Kinh tế thế giới

Điện hạt nhân của GE Vernova "đắt khách", gỡ nút thắt năng lượng

Nam Trần 02/12/2024 03:29

GE Vernova đang nỗ lực dẫn đầu trong công nghệ điện hạt nhân mới thông qua kế hoạch triển khai các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) trên khắp các quốc gia phát triển trong thập kỷ tới.

ge_hitachi_bwrx-300_smr_0.jpg
GE Vernova đang đẩy mạnh sản phẩm SMR ra nhiều thị trường các nước phát triển (Ảnh: GE Vernova)

Phổ cập điện hạt nhân quy mô nhỏ

SMR BWRX-300 của GE Vernova, với thiết kế đơn giản hơn và sử dụng ít vật liệu như bê tông và thép, có chi phí xây dựng dao động từ 2-4 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 10-15 tỷ USD của các nhà máy hạt nhân lớn. Mỗi lò phản ứng BWRX-300 có thể sản xuất 300 megawatt điện, đủ cung cấp cho hơn 200.000 hộ gia đình Mỹ, và mang lại sự linh hoạt trong việc bố trí tại các địa điểm nhỏ hẹp hơn so với các nhà máy lớn.

SMR được thiết kế nhằm giải quyết hai thách thức lớn trong ngành năng lượng hạt nhân: chi phí xây dựng và thời gian triển khai. Với chiến lược kinh doanh mới, GE Vernova – một bộ phận năng lượng tách ra từ General Electric - đang hướng tới mục tiêu đạt 2 tỷ USD doanh thu hàng năm từ mảng SMR vào giữa thập niên 2030.

Công ty này dự đoán nhu cầu cho khoảng 57 lò phản ứng SMR tại các thị trường như Mỹ, Canada, Anh và châu Âu từ nay đến năm 2035, với kế hoạch sản xuất 3-4 lò phản ứng mỗi năm.

Mới đây, GE Vernova đã ký các thỏa thuận hợp tác với Ontario Power Generation (Canada), Tennessee Valley Authority (Mỹ) và Synthos Green Energy (Ba Lan), đầu tư 500 triệu USD để triển khai SMR ở quy mô thương mại. Dự án đầu tiên tại Darlington, Ontario (Canada) dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2029, mở đường cho các dự án tiếp theo tại Mỹ và châu Âu.

Ngoài việc nhắm đến các công ty điện lực truyền thống, GE Vernova còn tận dụng sự quan tâm ngày càng tăng từ ngành công nghệ, nơi các trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo đang đối mặt với nhu cầu năng lượng lớn. Microsoft, Amazon và Google đã cam kết mua năng lượng dài hạn từ các nhà máy hạt nhân, tạo ra một động lực mạnh mẽ để triển khai công nghệ SMR.

bwrx-300-opportunities-gevernova.jpg
Các nền kinh tế phát triển nhất đang tiên phong trong ứng dụng điện hạt nhân mới (Ảnh: Power Mag)

Thêm lựa chọn cho an ninh năng lượng

Năng lượng hạt nhân đang nổi lên như một giải pháp bền vững để giải quyết các thách thức lớn về an ninh năng lượng toàn cầu. Với việc nhu cầu điện dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2050, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc phát triển năng lượng hạt nhân là cấp bách để đáp ứng nhu cầu này mà không làm gia tăng lượng khí thải carbon.

Chính phủ Mỹ đã đề ra mục tiêu tăng gấp ba lần công suất hạt nhân vào năm 2050. Tuy nhiên, các dự án hạt nhân quy mô lớn tại Mỹ thường gặp khó khăn do chi phí cao, vượt ngân sách và thời gian xây dựng kéo dài. SMR, nhờ vào chi phí thấp hơn và khả năng triển khai linh hoạt, trở thành giải pháp thay thế lý tưởng.

Theo GE Vernova, SMR không chỉ giúp giảm chi phí xây dựng mà còn tạo ra lợi ích kinh tế lâu dài nhờ khả năng triển khai theo giai đoạn. Một lò phản ứng SMR có thể được xây dựng và vận hành trước, tạo doanh thu, trong khi các lò phản ứng khác được bổ sung sau đó. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro tài chính so với các dự án nhà máy hạt nhân lớn.

SMR cũng mang lại lợi ích đáng kể trong việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Trong bối cảnh các chính phủ và doanh nghiệp đang hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, năng lượng hạt nhân ngày càng được công nhận là một nguồn năng lượng sạch và ổn định. Không giống như năng lượng tái tạo như gió và mặt trời, hạt nhân không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và có thể hoạt động liên tục, đảm bảo nguồn cung ổn định.

Ngoài ra, việc triển khai SMR có thể mang lại lợi ích cộng hưởng cho ngành năng lượng toàn cầu. Sự hợp tác giữa GE Vernova, Ontario Power, TVA và Synthos Green Energy đang tạo ra một tiêu chuẩn thiết kế chung, giúp giảm chi phí và thời gian xây dựng trong tương lai.

Đối với các nước đang phát triển, SMR có thể xa vời nhưng với một số công nghệ điện hạt nhân tân tiến của Nga, khả năng tiếp cận điện hạt nhân ổn định hoàn toàn có thể khả thi. Ví dụ, lò phản ứng VVER-1200 tối tân nhất của Nga cũng được giới năng lượng quốc tế đánh giá cao về hiệu suất và an toàn môi trường.

Không chỉ đạt công suất 1.200 MW và hệ số công suất đạt 90%, chi phí xây dựng loại lò VVER-1200 này cũng cạnh tranh, ước tính khoảng 1.200 USD/kW. Lò phản ứng này cũng được trang bị hệ thống an toàn chủ động và thụ động tiên tiến, bao gồm hệ thống loại bỏ nhiệt thụ động và bẫy lõi, giúp giảm thiểu rủi ro sự cố và tác động đến môi trường.

Nam Trần