Tái khởi động điện hạt nhân: Cần chú trọng chuẩn bị lộ trình từ chính sách đến con người
Theo chuyên gia, cần xây dựng lộ trình, quy định rõ ràng, có chính sách đặc thù để triển khai hiệu quả dự án điện hạt nhân, đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết là Quốc hội đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Tờ trình số 811/TTr-CP của Chính phủ. Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử. Liên quan đến chính sách phát triển điện hạt nhân, theo Luật Điện lực sửa đổi, quy hoạch phát triển điện hạt nhân phải gắn liền, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực để bảo đảm mục tiêu an ninh cung cấp điện.
Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận nhận định, điện hạt nhân giúp đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng của quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu cụ thể năm 2050. Do đó, cần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về điện hạt nhân đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân thành công, đạt hiệu quả cao.
“Tôi cho rằng cần phải có lộ trình phát triển điện hạt nhân cụ thể, tránh lãng phí nguồn lực nhà nước đã đầu tư, nguồn lực đất đai tại 2 vị trí khác nhau mà năm 2009 Quốc hội đã có Nghị quyết chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2”, đại biểu này nhấn mạnh
Bên cạnh đó, theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, việc đầu tư phát triển điện hạt nhân cần có chủ trương thống nhất triển khai thực hiện, đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ, hiệu quả, tạo niềm tin cho nhân dân. Với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo, Ninh Thuận đã được Chính phủ xác định là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển điện, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm công nghiệp xanh, sạch nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh Ninh Thuận cũng như cho quốc gia trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Dưới góc độ nhà nghiên cứu và tham gia đào tạo về điện hạt nhân, ông Lê Đại Diễn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã phát triển các nguồn điện nhằm đáp ứng sự nghiệp hiện đại hoá để đảm bảo an ninh năng lượng. Việc đa dạng hoá và cân đối tỷ trọng các nguồn năng lượng là rất quan trọng và điện hạt nhân cần phải tính đến trong dài hạn.
Theo ông Diễn, để đảm bảo an toàn khi phát triển điện hạt nhân, trước mắt cần có các bước đi thận trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng các bước về quy định luật pháp, cơ chế, kỷ cương và đặc biệt là giáo dục về an toàn, an toàn bức xạ và hạt nhân. Đồng thời, cần có quyết tâm chiến lược dài hạn và thống nhất từ lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, cùng sách lược trong ngắn hạn để duy trì khả năng sẵn sàng đáp ứng các cơ hội khi chúng ta lựa chọn được công nghệ tốt, an toàn và kinh tế và chọn được đối tác triển khai trong tầm ngắm chiến lược.
“Một dự án điện hạt nhân từ khi khởi động đến khi kết thúc vận hành kéo dài cả trăm năm nên phải hết sức thận trọng trong chọn đối tác. Chúng ta cũng trải qua một quãng thời gian nghiên cứu, triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Vì vậy, cần nghiên cứu, đánh giá lại các công việc mà chúng ta đã làm cho dự án Ninh Thuận trước đây để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí tiền bạc và nguồn lực. Những gì chúng ta đã làm được, kết quả đáng tin cậy cần được tiếp tục sử dụng. Những gì chúng ta làm chưa tốt thì cũng cần rút kinh nghiệm”, ông Diễn bày tỏ.
Đánh giá điện hạt nhân là lĩnh vực khó và đa ngành, đòi hỏi trình độ khoa học, kỹ thuật cao, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, từ khâu thiết kế đến kỹ thuật, công nghệ, hay xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa công trình vào kết nối, vận hành, và cả nhiệm vụ xây dựng hạ tầng pháp quy hạt nhân đều cần những chuyên gia xuất sắc. Việc nghiên cứu để nắm rõ công nghệ, an toàn hạt nhân cũng là những nhiệm vụ khó đòi hỏi thời gian dài mới có năng lực tốt và chuyên gia giỏi.
“Việt Nam hiện thiếu nhân sự trong lĩnh vực này nhưng không phải không có gì. Khi chúng ta khởi động lại dự án cần tập hợp nhân lực đã được đào tạo để tiếp tục đào tạo lại và bổ sung, nâng cao; đào tạo tiếp các cán bộ, đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên giỏi, phân loại những đối tượng đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Chúng ta cần Ban chỉ đạo của Nhà nước về dự án, có những nhà quản lý giỏi chuyên môn về điện hạt nhân để điều hành...”, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho hay.
Theo ông Thành, điện hạt nhân còn liên quan đến nhiều lĩnh vực như vật lý hạt nhân, cơ học dòng chảy, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa học, đo lường điều khiển, vật liệu thép, hợp kim… Nếu Việt Nam phát triển thành công điện hạt nhân không những giải quyết bài toán đáp ứng nhu cầu điện năng tăng nhanh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn góp phần đưa khoa học công nghệ, công nghiệp của đất nước phát triển lên tầm cao mới.
"Khối lượng công việc của một dự án điện hạt nhân rất lớn, các nhiệm vụ đặt ra trước mắt (sau khi có chủ trương của Đảng và Chính phủ) là rất khó nhưng nếu quyết tâm và có mục tiêu, lộ trình rõ ràng chúng ta sẽ triển khai thực hiện thành công”, ông Thành khẳng định.