiện nay chưa thấy quốc gia nào trên thế giới quy định ở tầm luật đối với lĩnh vực này”, đại biểu Tạ Thị Yên khẳng định.

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thông tin, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho thấy có nhiều ý kiến băn khoăn về sự cần thiết ban hành Dự thảo vì đã có Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông... Hiện nay Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến Luật Dữ liệu. Công nghệ số có ở khắp các ngành kinh tế - kỹ thuật từ viễn thông, công nghệ thông tin, dữ liệu, điện tử bán dẫn, tự động hóa… Do đó nhiều nội hàm của công nghệ số cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đồng thời, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, một số nội dung lần đầu được quy định ở văn bản luật như tài sản số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, các quy định về nguồn nhân lực công nghệ số, khung năng lực công nghệ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát... cần được nghiên cứu, làm rõ hơn trong quá trình xây dựng Luật để có tính khả thi cao và gắn với thực tiễn của tình hình cụ thể của nước ta.

Liên quan đến những vấn đề nêu trên, đại biểu Vũ Hải Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần có cách tiếp cận xuất phát từ thực tiễn để xây dựng Dự thảo có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và quan trọng nhất là phải đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ số đang đặt ra. Cần chỉ ra được những điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp công nghệ số để từ đó đề xuất được những điều khoản, chính sách hết sức cụ thể trong Dự thảo nhằm phát triển lĩnh vực này.

Theo đại biểu, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo có thể trùng lắp, giao thoa với một số luật liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giao dịch điện tử…

“Nếu vẫn quy định các chính sách chung chung, bị phân mảnh giữa các luật khác nhau thì cuối cùng Dự thảo cũng sẽ giống như Luật Công nghệ thông tin, mặc dù chúng ta thể chế hóa được các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp công nghệ số nhưng 20 - 30 năm sau đến khi tổng kết lại thì e rằng sẽ rất khó để đạt được kết quả mang tính đột phá”, đại biểu Vũ Hải Quân chia sẻ.

Yến Nhung