Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Nhiều ý kiến góp ý sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.
Thực tế, việc xây dựng Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi (Dự thảo) là rất kịp thời và cần thiết để đảm bảo thu ngân sách nhà nước, kịp thời điều chỉnh những vấn đề thuế phát sinh trong thực tiễn.
Góp ý hoàn thiện Dự thảo, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là rất cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong Dự thảo lần này có đề xuất ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực như là công nghệ cao, sản xuất ô tô, lưu ý ở đầy là sản xuất ô tô điện, hay là chuyển đổi xanh trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới đang diễn ra mạnh mẽ là rất có ý nghĩa.
“Tôi nghĩ rằng cần phải tập trung hơn nữa việc miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp. Hiện nay, trong quá trình hội nhập, các nước đang hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất ô tô, nhất là ô tô điện. Dù điều kiện nguồn lực của Việt Nam có hạn, nhưng việc dành sự đãi ngộ cho các các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là rất quan trọng và cần thiết. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính thuế cũng là một trong những vấn đề mà doanh nghiệp rất quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian cũng như chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra. Vấn đề là phải cải cách được các thủ tục thuế một cách hiệu quả để rút ngắn được thời gian cho doanh nghiệp, đảm bảo được tính minh bạch và chống thất thu ngân sách nhà nước”, đại biểu này chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh và phát triển. Do đó, một trong những giải pháp quan trọng là cần có chính sách thuế ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là đối tượng doanh nghiệp đóng góp rất lớn vào nền kinh tế, nhưng lại chưa nhận được sự hỗ trợ đủ mức cần thiết từ chính sách thuế hiện hành.
“Tôi cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách thuế ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ cao, nhằm khuyến khích sáng tạo, đổi mới sáng tạo và phát triển các mô hình kinh doanh mới, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của nền kinh tế”, đại biểu này nhấn mạnh.
Liên quan nội dung về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với sản xuất ô tô, cần quy định cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa để được hưởng ưu đãi thuế. Việc này nhằm khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, thay vì chỉ là lắp ráp, gia công cho các hãng nổi tiếng.
Về việc ưu đãi thuế đối với đầu tư kinh doanh văn phòng làm việc chung, cần có hướng dẫn cụ thể để xác định mức độ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tránh tạo kẽ hở trong việc quyết toán thuế. Ngoài ra, đề xuất tăng mức ưu đãi thuế đối với các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế (miễn thuế tối đa 10 năm, giảm 55% trong 10 năm tiếp theo) để khuyến khích đầu tư, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn.
“Đồng thời, Dự thảo cũng cần có chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sử dụng lao động có yếu tố đặc thù như lao động cao tuổi, lao động là người dân tộc thiểu số… để tạo điều kiện cho các đối tượng này tham gia vào thị trường lao động”, đại biểu Trần Kim Yến đề nghị.
Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cần miễn thuế cho doanh nghiệp tư hoạt động phi lợi nhuận. Theo quy định hiện hành, các tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công để thúc đẩy việc xã hội hóa nhưng không phải đơn vị công lập, ví dụ như bệnh viện tư, trường học dân lập được hưởng mức ưu đãi cao nhất là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần để lại không chia. Đây là chính sách để khuyến khích, phát triển các đơn vị giáo dục ngoài công lập nhưng phát triển vì mục đích phi lợi nhuận. Do đó, tiền đóng học phí, viện phí của người bệnh cho các tổ chức này không nhằm mục tiêu lợi nhuận hay chia lợi nhuận cho các cổ đông mà mục tiêu chính là để đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, phục vụ chính cho người bệnh. Đây là hướng khuyến khích phát triển, rất cần thiết phải đưa vào trong Luật là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp tư và dịch vụ tư mà hoạt động phi lợi nhuận.
Tương tự với các đơn vị sự nghiệp công hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục phải coi là đơn vị phi lợi nhuận và phải được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Cơ quan soạn thảo cần xem xét để đảm bảo yếu tố về dịch vụ y tế, giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu để đáp ứng yêu cầu xã hội, không nên đưa yếu tố thuế vào đây, trừ trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập này không phải phục vụ hoạt động công thông thường mà thực hiện liên doanh, liên kết để thu lợi nhuận. Khi liên doanh, liên kết thì chúng ta có thể thu thuế thu nhập doanh nghiệp.