Kinh tế địa phương

Huy động mọi nguồn lực đưa Lào Cai phát triển bền vững

Thùy Linh thực hiện 01/12/2024 10:17

Tỉnh Lào Cai đang tâp trung triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.

trinh xuan truong2

Chia sẻ với DOANH NHÂN, ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai đang tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo ra các lợi thế so sánh; hoàn thiện kết cấu hạ tầng tạo đột phá phát triển, trọng tâm là hạ tầng giao thông…. tạo không gian và nguồn lực phát triển mới cho doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, mục tiêu hướng đến xây dựng, phát triển tỉnh Lào Cai trở thành một cực tăng trưởng và trung tâm kết nối các tỉnh phía tây nam Trung Quốc và các nước ASEAN.

- Thưa ông, Lào Cai đang tập trung triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với định hướng cốt lõi là hình thành 1 trục động lực, 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột phát triển kinh tế. Ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?

Theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Lào Cai định hướng phát triển 1 trục động lực, 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột phát triển kinh tế và 5 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, hình thành 1 trục kinh tế động lực dọc sông Hồng, trong đó phát triển trục đô thị: Thị trấn Bát Xát mở rộng, thành phố Lào Cai, thị trấn Tằng Loỏng, thị trấn Phố Lu mở rộng (bao gồm xã Sơn Hà và Sơn Hải), các đô thị mới Bảo Hà-Tân An, Trịnh Tường, Võ Lao.

Trục kinh tế động lực dọc sông Hồng có vai trò liên kết không gian phát triển hai cực phát triển, ba vùng kinh tế của tỉnh, kết nối liên tỉnh và kết nối cả nước với vùng tây nam Trung Quốc, trên ba nền tảng kết nối là hạ tầng kinh tế-xã hội, văn hóa lịch sử và doanh nghiệp.

Hai cực phát triển là: Cực phía bắc gồm thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và một phần huyện Bảo Thắng. Tại đây, tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, là khu vực kết nối trực tiếp với vùng Tây Nam Trung Quốc. Cực phía nam gồm huyện Bảo Yên, huyện Văn Bàn. Tại đây, phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, nông-lâm nghiệp, là khu vực kết nối tỉnh với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ với khu vực ASEAN.

Trao biên bản ghi nhớ đầu tư tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư và Du lịch tố chức ở Nhật Bản với chủ đề Lào Cai - điểm đến thành công năm 2024.
Trao biên bản ghi nhớ đầu tư tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư và Du lịch tố chức ở Nhật Bản với chủ đề Lào Cai - điểm đến thành công năm 2024.

Ba vùng kinh tế là: Vùng thấp gồm các huyện Văn Bàn, Bảo Yên; vùng cao gồm các huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương và thị xã Sa Pa, phần phía Tây huyện Bát Xát; vùng trung tâm gồm thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, phần hạ huyện Bát Xát theo dọc sông Hồng.

Bốn trụ cột phát triển kinh tế là: Phát triển kinh tế cửa khẩu, dịch vụ; công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch và kinh tế nông-lâm nghiệp-thủy sản. Đây là những ngành có phạm vi ảnh hưởng lớn, giải quyết nhiều lao động, là những ngành có nền tảng phát triển dựa trên tiềm năng vốn có của tỉnh, có điều kiện phát triển bền vững và dài hạn, được hoạch định để trở thành những ngành trụ cột của nền kinh tế tỉnh trong thời kỳ 2021-2030.

Hiện nay, Lào Cai đang tâp trung triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, bảo đảm tính tuân thủ, tính kế thừa các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt; bảo đảm tính liên kết, thống nhất, không chồng lấn, mâu thuẫn giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án.

Đặc biệt, tỉnh sẽ huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong đó chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp…

- Một trong những giải pháp trọng tâm đặt ra trong triển khai thực hiện Quy hoạch, đó là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư phá triển. Ông có thể cho biết, đâu là điểm đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh?

