Phân tích - Bình luận

Đầu tư tư nhân quan trọng thế nào với y tế Đông Nam Á?

Cẩm Anh 30/11/2024 11:08

Trên khắp Đông Nam Á, việc tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ góp phần giảm áp lực cho các hệ thống y tế công cộng.

untitled.jpg
Các hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng của khu vực Đông Nam Á đang phải chịu áp lực nặng nề. Ảnh: SCMP

Trong nhiều thập kỷ qua, chăm sóc sức khỏe toàn dân đã là một nền tảng quan trọng ở Đông Nam Á, chủ yếu được tài trợ thông qua các khoản đóng góp vào quỹ an sinh xã hội.

Chương trình “chăm sóc sức khỏe 30 baht” của Thái Lan, được triển khai vào năm 2002, hứa hẹn mang đến khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giá cả phải chăng, cung cấp dịch vụ chăm sóc tại bệnh viện cho những công dân nghèo nhất với mức giá dưới 1 đô la Mỹ cho mỗi lần khám. Đây được xem là một thành tựu lịch sử vào thời điểm đó. Nhưng khi nhu cầu tăng cao, chính phủ Thái Lan đang chịu áp lực ngày càng lớn để duy trì sáng kiến ​​này trong dài hạn.

Trong khi đó tại Indonesia, nơi có dân số đông nhất trong khu vực nhưng lại có ít bác sĩ nhất tính trên đầu người, đã triển khai bảo hiểm y tế quốc gia vào năm 2014. Philippines đã ban hành luật chăm sóc sức khỏe toàn dân 5 năm sau đó. Tuy nhiên, hàng chục triệu người ở cả hai quốc gia này vẫn phải vật lộn để đóng góp vào an sinh xã hội, đẩy ngân sách chăm sóc sức khỏe vào tình trạng bấp bênh.

Tại Singapore, chi tiêu cho y tế dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi trong năm nay so với một thập kỷ trước, do tác động của việc già hóa dân số nhanh chóng. Trong khi đó, Malaysia vẫn duy trì mức phí danh nghĩa là một ringgit (23 xu Mỹ) cho mỗi lần khám tại bệnh viện công, nhưng kế hoạch áp dụng kiểm tra khả năng chi trả có thể sớm dẫn đến việc tăng chi phí với những người có thu nhập cao hơn.

Những bệnh nhân giàu có hơn có thể lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân hoặc trả tiền để được khám trước tại các bệnh viện công đã làm dấy lên nỗi lo về tình trạng tư nhân hóa đang lan rộng khi các cơ sở nhà nước quá tải và thiếu vốn để duy trì hoạt động.

Trên khắp Đông Nam Á, các bộ y tế đang cảnh báo nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong tương lai trước những thách thức ngày càng gia tăng. Và khu vực tư nhân đang sẵn sàng tận dụng cơ hội vàng này.

Theo một báo cáo gần đây của nhà cung cấp dịch vụ DKSH Healthcare và các nhà phân tích thị trường FrontierView, vốn tài trợ cho chăm sóc sức khỏe trong khu vực dự kiến ​​sẽ tăng 68% trong 5 năm tới, một con số được cho là vượt xa hầu hết các thị trường phát triển và đang phát triển khác.

y-te-cong-cong-dong-nam-a-_151731418190.jpg
Những hạn chế về ngân sách và nhân lực trong khi số lượng bệnh nhân tăng đang gây áp lực lớn cho hệ thống y tế công cộng Đông Nam Á - Ảnh minh hoạ: Shutterstock

Trong hơn một thập kỷ qua, IHH Healthcare của Malaysia đã xây dựng mạng lưới bệnh viện trên khắp châu Á thông qua các thương vụ mua lại, trở thành một trong những tập đoàn bệnh viện tư nhân lớn nhất khu vực với hơn 80 bệnh viện tại 10 quốc gia, bao gồm Ấn Độ và Singapore.

Trong thương vụ mua lại mới nhất được công bố vào đầu tháng này, công ty đã thể hiện tham vọng thu hút nhiều bệnh nhân nước ngoài hơn đến quê nhà Malaysia bằng cách chi hơn 900 triệu USD cho một bệnh viện lớn tại điểm nóng du lịch y tế của quốc gia này, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Island Hospital tiếp nhận khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân nước ngoài đến Malaysia, IHH cho biết. Năm 2023, bệnh viện đã công bố doanh thu tăng 50% lên 574 triệu ringgit, trong khi lợi nhuận ròng tăng vọt 154% lên 73 triệu ringgit, theo CIMB Securities của Malaysia.

Theo Tổng thư ký Văn phòng An ninh y tế quốc gia Thái Lan (NHSO) Jadej Thammatacharae: “Chúng ta cần cải tổ chiến lược và cách tiếp cận, giúp chăm sóc sức khỏe ban đầu trở nên chủ động hơn, có sự tham gia từ nhiều phía và lấy cộng đồng làm trung tâm".

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy việc áp dụng những thành tựu công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo vào việc khám chữa bệnh, giúp giảm thiểu chi phí.

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho rằng, trí tuệ nhân tạo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế chi phí: thông qua việc sử dụng robot chẩn đoán, các rủi ro về sức khỏe sẽ được xác định sớm hơn, quá trình kê đơn thuốc nhanh hơn và bệnh nhân được hướng dẫn lối sống lành mạnh hơn.

Đồng quan điểm, ông Lance Little, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Roche Diagnostics (Thụy Sĩ) cho rằng: “Bằng cách tăng đầu tư vào các hệ thống y tế tích hợp và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, các quốc gia Đông Nam Á có thể tăng năng suất của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tư nhân, đồng thời giảm tải cho hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

Cẩm Anh