Khuôn khổ chính sách dành cho tăng trưởng xanh ngày càng rõ ràng hơn
Các cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính đối với các doanh nghiệp rất rõ ràng, nằm trong các cơ chế, chính sách cụ thể các bộ, ngành đã ban hành.
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định tại cuộc Tọa đàm "Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu" để phân tích làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ngày 28/11.
Có thể xác định được ngay loại ưu đãi
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đối với các biện pháp ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tham gia vào tiến trình tăng trưởng xanh, có thể xác định được ngay loại ưu đãi doanh nghiệp.
Thứ nhất, là ưu đãi tài chính. Các ưu đãi về tài chính đã được thể hiện rất rõ trong Nghị định của Chính phủ, quy định của các bộ ngành liên quan đến thuế, liên quan đến tiếp cận tài chính, liên quan đến lãi suất và liên quan đến tất cả các nội dung có thể phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
“Các cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính đối với các doanh nghiệp rất rõ ràng, nằm trong các cơ chế, chính sách cụ thể mà các bộ, ngành đã ban hành”, ông Lê Việt Anh khẳng định.
Thứ hai, là ưu đãi phi tài chính. Chính phủ cũng dành những chính sách phi tài chính cho doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp có cam kết về tiến trình tăng trưởng xanh sẽ được xem xét, phê duyệt để có quy trình thủ tục đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất.
Tuy nhiên, theo ông Lê Việt Anh khi doang nghiệp muốn hưởng các ưu đãi đối với tiến trình tăng trưởng xanh thì cũng phải đáp ứng các yêu cầu, chỉ tiêu, mục tiêu đề ra cho tiến trình tăng trưởng xanh.
Những quy định này trong thời gian vừa qua các bộ, ngành cũng như Chính phủ đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ chính sách dành cho doanh nghiệp.
“Khuôn khổ chính sách dành cho tăng trưởng xanh ngày càng rõ ràng hơn, minh bạch và cụ thể hơn để doanh nghiệp hiểu và áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh của mình”, ông Lê Việt Anh nói.
Theo kinh nghiệm quốc tế, việc đầu tiên cần triển khai thời gian tiếp theo là phải có hệ thống phân loại xanh quốc gia rất rõ ràng, cụ thể.
Việc này Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan sẽ ban hành hệ thống xanh quốc gia.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành hệ thống ngành xanh quốc gia. Khi hệ thống này được ban hành, chúng ta sẽ xác định được rõ doanh nghiệp nào, dự án đầu tư nào được hưởng các ưu đãi về cơ chế, chính sách dành cho tăng trưởng xanh.
Sau khi hệ thống này được ban hành, chúng ta sẽ có hàng loạt cơ chế chính sách ưu đãi kèm theo rõ ràng dành cho doanh nghiệp. Tất nhiên tiến trình như vậy sẽ yêu cầu khối lượng thời gian không nhỏ.
Do đó, Chính phủ cũng cho phép áp dụng cơ chế thí điểm liên quan đến tăng trưởng xanh và nội dung cụ thể này trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu để kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng những cơ chế ưu đãi đặc thù dành cho các dự án đầu tư cũng như các doanh nghiệp liên quan đến tăng trưởng xanh.
Doanh nghiệp luôn coi trọng nguyên tắc phát triển bền vững
Chia sẻ về những hoạt động đầu tư cho phát triển bền vững của Nestlé ở Việt Nam, ông Binu Jacob cho biết đầu tiên là bảo đảm nguồn nguyên liệu bền vững. Ngành hàng mà Nestlé hoạt động mạnh nhất ở Việt Nam là cà phê.
“Chúng tôi luôn bảo đảm cà phê Nestlé thu mua từ người sản xuất ở Việt Nam đều là những loại cà phê có chất lượng cao, được sản xuất một cách bền vững”, ông Binu Jacob nói.
Theo đó, Nestlé đã hỗ trợ hàng trăm nghìn hộ gia đình trồng cà phê để bảo đảm việc canh tác cà phê sẽ sử dụng lượng phân bón hóa học, lượng thuốc trừ sâu tối thiểu. Đồng thời, Nestlé có chiến lược giảm 20% thuốc trừ sâu và 20% lượng nước sử dụng cho cây cà phê.
Nestlé cũng tiết kiệm lượng nước sử dụng ở tất cả nhà máy của mình. “Trong 3 năm vừa qua, Nestlé là một trong những công ty hiếm hoi ở Việt Nam nhận được chứng chỉ của tổ chức Water Stewardship cho những giải pháp tiết kiệm nước”, ông Binu Jacob nhấn mạnh.
Hiện nay, Nestlé đang thực hiện 100% trung hòa về nước, có nghĩa hoàn toàn có thể tái chế nước đã qua sử dụng. Ngoài ra, có một sáng kiến khác để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đó là Nestlé cam kết thu mua lại tất cả bao bì của công ty để tái chế.
“Với 95% bao bì của Nestlé lưu hành trên thị trường đều được công ty thu mua lại để có thể tái chế, tái sử dụng”, ông Binu Jacob nói.
Vẫn theo ông Binu Jacob, Nestlé đang có sáng kiến cắt giảm năng lượng bằng cách sử dụng các nồi hơi sinh khối… “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ cũng như UBND các địa phương để có thể hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình đạt cam kết về Net Zero”, ông Binu Jacob bày tỏ.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, theo ông Binu Jacob đó là Nestlé rất quan tâm tới việc có lối sống lành mạnh. Một vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà ở trên toàn thế giới hiện nay, là trẻ em ngày càng ít quan tâm tới các hoạt động thể chất, trẻ em bị hấp dẫn bởi điện thoại di động, các thiết bị cầm tay.
Nestlé cũng hỗ trợ rất nhiều việc đào tạo, tập huấn cho phụ nữ nông thôn. “Chúng tôi đã hỗ trợ chương trình đào tạo cho 1,7 triệu phụ nữ nông thôn để giúp họ cải thiện kiến thức, kỹ năng làm việc”, ông Binu Jacob chia sẻ.