Thủ tướng: Giữ đà, tăng tốc, bứt phá trong năm 2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KTXH năm 2025 sáng nay (1/12).
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, chúng ta vừa phản ứng linh hoạt, hiệu quả trước những biến động bên ngoài; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều nhiệm kỳ và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là chính sách tiền tệ, tài khóa, ứng phó, khắc phục thiên tai gây hậu quả nặng nề, kéo dài tại nhiều địa phương.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; tình hình KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; nhìn chung tình hình KTXH 11 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng. Tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới). Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao; riêng lương thực, tính chung 11 tháng, xuất khẩu gạo đạt trên 8,5 triệu tấn, kim ngạch trên 5,3 tỷ USD, tăng lần lượt 10,6% và 22,4% so với cùng kỳ.
Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KTXH năm 2025 cho thấy, tính đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỷ USD, tăng 15,3%, xuất siêu trên 23 tỷ USD; ước cả năm đạt 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước ước cả năm vượt trên 10% dự toán (thu ngân sách 11 tháng bằng 106,7% dự toán và tăng 16,4% so với cùng kỳ); bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả được nâng lên. Nhiều công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn, các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế. Thu hút FDI là điểm sáng và nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; trong 11 tháng, thu hút FDI đạt 31 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 20,4 tỷ USD, tăng 7%, cao nhất trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực; nhìn chung các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực, chủ đạo trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế quan trọng và có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực, kinh tế số, kinh tế xanh đóng vai trò ngày càng quan trọng. Các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng. Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá. Công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng. Dịch vụ phục hồi tốt; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, du lịch phát triển mạnh.
Báo cáo tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực) và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chỉ đạo quyết liệt với tư duy đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, thông thoáng hơn, đúng thẩm quyền hơn; đồng thời tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn từ thực tiễn.
Hoàn thành Dự án 500 kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc và tích cực triển khai nhiều dự án, công trình năng lượng trọng điểm như khai thác mỏ khí Lô B, trung tâm nhiệt điện Ô Môn…; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km. Hạ tầng số, hạ tầng năng lượng được tháo gỡ về thể chế và đầu tư.
Đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao (đã ban hành và đang tích cực triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đến năm 2030)...
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh bài học nêu cao tinh thần đại đoàn kết, đồng thời coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường đột phá, quyết liệt, quyết đoán, đúng thời điểm, trọng điểm là những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công.
Theo Thủ tướng, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, năm 2025, chúng ta vừa phải "tăng tốc, bứt phá", tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025; vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
“Bối cảnh đó đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"; "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả"; "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi"”. - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Do đó, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chỉ rõ một số chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%, Thủ tướng nhấn mạnh phải ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch năm 2026 và cả giai đoạn 2021-2030, hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, các công trình lớn, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước…; trên cơ sở đó tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2025.
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá"; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
2. Giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% và tạo đà phấn đấu mức 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
3. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân.
4. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia; nghiên cứu khai thác hiệu quả không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.
5. Đảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài.
6. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tập trung rà soát, phân loại và xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ các công trình, dự án đang lãng phí đất đai, nguồn lực đầu tư, cơ hội, việc làm, tài sản...
7. Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
8. Bảo đảm ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.