Kinh tế địa phương

Bà Rịa – Vũng Tàu: Đột phá trong phát triển giao thông và logistics

Kim Dung - Vũ Phường 30/11/2024 16:07

Với vị trí địa lý thuận lợi và cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang hướng tới mục tiêu trở thành đầu mối trung tâm dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Ria – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, với các điều kiện thuận lợi, ngành logistics đã được xác định là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm logistics lớn, là đầu mối của vùng Đông Nam Bộ.

z6083584681680_5d564b7af3be102d363214faed7ef72e.jpg
Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hội tụ đủ tiềm năng để đưa logictics thành trụ cột kinh tế của tỉnh. Trong ảnh: Thi công cầu Phước An

Ông Thọ cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển hạ tầng giao thông kết nối. Để phát triển xứng với vai trò là cửa ngõ kết nối kinh tế vùng Đông Nam Bộ với cả nước, và là cửa ngõ giao thương quốc tế thông qua đường biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề ra các phương án phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối.

Quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ, theo phương án tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ đa phương thức, bao gồm: đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không. Hệ thống giao thống này sẽ kết nối với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả nhằm phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả trong hoạt động giao nhận vận tải. Điều này sẽ tăng thêm sức hút đầu tư, là động lực thúc đẩy kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển.

Về đường bộ, tỉnh tập trung xây dựng các dự án phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia trên địa bàn gồm: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, QL 55, QL 56, QL5 1, QL 51C và đường ven biển…

Theo quy hoạch sẽ phát triển hành lang vận tải thủy nội địa kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm: Tuyến Vũng Tàu - Thị Vải - TP. Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ; Tuyến Vũng Tàu (khu cảng biển Cái Mép Thị Vải) - TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh; Tuyến vận tải thủy ven bờ phục vụ vận chuyển hàng từ các cảng biển của tỉnh đi về khu vực Tây Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh.

Về đường sắt kết nối vùng sẽ có tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Đường sắt đô thị, sau năm 2030, sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng 3 tuyến gồm: Tuyến số 1 hoạt động chính trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của TP. Vũng Tàu; Tuyến số 2 kết nối các đô thị ven biển Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu; Tuyến số 3 kết nối Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ (tuyến này có phương án kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai).

Về đường hàng không, tỉnh sẽ phát triển cảng hàng không Côn Đảo và 2 sân bay chuyên dùng là sân bay Gò Găng và sân bay Đất Đỏ.

Hiện nay, một số dự án giao thông kết nối liên vùng của tỉnh đã và đang được khẩn trương thực hiện, tăng tốc về đích. Đây là những dự án rất cấp thiết trước mắt cũng như lâu dài, tạo ra động lực mới, hình thành các không gian phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng phát triển bền vững, đồng thời phát huy cao nhất những lợi thế, tiềm năng của tỉnh.

picture1.jpg
Điểm đầu cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn thuộc dự án thành phần 3 dài 19,5 km qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được nhà thầu thảm nhựa nhiều đoạn. Dự kiến, toàn bộ đoạn cao tốc này sẽ thông xe kỹ thuật cuối tháng 4/2025

Bên cạnh việc thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm đang triển khai, tỉnh cũng đã lên kế hoạch kêu gọi đầu tư các dự án quan trọng khác trong giai đoạn tiếp theo. Trong giai đoạn 2024 - 2030, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào 4 dự án giao thông kết nối quan trọng gồm:

Đường vành đai 4 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án này sẽ kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế phía Nam, kết nối khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long với khu vực Đông Nam Bộ, kết nối với cảng Hiệp Phước, cảng Long An góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng.

Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối các tỉnh trong khu vực kinh tế phía Nam góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ chất lượng cao theo quy hoạch đường sắt quốc gia.

Đường sắt kết nối cảng, chiều dài 14,4 km, kết nối các huyện trong tỉnh, kết nối với cảng Hiệp Phước, cảng Long An, tạo điều kiện phát triển dịch vụ cảng Cái Mép - Thị Vải và trung tâm logistics Cái Mép Hạ.

Dự án nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Côn Đảo thành cảng dân dụng tầm cỡ quốc gia, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Các dự án trên được kỳ vọng sẽ giúp Bà Rịa - Vũng Tàu đạt được mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững trong tương lai. Ông Thọ chia sẻ.

