Quản trị

Kiện nhau chỉ vì… 1 cái vạch

Quân Bảo 02/12/2024 01:39

Tòa án Anh quốc đã phán Adidas thua, kết quả cho cuộc kiện tụng khắp thế giới chỉ vì 1 cái vạch họa tiết thời trang.

Hãng Adidas nổi tiếng có biểu trưng là 3 cái vạch, rồi họ nhân rộng 3 cái vạch này thành họa tiết lên nhiều mẫu mã thời trang của mình, từ giầy cho đến quần áo.

Thom Browne là một hãng thời trang xa xỉ của Mỹ. Họ có nhiều mẫu quần áo có họa tiết 4 cái vạch. Thế là lập tức Adidas đâm đơn kiện Thom Browne, cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Gã khổng lồ đồ thể thao này kiện rằng thiết kế bốn vạch của thương hiệu thời trang xa xỉ Thom Browne quá giống với thiết kế ba vạch đen đặc trưng của Adidas do đó đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ba sọc đặc trưng của mình.

f.jpg
Thom Browne là một hãng thời trang xa xỉ của Mỹ, có họa tiết 4 cái vạch

Từ nửa thế kỷ trước đến giờ, Adidas đã liên tục sử dụng các biến thể cua biểu trưng 3 vạch của mình. Hiện tại, hãng đã sở hữu 24 đăng ký nhãn hiệu liên bang đối với các biến thể khác nhau của biểu trưng này.

Sự tranh chấp giữa Adidas và Thom Browne khởi nguồn từ năm 2005, khi Thom Browne bắt đầu bán những chiếc áo jacket với thiết kế ba vạch thẳng chạy song song. Hai năm sau, Adidas đã liên hệ với Thom Browne về thiết kế này và Thom Browne đã đồng ý ngừng sử dụng 3 vạch.

Thế nhưng, Thom Browne không bỏ hoàn toàn mà thêm vào đó 1 vạch thứ 4. Thế là Adidas lập tức đưa Thom Browne ra tòa.

Adidas cho rằng việc sử dụng thiết kế các đường vạch song song của Thom Browne trên các loại quần áo thể thao “có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và đánh lừa công chúng”.

Adidas cũng đưa ra bằng chứng cho thấy gần 30% số người được khảo sát tin rằng các sản phẩm gây tranh cãi của Thom Browne có liên quan đến Adidas.

Thom Browne phản biện, họ cho rằng hai thương hiệu đang phục vụ những phân khúc khác nhau, vì vậy khách hàng sẽ rất khó bị nhầm lẫn.

Cụ thể, Thom Browne hướng đến những thiết kế dành riêng cho khách hàng cao cấp và không tập trung vào việc thiết kế và bán trang phục thể thao. Ví dụ, hãng có những chiếc quần bó dành cho nữ có giá lên đến 680 bảng Anh và một chiếc áo sơ mi polo có giá 270 bảng Anh – cao gấp nhiều lần so với quần áo của Adidas.

Thêm vào đó, luật sư của Thom Browne cũng nhận định rằng khách hàng hoàn toàn có thể phân biệt được hai hãng bởi số lượng và màu sắc của các vạch ngang. Logo của Adidas thường là ba vạch song song, trong khi đó, logo của Thom Browne có 4 vạch song song.

Cuối cùng, luật sư của Thom Browne lập luận rằng thiết kế dạng sọc rất phổ biến trong ngành thời trang và rõ ràng Adidas không phải là bên duy nhất độc quyền sử dụng họa tiết đó. “Đây không phải là một sự nhầm lẫn, cũng không phải là vấn đề cạnh tranh. Vấn đề là liệu Adidas có thể sở hữu tất cả những thiết kế dạng sọc hay không?”, luật sư của Thom Browne nhấn mạnh.

Cuối cùng, thẩm phán Joanna Smith của Anh quốc đã ra phán quyết có lợi cho thương hiệu thời trang xa xỉ Thom Browne.

Trong phán quyết cuối cùng, ông Smith đã viết rằng: “Người tiêu dùng có hiểu biết tầm trung, có khả năng quan sát tương đối và dành sự chú ý vừa phải thường sẽ nhận ra sự khác biệt giữa ba sọc và bốn sọc”. Quyết định của ông Smith đảm bảo rằng các sản phẩm họa tiết sọc của Thom Browne sẽ không bị loại khỏi thị trường Anh.

Đây là một thất bại tiếp theo trong trận chiến về vụ việc này trên phạm vi quốc tế. Tại Hoa Kỳ, vào tháng 5, Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ ở vòng 2 đã duy trì phán quyết của bồi thẩm đoàn năm 2023 rằng thiết kế bốn sọc không vi phạm Adidas.

“Tôi tự hào khi tạo ra tiền lệ bảo vệ khả năng của các nhà thiết kế, giúp họ kể câu chuyện sáng tạo của riêng họ theo cách đúng với tầm nhìn của họ”, Thom Browne, nhà thiết kế đằng sau thương hiệu cùng tên, phát biểu. “David đã chiến thắng Goliath”.

Vụ việc này chỉ là một cuộc chiến mới nhất của Adidas trong công cuộc trường kỳ bảo vệ 3 vạch đặc trưng của mình.

Năm 2018, Adidas cũng đưa hãng thời trang thể thao Lutong Enterprise ra tòa vì biểu trưng của Lutong cũng có 3 vạch và thêm 1 hình tròn ở đầu. Adidas cho rằng biểu trưng này rất dễ bị nhầm lẫn với Adidas và cũng yêu cầu tòa án không cho phép Lutong sử dụng.

Sau hơn 1 năm kiện tụng, Adidas cũng thành công. Trong phán quyết của mình, Thẩm phán Audrey Lim đã bác bỏ quyết định cấp phép cho nhãn hiệu của Lutong được Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Singapore đưa ra vào năm 2018.

Theo bà Audrey Lim, sự tương đồng giữa nhãn hiệu của Lutong Enterprise với Adidas sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của Adidas.

Lần kiện Thom Browne này của Adidas đã không thành công, nhưng qua đó có thể thấy, trên thương trình, chỉ 1 cái vạch họa tiết hoa văn cũng có thể có giá trị đến thế nào.

Quân Bảo