Tăng cường phòng chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng
Ngày càng nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên không gian mạng, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định đã tăng cường quản lý, đấu tranh phòng chống tội phạm này.
Ngày càng gia tăng
Thời gian qua, tình hình tội phạm trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ để lừa đảo đã và đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và trật tự an toàn xã hội. Tuy lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc, thế nhưng lừa đảo qua mạng vẫn xảy ra với muôn hình vạn trạng, nhiều người vẫn bị sập bẫy lừa đảo về những hình thức cũ và cũng liên tục xuất hiện những phương thức, thủ đoạn mới, đòi hỏi người dân phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác.
Theo thống kê, hiện có tới hơn 70% người dân đang sử dụng Internet, mạng xã hội và tỷ lệ này sẽ ngày càng tăng. Không những thế, không gian mạng là không biên giới. Đây là môi trường thuận lợi cho các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Các cuộc lừa đảo tấn công mạng có thể đến từ bất kỳ đâu, từ bất kỳ ai với các phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi; hình thức lừa đảo của các đối tượng ngày càng “hoàn hảo” do ứng dụng các công nghệ mới.
Theo Sở Thông tin & Truyền thông Nam Định: Các cuộc lừa đảo tấn công mạng có thể đến từ bất kỳ đâu, từ bất kỳ ai với các phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hình thức lừa đảo của các đối tượng ngày càng “hoàn hảo” do ứng dụng các công nghệ mới. Đối tượng giả danh là cán bộ làm trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (như: cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, giáo viên, nhân viên nhà mạng, bưu điện, điện lực, y tế, chuyển phát nhanh, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, lãnh đạo công ty nơi bị hại làm việc...) sử dụng nhiều kịch bản khác nhau để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý, các đối tượng thường sử dụng các phần mềm công nghệ (như: VoIP, GoIP...) có chức giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi điện cho bị hại để lừa đảo.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo nhắn tin SMS, thiết lập trạm BTS viễn thông giả mạo để phát tán tin nhắn thương hiệu (SMS Brand-named) của các ngân hàng, nhãn hàng lớn. Đặc biệt, bên trong tin nhắn chứa các đường link giả mạo để đánh cắp thông tin, tài khoản ngân hàng sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Thông qua việc chiếm quyền điều khiển (hack) hoặc giả mạo tài khoản mạng xã hội (như: zalo, facebook, messenger, telegram, instagram, tiktok...).
Một phần người dân cũng dễ hay bị lừa là hoạt động tuyển dụng việc làm online, tuyển cộng tác viên bán hàng online, làm nhiệm vụ kiếm tiền để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thông qua việc mua, bán hàng online, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn (như: rao bán đồ giả rẻ, chiếm tiền đặt cọc: giao sản phẩm giả, nhái có giá trị thấp, không đúng như quảng cáo; tạo lòng tin, sau đó đặt hàng với số lượng lớn rồi chiếm đoạt, thông qua tuyển cộng tác viên bán hàng...) để lừa đảo chiếm đoạt tiền, hàng hóa của người mua hàng và người bán hàng. Thêm nữa là hoạt động cho vay tiền online, chuyển nhầm tiền vào tài khoản để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hoạt động kêu gọi làm từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thủ đoạn bẫy tình, tặng quà có giá trị để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Ngoài phương thức, thủ đoạn yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng được chỉ định để chiếm đoạt, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn mới là chiếm đoạt quyền truy cập, quản lý và sử dụng tài khoản internet banking của bị hại thông qua các hình thức: Lừa đảo bị hại cung cấp thông tin tài khoản, mã OTP; lừa đảo bị hại truy cập vào các trang web giả mạo để đăng nhập tài khoản internet banking; lừa đảo cài đặt phần mềm, ứng dụng giả mạo có chức năng truy cập, theo dõi điện thoại, tin nhắn để lấy cắp tài khoản internet banking, mã OTP...
Sau đó, đối tượng sử dụng các tài khoản trên chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng khác nhau để chiếm đoạt. Quá trình hoạt động phạm tội, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường xuyên thay đổi thông tin điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, sử dụng tài khoản ảo, sử dụng địa bàn tại nước ngoài hoặc thay đổi địa bàn hoạt động, nơi cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.
Tăng cường quản lý
Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT): Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, giám sát không gian mạng, thời gian tới, Sở sẽ tích cực triển khai nhiều biện pháp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để đấu tranh với loại hình tội phạm này.
Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các hành vi, phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng và các kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, từ đó cảnh giác hơn trong việc thực hiện các giao dịch, hoạt động trên không không gian mạng.
Sở đã trực tiếp đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Nam Định, chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh Nam Định 6 nội dung về phòng chống lừa đảo trên mạng, như Sổ tay “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”.
Hướng dẫn về “Nhận diện và phòng tránh lừa đảo trực tuyến”. Đăng tải trên kênh Youtube, Facebook của Sở 09 video về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Bên cạnh đó, Sở đã phát động và được trên 300 tổ chức, cá nhân hưởng ứng tuyên truyền video nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến trên các trang mạng xã hội… đạt trên 398 nghìn lượt xem và chia sẻ. Tháng 7 năm 2024, Sở đã xây dựng và xuất bản 20 nghìn tờ gấp “Nhận diện và phòng tránh lừa đảo trên môi trường mạng và điện thoại” phát tới các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin, lừa đảo trên không gian mạng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Nội dung tuyên truyền về an toàn thông tin, lừa đảo trên không gian mạng được lồng ghép trong các hội nghị chuyển đổi số các ngành, địa phương với tổng cộng 81 hội nghị; 22 video clip do Cục An toàn thông tin sản xuất được 297 lượt cơ quan, tổ chức tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, tiếp cận được trên 1,1 triệu người xem. Điều này đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần nâng cao năng lực của tỉnh về bảo đảm an toàn thông tin, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng; phát huy vai trò tiên phong, nêu gương của người đảng viên; các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang gương mẫu nêu cao tinh thần cảnh giác, chấp hành pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Để góp phần xây dựng, triển khai hiệu quả công tác quản lý, đấu tranh trong phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Sở TTTT Nam Định sẽ tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra thông tin thuê bao, xử lý triệt để sim không chính chủ, sim rác để ngăn chặn lừa đảo thông qua mạng viễn thông.
Tiếp tục triển khai các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho người dân trong đó có phổ biến kiến thức về an toàn thông tin mạng và phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân ở khu vực nông thôn. Phối hợp với Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nam Định triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện tội phạm lừa đảo lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Trong thời đại số hóa, việc quản lý, đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. Cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về các nguy cơ trên không gian mạng, đồng thời phát triển các biện pháp bảo mật tiên tiến và hoàn thiện hệ thống pháp lý để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng là yếu tố then chốt để tạo nên một môi trường mạng an toàn, bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân của người dân, qua đó ổn định tình hình an ninh quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững.