Quảng Trị: Phát triển các khu công nghiệp “xanh” hướng tới Net Zero
Thời gian qua, Quảng Trị đã sớm triển khai nhiều giải pháp phát triển công nghiệp ít phát thải gắn với bảo vệ môi trường để hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững.
Cùng với cả nước, tỉnh Quảng Trị đang triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, trong đó vạch ra tầm nhìn, mục tiêu và biện pháp giảm thiểu trong các lĩnh vực then chốt, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – “Net Zero”. Là địa phương nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, Quảng Trị đặt mục tiêu ưu tiên phát triển ngành công nghiệp theo định hướng hướng công nghiệp xanh với các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái hiện đại.
Đổi mới tư duy thu hút đầu tư
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, trong xu hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường toàn cầu, tỉnh Quảng Trị đã xác định rõ định hướng phát triển công nghiệp xanh là một trong những trọng tâm chiến lược. Đây không chỉ là lựa chọn mang tính cấp bách để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, mà còn là cơ hội để tỉnh tạo ra giá trị kinh tế lâu dài và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn tỉnh hiện có 02 Khu kinh tế (KKT) và 03 Khu Công nghiệp (KCN) nằm trong quy hoạch phát triển các KKT, KCN ở Việt Nam, bao gồm: Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, là mô hình KKT cửa khẩu đầu tiên được thành lập tại tỉnh (năm 1998), KKT Đông Nam Quảng Trị, là khu kinh tế ven biển được thành lập năm 2015 để tạo động lực phát triển của địa phương và khu vực miền Trung; KCN Nam Đông Hà, KCN Quán Ngang, KCN Tây Bắc Hồ Xá và 17 cụm công nghiệp.
Ngày 06/9/2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định 2019/QĐ-UBND về kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch được ban hành với mục tiêu giúp Quảng Trị chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu, đóng góp tích cực vào mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Việt Nam.
Tháng 11/2021, tại hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết Việt Nam cùng 150 quốc gia trên thế giới, sẽ đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Do đó, phát triển các KCN xanh chính là hành động để hướng đến mục tiêu Net-zero Carbon thông qua các hoạt động nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tiêu thụ năng lượng và phát triển các không gian xanh của KCN. |
Để đạt được, tỉnh luôn khuyến khích các dự án đầu tư mới và các dự án đã đầu tư chuyển đổi, áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ ít phát thải khí nhà kính và tham gia vào các cơ chế, phương thức hợp tác về giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và với điều kiện, hoạt động của mình.
Cùng với đó, tỉnh hướng tới khai thác hợp lý, hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng, đất bãi bồi ven sông, ven biển cho phát triển rừng, phát triển cây xanh ở đô thị và khu công nghiệp. Tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển đô thị, khu công nghiệp theo mô hình tuần hoàn, bảo đảm quỹ đất cho phát triển các khu xử lý, tái chế chất thải liên vùng, liên tỉnh.
Đối với lĩnh vực các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp, Quảng Trị đưa ra giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn để tiết kiệm hóa chất, năng lượng, nước sạch và giảm thiểu chất thải cho tất cả các ngành sản xuất công nghiệp; ưu tiên giảm phát thải khí nhà kính trong ngành thép và xi măng. Thực hiện các giải pháp tận dụng tro bay, nghiền xỉ lò thổi, nghiền Puzzolana và nghiền đá vôi thay thế, giảm tỷ lệ clinker trong sản xuất xi măng. Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng, thay than đá bằng khí tự nhiên trong sản xuất gạch ốp lát, sử dụng vật liệu thay thế trong sản xuất kính. Giảm dần sử dụng các môi chất lanh Hydro - cloro - fluoro - carbon (HCFC) và Hydro - fluoro - carbon (HFC) trong chuỗi lạnh, hệ thống lạnh và điều hòa không khí; nâng cao hiệu quả làm lạnh, giảm nhu cầu làm mát và tiêu hao môi chất lạnh thông qua các giải pháp thiết kế và làm mát thụ động.
Tỉnh cũng tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với các mục tiêu Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 tương thích với điều kiện thực tiễn của địa phương; khuyến khích các ngành công nghiệp công nghệ cao, sử dụng năng lượng ít phát thải các - bon.
Nâng cao chỉ số Xanh cấp tỉnh – PGI
Theo đánh giá của VCCI thì Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 của tỉnh Quảng Trị đạt 19,08 điểm. So với kết quả khảo sát năm 2022, Quảng Trị tăng 5,59 điểm.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết, trong bối cảnh phát triển bền vững và tăng cường bảo vệ môi trường, tỉnh Quảng Trị đã xác định việc nâng cao Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) là một nhiệm vụ chiến lược. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số thành phần, đồng thời thúc đẩy sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Quảng Trị tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các công nghệ sản xuất sạch và giảm khí thải. Tỉnh cũng đặt mục tiêu cải thiện đáng kể điểm số thành phần liên quan trong năm 2024. Các sáng kiến như áp dụng công nghệ tái chế và năng lượng tái tạo đã được triển khai, đặc biệt tại khu vực miền núi và các khu kinh tế trọng điểm.
Chính quyền tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường. Các biện pháp bao gồm hỗ trợ tài chính, chia sẻ thông tin và chuyển giao công nghệ xanh. Mục tiêu của tỉnh là tăng điểm số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực thúc đẩy vai trò điều hành và phối hợp trong thực thi các chương trình bảo vệ môi trường. Chính quyền địa phương cũng chủ động đưa ra các sáng kiến liên quan đến quản lý tài nguyên và kiểm soát ô nhiễm, với kỳ vọng tăng điểm số thành phần.
Quảng Trị cam kết đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh tích cực ứng dụng công nghệ số để quản lý môi trường hiệu quả và nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động giám sát.
Những nỗ lực của Quảng Trị trong việc cải thiện chỉ số PGI không chỉ góp phần xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, mà còn hướng tới phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với chiến lược rõ ràng và quyết tâm cao, Quảng Trị hứa hẹn sẽ đạt được những bước tiến đáng kể trong việc hiện thực hóa mục tiêu xanh hóa kinh tế địa phương.
Các giải pháp đồng bộ này minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Quảng Trị trong việc xây dựng một mô hình phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường.