Kinh tế địa phương

Bến Tre: Chợ Lách thu hút đầu tư từ tài nguyên bản địa

Trí Dũng 30/11/2024 09:30

Tỉnh Bến Tre đã triển khai xây dựng Làng văn hóa du lịch Chợ Lách nhằm đưa nơi đây trở thành một trung tâm du lịch mang tầm quốc gia.

Nhộn nhịp chăm sóc vườn hoa ở Chợ Lách
Nhộn nhịp chăm sóc vườn hoa ở Chợ Lách

Huyện Chợ Lách sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nông nghiệp... Từ những lợi thế sẵn có, tỉnh Bến Tre đã triển khai xây dựng Làng văn hóa du lịch Chợ Lách nhằm đưa nơi đây trở thành một trung tâm du lịch mang tầm quốc gia.

Chợ Lách tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường thu hút đầu tư, tập trung thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, nhằm khai thác tốt hơn nữa những lợi thế của địa phương.

Kiến tạo điểm đến du lịch đặc thù

Chợ Lách có 31 làng nghề truyền thống sản xuất cây giống, hoa kiểng với hàng nghìn hộ dân tham gia sản xuất. Mỗi năm, nơi đây cung cấp cho thị trường trên 17 triệu cây giống và 12 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại. Cái nôi của làng nghề là Vườn trái cây Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành đã được “Sách Kỷ lục Việt Nam” công nhận là nơi sản xuất giống cây ăn trái lớn nhất cả nước. Xã Vĩnh Thành có 12/12 ấp được công nhận làng nghề. Mỗi năm, cư dân địa phương cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu sản phẩm hoa kiểng. Các làng nghề cây giống, hoa kiểng đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng, là cơ sở cho việc phát triển Làng văn hóa du lịch Chợ Lách.

Bên cạnh tiềm năng về du lịch sinh thái, nông nghiệp, Chợ Lách còn là địa phương có sự phong phú về đời sống tôn giáo, tín ngưỡng cùng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo xưa. Có thể kể đến như chùa Kim Long, nhà thờ cổ Cái Mơn, nhà thờ Cái Nhum... Tất cả các yếu tố về thiên nhiên và con người, xã hội nơi đây đã tạo nên đặc trưng của văn hóa miệt vườn Chợ Lách.

Từ năm 2020, tỉnh Bến Tre đã ban hành Đề án Làng văn hóa du lịch Chợ Lách. Phạm vi triển khai đề án bước đầu được thực hiện ở 4 ấp: Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành), Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa), Lân Đông (xã Phú Sơn) và An Hòa (xã Long Thới) với tổng diện tích hơn 1.490ha, tổng mức đầu tư hơn 240 tỷ đồng.

Đến nay, huyện đã triển khai nhiều hạng mục như: đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng huyện lộ 34; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch và thu hút đầu tư.

Huyện cũng đã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch cho lãnh đạo và công chức văn hóa - xã hội UBND các xã, thị trấn; tập huấn về kỹ năng du lịch cho các hộ gia đình dự định kinh doanh dịch vụ du lịch của 4 xã của đề án; tổ chức các lớp nghề du lịch nông nghiệp, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, tập huấn kỹ năng thiết kế và xây dựng chương trình tour du lịch trải nghiệm cho các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch.

Đặc biệt, với việc ra mắt bộ nhận diện thương hiệu Làng Văn hóa-Du lịch Chợ Lách không chỉ phản ánh bản sắc văn hóa độc đáo mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp huyện giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa, lịch sử, con người và cảnh quan của Chợ Lách đến với bạn bè gần xa. Qua đó, sẽ thu hút nhiều hơn sự quan tâm, đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức và du khách, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện phát triển bền vững.

Hướng tới trung tâm cây giống, hoa kiểng Quốc gia

Hiện nay, trên địa bàn huyện Chợ Lách có khoảng 15 ngàn hộ trên tổng số 34 ngàn hộ dân của huyện tham gia sản xuất cây giống, hoa kiểng, đây là nguồn kinh tế chủ lực của người dân huyện Chợ Lách. Đặc biệt, người dân trong tỉnh cũng như Chợ Lách có tay nghề cao và kinh nghiệm lâu năm trong nghề sản xuất cây giống. Hầu như tất cả những cây công nghiệp và cây ăn trái chủ lực đều được người dân nhân giống thành công và bảo đảm cung ứng nhu cầu cho thị trường trong nước. Hiệu quả kinh tế bình quân của nghề sản xuất, kinh doanh cây giống cao gấp 10 lần so với trồng cây ăn trái trên cùng một đơn vị diện tích.

Năm 2024, trên địa bàn huyện công nhận thêm 18 cây đầu dòng và 159 vườn cây đầu dòng, nâng tổng số lên 164 cây đầu dòng, 852 vườn cây đầu dòng đã được chứng nhận, đảm bảo có trên 40 triệu bo ghép, mắt ghép cung cấp đủ lượng bo ghép mắt ghép cung cấp cho sản xuất giống chất lượng...

Mục tiêu tổng quát của nông nghiệp Chợ Lách là phát triển sản xuất giống cây trồng, hoa kiểng theo hướng công nghiệp nhằm cung cấp cho việc sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường; góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tổ chức lại sản xuất nghề cây giống, hoa kiểng huyện Chợ Lách để huyện Chợ Lách nói riêng và tỉnh nói chung trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh cây giống, hoa kiểng mang tầm quốc gia.

Ông Phạm Anh Linh, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cho biết, thực hiện Chương trình 10-CTr/TU của Tỉnh ủy về Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số DDCI, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Huyện cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho các sản phẩm tiềm năng; hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, làng nghề tham gia giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Phạm Anh Linh, huyện Chợ Lách đang tập trung đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đang triển khai trên địa bàn huyện, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; Đồng thời, tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư nhằm khai thác tốt hơn nữa những lợi thế của địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống người dân.

Trên địa bàn huyện Chợ Lách đang có 285 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả, đóng góp quan trọng và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trí Dũng