Đề thu hút đầu tư phát triển, thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân là 10% trong thời kỳ 2021 - 2030, tỉnh Lào Cai dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 774.000 tỷ đồng, từ nguồn lực đầu tư công, nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước và nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Để thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm, Lào Cai tiếp tục nghiên cứu, triển khai chương trình hỗ trợ nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân, trong đó hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư tiềm năng, mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương. Tăng cường và tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và các cấp chính quyền, để lắng nghe những đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tháo gỡ một cách nhanh nhất các vướng mắc của doanh nghiệp trong đầu tư dự án, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong công tác thẩm định, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội và tiến hành đầu tư tại tỉnh; rà soát, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án triển khai chậm, kém hiệu quả.

Lào Cai cũng nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn. Tiếp tục kêu gọi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm sản, trồng rừng kinh tế, phát triển du lịch, lắp ráp ô tô,...

- Thưa ông, hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh, qua đó góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vấn đề này được Lào Cai triển khai ra sao?

Với vị trí là trung tâm kết nối dọc của hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kết nối ngang Đông - Tây giữa các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, Lào Cai đã và đang phát huy tốt vai trò “cầu nối” kinh tế, văn hóa, mở ra không gian phát triển rộng lớn và đầy tiềm năng cho vùng và cả nước.

Tỉnh có mạng lưới giao thông thuận lợi, đa dạng, các tuyến Quốc lộ phân bố rộng khắp (QL 70, 4D, 4E, 279); cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài nhất cả nước liên kết vùng với vùng Thủ đô; tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh đã có phương án nâng cấp lên khổ lồng 1,435m; tuyến đường thủy trên sông Hồng từng bước phát huy hiệu quả. Đặc biệt, Cảng Hàng không Sa Pa quy mô 4C đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ đưa Lào Cai có đầy đủ 04 loại hình giao thông kết nối trực tiếp với thị trường trong nước và Quốc tế; mở ra thời kỳ mới, cơ hội mới để Lào Cai và các tỉnh trong vùng phát triển.

Hiện nay, Lào Cai tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, kết nối thuận tiện, nhanh chóng với các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; Xây dựng các tuyến đường tránh đô thị, các tuyến đường kết nối đô thị, khu du lịch với các trục giao thông, đầu mối giao thông lớn;…Việc phát triển giao thông đô thị phù hợp theo quy hoạch phát triển hạ tầng và không gian đô thị, đặc biệt ưu tiên các khu vực như: Thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bắc Hà...

TP Lao Cai

- Để tiếp tục nâng cao lợi thế cạnh tranh, Lào Cai đã có những bước chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Hiện, tỉnh đang tập trung đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điện, nước, đô thị, xử lý chất thải, công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng bình đẳng với chi phí hợp lý.

Tỉnh cũng chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn như các trục giao thông chính tại các đô thị, trục giao thông kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với các vùng kinh tế động lực và các tuyến đường kết nối đến Cảng Hàng không Sa Pa… Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng trung tâm logistics, hạ tầng công lạnh, đảm bảo lưu trữ và luân chuyển cho mặt hàng nông, thủy sản. Xây dựng danh mục ngành, chế biến chế tạo ưu tiên phát triển tại Lào Cai.

Tỉnh cũng đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội. Tỉnh cũng ưu tiên, cho phép hưởng các ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành có liên quan, nhất là các ưu đãi về: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất – nhập khẩu, tiền thuê đất, thuê mặt nước… Tỉnh cũng nghiên cứu, ban hành các đề án, chính sách phát triển các ngành kinh tế, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển đi kèm với các chính sách ưu đãi đầu tư để tạo cơ hội, động lực cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư, tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Với phương châm “doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”, tỉnh Lào Cai luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, đồng thời cam kết đồng hành, coi sự thành công của doanh nghiệp là thành công của mình.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Lào Cai có vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng, đóng vai trò trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và miền Tây Nam, Trung Quốc.

Thùy Linh thực hiện