Kinh tế địa phương

Lào Cai: Trung tâm kết nối giao thương khu vực

Phương Anh 01/12/2024 2:38

Tỉnh Lào Cai đã xác định kinh tế cửa khẩu là 1 trong 4 trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, bên cạnh công nghiệp chế biến, du lịch và nông nghiệp.

img_9877.jpg
Đoàn Công tác VCCI và lãnh đạo tỉnh Lào Cai thị sát quy hoạch mở rộng Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành

Lào Cai cũng tích cực, đẩy nhanh triển khai các quy hoạch trong khu kinh tế cửa khẩu, tạo quỹ đất mới và tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được định hướng trở thành một trung tâm logistics lớn và quan trọng của cả nước.

Khu kinh tế cửa khẩu đa ngành

Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1627 ngày 23/11/2018 với tổng diện tích 15.929,8 ha, thuộc địa giới hành chính của thành phố Lào Cai và 4 huyện: Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai.

Khu Kinh tế cửa khẩu hiện có 21 khu chức năng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 2.132 ha, trong đó khu Kim Thành - Bản Vược thuộc khu vực trọng tâm phát triển của Khu Kinh tế cửa khẩu, tổng diện tích nằm trong Khu Kinh tế cửa khẩu là 2.500 ha, kéo dài từ khu cửa khẩu Kim Thành đến khu cửa khẩu phụ Bản Vược (chiều dài khoảng 12 km).

Trong khu Kim Thành - Bản Vược có 6 khu chức năng chính đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, gồm: Khu cửa khẩu Kim Thành 194 ha; khu logistics 332 ha; khu sân golf - vui chơi giải trí huyện Bát Xát 308,8 ha; khu cửa khẩu phụ Bản Vược (343 ha); khu công nghiệp gia công chế biến và xuất - nhập khẩu hàng hóa 228 ha; khu tổ hợp công viên, cảnh quan, văn hóa, tâm linh 66,8 ha. Ngoài ra còn 3 khu chức năng đang lập quy hoạch chi tiết, gồm: Khu thương mại, công nghiệp - dịch vụ Bản Qua 204 ha; khu thương mại - công nghiệp phức hợp Quang Kim 280 ha; khu thương mại - công nghiệp Kim Thành về phía Tây Nam 52 ha.

Với tính chất là khu kinh tế cửa khẩu đa ngành, điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Lào Cai và các tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ; là một trong những trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và vùng Tây Nam - Trung Quốc, tỉnh Lào Cai đã và đang tập trung thu hút mọi nguồn lực đẩy nhanh triển khai các quy hoạch trong khu kinh tế cửa khẩu, tạo quỹ đất mới và tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh đã xác định kinh tế cửa khẩu luôn là 1 trong 4 trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, bên cạnh công nghiệp chế biến, du lịch và nông nghiệp. Tỉnh đang tập trung thu hút các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, logistics hiện đại, thu hút những nhà đầu tư có tiềm năng, kinh nghiệm về khai thác, quản lý, vận hành logistics để dần đưa Lào Cai trở thành Trung tâm Logistics trong chuỗi logistics hàng hóa trong cả nước, góp phần xây dựng khu kinh tế cửa khẩu hiện đại, chuyên nghiệp, đẳng cấp và tạo niềm tin cho nhà đầu tư...

20240112_092145.jpg

Hình thành Trung tâm Logistics

Ngày 26/8/2021, tỉnh Lào Cai đã ban hành “Ðề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Ðề án đã phân tích rõ các điều kiện thuận lợi, khó khăn trong phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn, từ đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển dịch vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, sẽ đầu tư xây dựng trung tâm logistics Kim Thành-Bản Vược tại huyện Bát Xát, trong phạm vi Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Ðây là khu vực kết nối với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, các cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cảng cạn, các khu công nghiệp, các cặp cửa khẩu quốc tế,...

Phạm vi hoạt động của trung tâm này chủ yếu tại các tỉnh trung du miền núi phía bắc như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang,...; kết nối với các cảng cạn, cảng biển của Hải Phòng, Quảng Ninh, cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp và các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang). Tỉnh đang tích cực lựa chọn các nhà đầu tư phù hợp, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh để tham gia đầu tư, vận hành trung tâm logistics này.

Để thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, dự kiến đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế cửa khẩu thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2030 khoảng 3.986 tỷ đồng. Do đó, việc đa dạng hóa hình thức đầu tư, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư là rất cần thiết, trên cơ sở đó kết hợp lồng ghép giữa các nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả thu hút đầu tư và sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Theo Văn bản số 1804 ngày 18/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu được chọn để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Vương Trinh Quốc cho biết, cùng với việc được ưu tiên đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, Khu Kinh tế cửa khẩu sẽ lựa chọn và tạo điều kiện thuận lợi những nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư hạ tầng các khu chức năng để thực sự hình thành một trung tâm logistics xứng tầm khu vực.

Phương Anh