Khẳng định vị thế trung tâm logistics Vùng Đông Nam Bộ

là 1 trong 3 cực tăng trưởng quan trọng của Đông Nam Bộ. Theo các chuyên gia, Bà Rịa - Vũng Tàu có cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, đang khẳng định vị thế là trung tâm logistics hàng đầu của khu vực Đông Nam bộ. Là một trong những cụm cảng lớn nhất thế giới, Cái Mép - Thị Vải có khả năng tiếp nhận tàu siêu trọng tải từ 80.000-250.000 tấn (6.000-24.000 TEU) và lớn hơn, vận chuyển hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước, trở thành đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Thượng Chí cho biết, nhờ hệ thống giao thông kết nối cảng biển với sân bay quốc tế Long Thành và các khu công nghiệp lớn, Bà Rịa - Vũng Tàu được xác định là một trong 4 trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh. Chính quyền địa phương đang tập trung phát triển ngành Logistics thành động lực chính cho sự phát triển kinh tế biển và khu vực.

Với hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại và đang tiếp tục được đầu tư để hình thành hệ thống giao thông đa phương thức; kết nối liên hoàn, đồng bộ, giữa hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải-Trung tâm logistics Cái Mép Hạ-Cảng hàng không quốc tế Long Thành-Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM. Có thể thấy, so với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều yếu tố thuận lợi hơn để phát triển ngành dịch vụ logistics.

Với chiến lược đầu tư bài bản và tiềm năng lớn, Bà Rịa - Vũng Tàu đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực và quốc gia.

Ông Nguyễn Thắng Lợi, Trưởng Ban nghiên cứu và tư vấn, Viện nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam cho biết, Đông Nam Bộ được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Hoạt động thương mại của vùng diễn ra sôi động, đóng góp khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Hiện Vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái (TPHCM) và Cái Mép-Thị Vải.

picture2.jpg
Cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) tiếp nhận 2 tàu mẹ có sức chở 14.000 TEU cùng 1 thời điểm

Là một trong những địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên trục đường xuyên Á, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hệ thống cảng nước sâu được xếp loại đặc biệt của quốc gia; đồng thời giữ vai trò cửa ngõ hướng ra biển của Vùng.

Tầm nhìn dài hạn

Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phải đối mặt với một số thách thức trong việc phát triển dịch vụ logistics đầu mối. Đầu tiên là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng cao trong lĩnh vực logistics. Thêm vào đó, việc phát triển các dịch vụ logistics cần một chiến lược lâu dài, phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường trong và ngoài nước.

Để trở thành trung tâm dịch vụ logistics đầu mối của khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục cải thiện hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics.

z6083575033685_899c32d204960d687f7a358ace74f672.jpg
Tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải - cảng chuyên dụng LNG đầu tiên của cả nước cùng hệ thống kho chứa hiện đại, góp phần phát triển năng lượng xanh. Ảnh: PV Gas.

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế để thu hút nguồn vốn, công nghệ, và kinh nghiệm trong việc phát triển logistics. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong logistics, như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hoạt động vận chuyển, kho bãi, sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí cho các doanh nghiệp. Các sáng kiến này sẽ là yếu tố quan trọng giúp Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ trong ngành logistics và trở thành đầu mối giao thương quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.

Diễn đàn Logistics Việt Nam (VLF) được Bộ Công Thương tổ chức hàng năm từ năm 2013 đến nay, trong 2 ngày 1-2/12 Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 sẽ diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu với chủ đề “Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics”.

Đây là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp logistics, sản xuất và xuất nhập khẩu trao đổi, đối thoại về những vấn đề thời sự của lĩnh vực logistics tại Việt Nam và đề xuất những giải pháp hoàn thiện môi trường kinh doanh đối với ngành dịch vụ này.

Diễn đàn Logistics Việt Nam lần này sẽ tập trung vào logistics Việt Nam vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới; Thúc đẩy liên kết vùng thông qua kết nối hạ tầng logistics khu vực Đông Nam bộ; Xu hướng phát triển khu thương mại tự do: cơ hội và khuyến nghị cho ngành Logistics Việt Nam…

Với những bước đột phá mới, hy vọng rằng dịch vụ Logistics của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ phát triển nhanh, mạnh hơn và đóng góp nhiều hơn trong sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng, góp phần vào nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Kim Dung - Vũ Phường