Chính trị

Tinh gọn bộ máy - đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Bảo Lam 02/12/2024 00:09

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị thống nhất cao với quyết tâm chính trị mạnh mẽ để thực hiện chủ trương tổng kết sớm, toàn diện Nghị quyết 18 trong toàn hệ thống chính trị.

Ông Lê Minh Hưng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Ảnh màn hình 2024-12-01 lúc 20.11.48
Ông Lê Minh Hưng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Qua 7 năm thực hiện, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết 18 đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa rõ ràng, còn trùng lặp, chồng chéo.

Bên cạnh đó, việc phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, "lấn sân", cản trở, kìm hãm, thậm chí "vô hiệu hóa" lẫn nhau; phân cấp, phân quyền cho địa phương chưa mạnh, chưa đồng bộ, chưa hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới… dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho và chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy quá lớn.

Nguyên nhân chủ yếu theo ông Lê Minh Hưng là do mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị chưa thật hoàn thiện; nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động thiếu quyết liệt.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao với quyết tâm chính trị mạnh mẽ để thực hiện chủ trương tổng kết sớm, toàn diện Nghị quyết 18-NQ/TW trong toàn hệ thống chính trị.

Bộ Chính trị cũng xác định, việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.

"Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chi đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18, gồm 29 đông chí, do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban, tất cà các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư đều tham gia, cùng một số Ủy viên Trung ương phụ trách các ngành, lĩnh vực trực tiếp liên quan đến công tác tổ chức bộ máy, cán bộ", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói.

Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lành đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thân "vừa chạy vừa xếp hàng", "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở"; xác định những nội dung, công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, quyết tâm hoàn thành việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.

Ông Lê Minh Hưng đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành triển khai thực hiện, hoàn thành tổng kết và gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo trước ngày 31/12/2024. Đồng thời, xây dựng Báo cáo tổng kết, triển khai tổ chức các hội nghị, hội thảo xin ý kiến lãnh đạo, cấp ủy, tổ chức đảng, chuyên gia, nhà khoa học và tiến hành khảo sát một số địa phương, cơ quan, đơn vị (hoàn thành trước ngày 15/02/2025).

"Ban Chỉ đạo sẽ hoàn thiện Báo cáo tổng kết trình Bộ Chính trị trước ngày 28/2/2025 để trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (dự kiến trung tuần tháng 3/2025) xem xét, thông qua". - ông Lê Minh Hưng nói.

Tại Hội nghị, ông Lê Minh Hưng cũng thông tin một số nội dung gợi ý, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo đó, nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, đảng đoàn trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, các bộ, các cơ quan nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng lập các đảng bộ; nghiên cứu, đề xuất giải thể, sáp nhập, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; giảm tầng nấc trung gian.

Bên cạnh đó là nghiên cứu tổ chức lại hoạt động của các báo, tạp chí, truyền hình, cổng thông tin điện tử... của các ban đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ… để tăng cường chất lượng, hiệu quả, giảm chi phí.

Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, ông Lê Minh Hưng cho biết: Nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng: Sáp nhập Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính; Sáp nhập Bộ GTVT và Bộ Xây dựng; Sáp nhập Bộ TT-TT và Bộ KH-CN để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH-CN, chuyển đổi số...; chuyển một số nhiệm vụ khác về: Bộ VH-TT-DL, Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan; Sáp nhập Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, TN-MT...; chuyển một số nhiệm vụ khác về các bộ và các cơ quan liên quan; Kết thúc hoạt động của Bộ LĐTB-XH, chuyển nhiệm vụ về: Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan; Kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan; Kết thúc hoạt động của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Việt Nam, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan; Chuyển Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc, thành lập Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo; Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp 2 viện hàn lâm khoa học và 2 đại học quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo; Nghiên cứu sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Nghiên cứu, đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các bộ, trước hết là sắp xếp các đơn vị như Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục Thi hành án dân sự, Tổng cục Quản lý thị trường, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố...; tiếp tục xem xét sắp xếp mô hình tổ chức một số đơn vị bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế; tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV) để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách nhà nước bảo đảm cho các hoạt động; nghiên cứu, xây dựng, cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.

Nghiên cứu tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí của các bộ, ngành.

Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.

Theo ông Lê Minh Hưng, thực hiện phương án này, tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

"Nhiệm vụ của chúng ta từ nay đến khi Ban Chấp hành Trung ương thông qua phương án tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là rất lớn, thời gian còn lại không nhiều. Đòi hỏi phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, phương pháp làm việc khoa học của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chi đạo Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và toàn hệ thống chính trị, nhất là người đứng dầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp trong triển khai nhiệm vụ; đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy trong tình hình mới". - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Bảo Lam