PCI Bà Rịa – Vũng Tàu: Cải cách không điểm dừng
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Năm 2023, Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ 6 về chỉ số PCI (dẫn đầu khu vực Đông Nam bộ); lọt top 10 tỉnh, thành về chỉ số PGI. Đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố và dẫn đầu các tỉnh Đông Nam bộ về chỉ số PAPI (so với năm 2022 tăng 25 bậc); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) xếp thứ xếp thứ 8 (88,64%), tăng 10 bậc so với năm 2022. Cả 2 chỉ số kể trên của tỉnh đều dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Bộ. Đây là động lực để tỉnh tiếp tục đổi mới trong công tác cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
“Truyền lửa” cạnh tranh, thúc đẩy cải cách
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh không ngừng nâng cao chỉ số CCHC, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Năm 2024 tỉnh đã ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo điều hành, tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng CCHC, cải thiện các Chỉ số CCHC của tỉnh; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; Duy trì thường xuyên họp Ban chỉ đạo CCHC để đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện nhiệm vụ và phương hướng thực hiện đảm bảo hoàn thành mục tiêu Kế hoạch đã đề ra; tuyên truyền CCHC để người dân, doanh nghiệp cùng đồng hành chung tay thực hiện CCHC.
Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như qua kênh thông tin đường dây nóng, đối thoại người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ và thành lập tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh.
Tính đến ngày 14/9/2024, Tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh đã xử lý dứt điểm 38 kiến nghị, đang tiếp tục xử lý 22 kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đó góp phần tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao chỉ số hài lòng người dân, doanh nghiệp. Và đặc biệt là nâng cao các chỉ số thành phần về CCHC, trong đó chỉ số PCI là yếu tố quan trọng thu hút nhà đầu tư về trên địa bàn tỉnh, thông qua cải cách không điểm dừng.
Kể từ 07 giờ 00 ngày 15/11/2024, tất cả các cơ quan, đơn vị, CBCC, VC, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt đầu chính thức sử dụng ứng dụng (app) Dịch vụ công tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu “DVC Bà Rịa – Vũng Tàu” trên hệ điều hành iOS và Android nhằm hướng dẫn người dân, doanh nghiệp các TTHC; các dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình của tỉnh; quy trình nộp hồ sơ trực
tuyến; tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ thông qua mã hồ sơ hoặc QR code, tra cứu hồ sơ phi địa giới hành chính; thanh toán trực tuyến; hỏi đáp; phản ánh kiến nghị…
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh: "những điểm chưa tốt phải làm cho tốt. Tốt rồi không có nghĩa dừng lại mà phải tiếp tục nỗ lực làm tốt hơn nữa. Quan điểm của tỉnh là không ngừng cải cách hướng đến sự hài lòng của người dân, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường".
Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đánh giá cao trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hệ thống thiết chế pháp lý tạo được niềm tin cho doanh nghiệp.
Gần dân, hiểu dân và phục vụ dân
Nhằm nâng cao hiệu quả trong cải cách hành chính (CCHC), nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động đề ra các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Đặc biệt, chủ trương của lãnh đạo tỉnh là gần dân, hiểu dân để phục vụ dân.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Tấn Phong, để kịp thời tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, tỉnh đã hình thành, vận hành đường dây nóng "lãnh đạo tỉnh". Các kiến nghị của người dân được tiếp nhận sẽ chuyển đến các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết kịp thời.
Tỉnh còn thiết lập đường dây nóng CCHC tiếp nhận những kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về những vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Các sở, ngành, địa phương của tỉnh đều công bố số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để kịp thời tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết.
Việc triển khai mô hình hẹn giờ hướng dẫn kê khai, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC tại nhà nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, đổi mới phương thức phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trong việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích cho tổ chức, cá nhân; tiết kiệm chi phí, thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện TTHC và giảm áp lực cho Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh BR-VT chia sẻ, công tác cải cách TTHC tại tất cả các cơ quan, đơn vị được kiểm soát đúng quy trình, quy định, nhất là việc vận hành cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại trên nền tảng ứng dụng CNTT, giúp cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng đầu cả nước trong tiêu chí đánh giá về cải cách TTHC.
Thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương; Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn kịp thời, đầy đủ làm cơ sở pháp lý để các sở, ngành, địa phương thực hiện.
Ban hành các Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp duy trì và nâng cao các chỉ số liên quan đến CCHC của tỉnh. Tổ chức thực hiện các khâu đột phá về CCHC, chuyển đổi số, Đề án 06 để đảm bảo hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về CCHC, chuyển đổi số, Đề án 06 đề ra. Triển khai, áp dụng nhân rộng các mô hình sáng kiến, giải pháp, cách làm hay hướng dẫn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giải quyết hồ sơ TTHC, tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tương tác với chính quyền các cấp. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức kịp thời việc thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm TTHC thuộc lĩnh vực Tư pháp; triển khai các quy trình để thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Cung ứng 100% dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC. Tổ công nghệ số cộng đồng được kiện toàn để hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Cụ thể, tỉnh đã triển khai Kế hoạch khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước về cung ứng dịch vụ công năm 2024 trên địa bàn tỉnh với hơn 12.800 phiếu khảo sát; Kế hoạch khảo sát sự hài lòng của người bệnh nội trú năm 2024; Kế hoạch điều tra, khảo sát “Đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công” trên địa bàn tỉnh năm 2024;
Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác CCHC tại thành phố Hải Phòng, tỉnh Bắc Giang, qua đó chỉ đạo triển khai nhân rộng các mô hình sáng kiến, giải pháp, cách làm hay trong thực hiện các nội dung CCHC trên địa bàn tỉnh.
Ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện 04 khâu đột phá trong CCHC, chuyển đổi số, Đề án 06 trên địa bàn tỉnh năm 2024;
Duy trì việc thực hiện đánh giá tiến độ, kết quả tình hình thực hiện công tác CCHC của tỉnh trong cuộc họp thường kỳ hàng tháng của UBND tỉnh với lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện. Chỉ đạo gắn công tác thi đua, khen thưởng hàng năm với kết quả thực hiện công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bên cạnh kiểm tra CCHC theo kế hoạch, UBND tỉnh còn thường xuyên kiểm soát việc giải quyết hồ sơ TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương qua hệ thống thông tin giải quyết TTHC tập trung cấp tỉnh được kết nối với IOC hiển thị tại các màn hình đặt tại UBND tỉnh và điện thoại thông minh của lãnh đạo UBND tỉnh. Thông tin về kết quả giải quyết hồ sơ TTHC của các cơ quan, đơn vị được cập nhật hàng ngày trên hệ thống, khi có cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn cao, lãnh đạo UBND tỉnh có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh hoặc chỉ đạo kiểm tra, thanh tra công vụ về công tác giải quyết hồ sơ TTHC của cơ quan, đơn vị tìm hiểu nguyên nhân, lý do từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Cung ứng 100% dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC. Tổ công nghệ số cộng đồng được kiện toàn để hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ông Phong chia sẻ.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ công chức viên chức đã từng bước đáp ứng yêu cầu của nền hành chính hiện đại, năng động. "Công tác hiện đại hóa nền hành chính có nhiều điểm được cải thiện. Các giải pháp, mô hình khuyến khích thực hiện dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích được áp dụng trên địa bàn đã được người dân, tổ chức tin tưởng và lựa chọn khi có nhu cầu thực hiện TTHC".
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo việc thực hiện đồng bộ các nội dung CCHC, tiếp tục nghiên cứu, tìm ra các mô hình, sáng kiến hoặc giải pháp mới để áp dụng trên địa bàn tỉnh, thực hiện các giải pháp phục vụ người dân, DN tốt hơn nữa, tạo điều kiện để người dân, DN có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, nhiều lựa chọn trong giải quyết TTHC. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.