Cơ hội và nguy cơ bao trùm hợp tác kinh doanh Việt - Mỹ
Chính sách thương mại và thuế quan mới của Mỹ đặt ra nhiều dấu hỏi giữa lúc hợp tác kinh doanh Việt - Mỹ đang bắt đầu nở rộ.
Tìm hướng hợp tác mới
Triển vọng hợp tác thương mại đầu tư Việt – Mỹ được tin tưởng vẫn sẽ mạnh mẽ trong thời gian tới. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 7, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã gợi ý về những thay đổi mang tính đột phá để Việt Nam đón dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn.
Ba đột phá chiến lược mà Việt Nam hướng tới bao gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực, cùng với các lĩnh vực ưu tiên bao gồm kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT).
Thủ tướng kỳ vọng với nền tảng quan hệ đó, Hoa Kỳ sẽ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và bãi bỏ các hạn chế về xuất khẩu công nghệ cao. Đây sẽ là động lực lớn cho hợp tác song phương để cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tích cực tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, và đảm bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam.
Bên cạnh những cơ hội, các nội dung cũng xoay quanh nguy cơ thuế quan gia tăng đang gây lo ngại sâu sắc cho các đối tác thương mại lớn của Mỹ như Việt Nam.
Theo bà Virginia Foote, CEO của tập đoàn tư vấn Bay Global Strategies, Việt Nam nên ưu tiên đàm phán một cách thực chất. “Thỏa thuận ghi nhớ (MoU), các chuyến thăm, những cái bắt tay – như vậy là không đủ. Việt Nam cần bắt đầu nói "có", không phải "có lẽ"; không phải "hãy tiếp tục bàn thêm," mà là nói "có" với một số khoản đầu tư,” bà nói.
Ông John Patrick Goyer, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Phòng Thương mại Mỹ, phân tích về tác động tiềm tàng tới Việt Nam: “Điều đó phụ thuộc vào phạm vi và mức độ sâu rộng của các mức thuế… Trong trường hợp xấu nhất, tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại. Ở Hoa Kỳ, người tiêu dùng sẽ chứng kiến lạm phát khiến mức chi tiêu bị hạn chế.”
“Điều này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn nhập khẩu nguyên liệu thô, linh kiện hoặc bộ phận để sản xuất tại Hoa Kỳ,” ông John cảnh báo.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương đạt 111 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024. Triển vọng hợp tác của hai nước đang có bước đà tốt chưa từng có, phản ánh qua quan hệ chính trị chặt chẽ và nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2023.
Dù vậy, ông Trump và đảng Cộng hòa có thể bỏ qua những điều đó để nhìn vào thực tế cán cân thương mại song phương. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ trong 10 tháng đạt 98,5 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Nhập khẩu đạt 12,3 tỷ USD, tăng 8,2%.
Cơ hội từ khe cửa hẹp
Dù lo ngại phần nhiều, tất cả mới chỉ dừng lại ở mức dự báo. Vẫn có nhiều ý kiến tích cực rằng Việt Nam có thể xử lý tốt vấn đề Mỹ của ông Trump.
Rich McClellan, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Viện Tony Blair, nói: “Việt Nam đã từng làm rất tốt trong xử lý các thách thức địa chính trị quốc tế. Và tôi tin họ cũng sẽ xử lý tốt vấn đề này.”
Nhìn vào bức tranh rộng hơn, công nghệ dường như mới là trọng tâm thực sự mà Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc dưới thời ông Trump. MAGA của ông Trump sẽ phải gắn liền với lĩnh vực này để duy trì quyền lực kinh tế, an ninh quốc gia, và ảnh hưởng toàn cầu, chứ không phải giày dép, thủy sản hay quần áo. Cũng vì lẽ đó, Việt Nam có thể coi đây là một cơ hội.
“Tôi không nghĩ việc rút vốn khỏi Việt Nam sẽ xảy ra một cách toàn diện. Kể cả khi Mỹ áp thuế quan lên mọi thứ, điều đó cũng không thể đưa ngành sản xuất giày dép trở lại Hoa Kỳ. Nó cũng không thể đưa ngành công nghiệp dệt may trở lại Hoa Kỳ. Vì vậy, tôi không nghĩ điều đó sẽ hiệu quả,” John nói.
Việc Việt Nam tham gia vào tới 65 hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả CPTPP, RCEP và những hiệp định khác, cũng góp phần tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt đầu tư Mỹ. Ông John lý giải, bất cứ công ty Mỹ hay nước ngoài nào đầu tư vào Việt Nam cũng có thể nhìn thấy lợi ích từ những hiệp định thuế quan đó để xuất khẩu hàng hóa sang các nước thứ ba từ Việt Nam.