Các cường quốc châu Á sẽ thỏa hiệp thế nào với ông Trump?
Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã chuẩn bị các đề xuất để ngăn ngừa bất kỳ đợt tăng thuế nào từ phía Mỹ.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang cố gắng xác định những gì họ có thể cung cấp cho chính quyền Trump sắp tới như mua thêm hàng xuất khẩu của Mỹ hoặc khuyến khích đầu tư mới vào Mỹ để ngăn chặn thuế quan và thiết lập mối quan hệ tốt với một Tổng thống đắc cử được cho là có tính giao dịch cao.
Khó khăn mà các quốc gia này đang gặp phải là không biết liệu các biện pháp mà họ đang chuẩn bị có đủ để tránh mức thuế quan tương đối cao hay không. Thông điệp trong chiến dịch tranh cử của ông Trump khiến nhiều người không chắc chắn về việc liệu ông có sẵn sàng thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào hay không, hay liệu những mức thuế nhập khẩu tiềm năng này sẽ trở thành điều bình thường mới.
Mối quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc khác với mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng nếu thuế quan là chuẩn mực mới, bất kể là hàng nhập khẩu đến từ đối tác hay đối thủ của Hoa Kỳ, thì chính quyền Trump nên chuẩn bị tinh thần rằng các đề xuất của họ sẽ bị bác bỏ ngay từ đầu.
Tại Tokyo, một số ý tưởng được đưa ra giữa các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp bao gồm nhập khẩu hàng hóa phù hợp với các ưu tiên trong nước của Nhật Bản như đưa chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Nhật Bản về nước và chuyển sang các nguồn năng lượng xanh hơn. Điều này sẽ bao gồm nhập khẩu nhiều chất bán dẫn, máy móc và công cụ sản xuất chất bán dẫn, amoniac, hydro và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ hơn.
Nhật Bản nhận ra nhu cầu ngày càng tăng của châu Á đối với LNG và tiềm năng của Mỹ với tư cách là nước xuất khẩu LNG. Đó là lý do tại sao ngày càng nhiều người ở Tokyo và Washington đang nói về việc biến Nhật Bản thành trung tâm xuất khẩu LNG của Mỹ, cũng như có thể dẫn đến khả năng Nhật Bản và Mỹ cùng phát triển cơ sở hạ tầng LNG trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mặc dù lượng hàng hóa mà Nhật Bản có thể nhập khẩu từ Mỹ vẫn còn hạn chế, nhưng quốc gia này cũng có thể tìm kiếm các quan hệ đối tác chiến lược mới, bao gồm giữa các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản và Mỹ trong lĩnh vực hàng không, phát triển các lò phản ứng hạt nhân di động nhỏ và các lĩnh vực khác.
Ông Riley Walters, thành viên cấp cao tại Viện Hudson nhận định, một số nỗ lực này có thể không trực tiếp góp phần giảm thâm hụt thương mại của hai nước, nhưng chúng sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất của Mỹ và Nhật Bản dọc theo chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và ông Trump đã thảo luận về việc mở rộng sản xuất chung của Mỹ và Hàn Quốc trong lĩnh vực đóng tàu.
Một lý do khiến hợp tác quốc phòng được các đối tác châu Á của Mỹ quan tâm là việc chính quyền Trump sẽ một lần nữa yêu cầu các đối tác và đồng minh của Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, việc tăng thêm chi tiêu quốc phòng thường xuyên sẽ khó khăn đối với các nhà lãnh đạo ở Châu Á do những điểm yếu về chính trị và thực tế tài chính.
Về phía Trung Quốc, theo một phần của thỏa thuận Giai đoạn Một mà quốc gia này đã ký với chính quyền Trump vào năm 2020, Bắc Kinh đã đồng ý nới lỏng một số hạn chế đối với các công ty Mỹ tại Trung Quốc và mua tới 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
Lần này, Bắc Kinh có thể đề nghị chi nhiều hơn cho hàng nhập khẩu từ Mỹ. Bắc Kinh cũng có thể đề nghị hướng đầu tư mới của Trung Quốc, chẳng hạn như sản xuất xe điện và sản xuất pin, vào Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử có thể không dễ đàm phán vào nhiệm kỳ này. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trung Quốc được cho là chưa bao giờ thực hiện các cam kết mua hàng của mình như một phần của thỏa thuận Giai đoạn Một.
Lời đề nghị đầu tư mới của Trung Quốc vào Mỹ cũng sẽ đi ngược lại xu hướng hiện tại. Trong thập kỷ qua, các quan chức ở Washington ngày càng chỉ trích đầu tư từ Trung Quốc. Và việc đề nghị đầu tư mới vào các ngành công nghiệp nhạy cảm như xe điện và pin chỉ có nguy cơ bị chính quyền Trump bác bỏ.
Vào đầu chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đưa ra ý tưởng áp thuế 10% hoặc thậm chí 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ; ngoài ra có thể tăng thuế lên 60% so với mức thuế 30% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định, các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho khả năng cao rằng thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hàng hóa từ Trung Quốc sẽ tăng.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Nick Marro của Economist Intelligence Unit cho rằng vẫn còn nhiều yếu tố chưa chắc chắn, bao gồm thẩm quyền pháp lý của Tổng thống trong việc áp dụng thuế quan toàn cầu, mức thuế cuối cùng, quy trình quản lý và mốc thời gian thực hiện, các miễn trừ tiềm năng cho các công ty hoặc quốc gia và liệu Quốc hội Mỹ có tiếp tục trao quyền quyết định về thuế quan cho hành pháp hay không.
Theo ông Marro, các quốc gia có thể không sẵn lòng đưa ra nhượng bộ đủ lớn ngay từ đầu, vì họ biết rằng chính quyền Trump có thể tiếp tục đưa ra những yêu cầu mới trong những năm tiếp theo.
Tình huống này đặt ra các rủi ro không chỉ cho quan hệ thương mại quốc tế mà còn cho sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu, đòi hỏi các công ty và chính phủ cần cân nhắc kỹ chiến lược đối phó với chính sách thương mại của Mỹ.