Đằng sau những tuyên bố áp thuế mạnh mẽ của ông Trump
Khẩu hiệu "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" bằng thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể là tin xấu cho châu Á và châu Mỹ.
Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết sẽ tăng mạnh thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Canada và Trung Quốc bắt đầu từ ngày đầu tiên nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của mình.
Ông đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ áp dụng thuế quan mới đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, làm thay đổi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các đối tác thương mại lớn nhất của mình, đặc biệt là ở châu Á, và có khả năng gây ra hiệu ứng lan tỏa đối với nền kinh tế của các quốc gia trong khu vực.
Mặc dù hậu quả tiềm ẩn vẫn chưa chắc chắn, nhưng thuế quan là loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu, có khả năng sẽ gây tổn hại đến các quốc gia ở châu Á phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang Mỹ để góp phần thúc đẩy nền kinh tế của họ.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ đạt 145 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này. Năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc sau Trung Quốc, với 116 tỷ USD hàng hóa được xuất khẩu.
Nhưng thuế quan mà ông Trump dự kiến áp lên hàng hóa Trung Quốc cũng có thể có lợi cho một số quốc gia ở Đông Nam Á vì các nhà máy có thể di dời khỏi Trung Quốc đến những nơi khác trong khu vực.
Thương hiệu Steve Madden đã thông báo vào đầu tháng này rằng họ sẽ giảm một nửa sản lượng tại Trung Quốc để tránh thuế quan của ông Trump và sẽ nhập hàng từ Campuchia, Việt Nam, Mexico và Brazil, cùng nhiều quốc gia khác.
Năm 2023, Mỹ là nước tiếp nhận hàng xuất khẩu lớn nhất từ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản; đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc, Indonesia, và đứng thứ ba đối với Malaysia và Singapore.
Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều nhất từ Mexico vào năm 2023, tiếp theo là Trung Quốc và Canada. Sáu trong số 10 quốc gia hàng đầu mà Hoa Kỳ nhập khẩu hàng hóa là ở châu Á.
Nhưng Mỹ cũng có thâm hụt thương mại với nhiều quốc gia châu Á. Trong 9 tháng đầu năm 2024, thâm hụt thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ là với Trung Quốc. Mexico đứng thứ hai và Việt Nam đứng thứ ba. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nằm trong top 10.
Mặc dù thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã thu hẹp trong năm qua, nhưng thâm hụt thương mại với các quốc gia như Việt Nam và Thái Lan vẫn đang gia tăng, vì Mỹ đang cố gắng giảm việc nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc.
Ông Trump cho biết ông muốn tăng thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu để thu hẹp hoặc xóa bỏ thâm hụt thương mại, nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng thuế quan của ông sẽ thực sự là một loại thuế do người Mỹ trả, đẩy giá cả trong nước lên cao khi các công ty chuyển phần chi phí nhập khẩu tăng thêm cho người tiêu dùng.
Một phân tích của Goldman Sachs dự đoán rằng các đợt tăng thuế mà ông Trump tuyên bố sẽ làm tăng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) thêm 0,9%.
Ông Matt Priest, Chủ tịch của FDRA đã cảnh báo rằng các mức thuế mà ông Trump đề xuất sẽ trực tiếp làm tăng chi phí cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng, dẫn đến giá cả các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như giày dép,... tăng cao.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, những thông báo về thuế quan đã làm gợi nhớ đến chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu tiên, khi các mức thuế quan tương tự được công bố như một chiến thuật đàm phán. Cuối cùng, ông Trump đã từ chối áp đặt một số mức thuế mà ông đề xuất.
Vào thời điểm đó, mối đe dọa áp thuế 25% của ông Trump đối với Mexico chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và đã dẫn đến một thỏa thuận khác trong vòng vài tuần, khi một phái đoàn các quan chức Mexico đã đến Washington để đàm phán khẩn cấp.
Do đó, nhiều khả năng ông Trump đang sử dụng thuế quan để mở các cuộc đàm phán thương mại với Canada càng sớm càng tốt sau khi nhậm chức.
Ông Howard Lutnick, người được Tổng thống đắc cử làm Bộ trưởng Thương mại đã nói trong một cuộc phỏng vấn của CNBC trước cuộc bầu cử rằng thuế quan là "con bài mặc cả" và sẽ giúp xóa bỏ rào cản đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất tại các quốc gia khác.
Nhưng ông Lutnick cũng nói thêm rằng ông Trump sẽ không tìm cách áp thuế tăng giá đối với hàng hóa không được sản xuất tại Mỹ. "Chúng ta có kiếm được nhiều tiền từ thuế quan không? Hay chúng ta mang sản xuất về nước và nâng cao năng suất cho người lao động tại đây? Đó là một kịch bản đôi bên cùng có lợi", ông nói.