Kinh doanh thời đại số thúc đẩy phát triển cho doanh nghiệp
Kinh doanh thời đại số đang trở thành xu hướng, giúp doanh nghiệp thích nghi hiệu quả với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, để không bị bỏ lại phía sau.
Cơ hội
Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số hiện nay đang là cơ hội để nhiều doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận các phương thức bán hàng online, từ đó giúp mở rộng thị trường kinh doanh, tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Ông Nguyễn Văn Lưu – Chủ doanh nghiệp tư nhân Lưu Gia cho biết: nhận thấy nghề nuôi lươn có triển vọng, bởi lươn được mệnh danh là “ông hoàng dinh dưỡng”, có hàm lượng protein dồi dào, nên năm 2018 tôi quyết định trở về khởi nghiệp tại quê hương. Tôi đã đầu tư nghiên cứu xây dựng và phát triển trại lươn giống và lươn thương phẩm với tổng diện tích nuôi khoảng 1.500m2.
Với mô hình sản xuất con giống theo tiêu chuẩn ISO 22000 để tối ưu hóa việc kiểm soát nguồn con giống đầu vào của riêng trang trại và phục vụ bà con chăn nuôi trong nước, tôi lươn nuôi trên bể xi măng được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt nên lươn có sức sống bền bỉ, dễ thích nghi với mọi điều kiện môi trường, ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, giảm thiểu rủi ro cho người chăn nuôi.
Đến nay, việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dần ổn định và có hướng phát triển. Hiện tại, mỗi năm, trại lươn Lưu Gia cho ra sản lượng từ 70 đến 80 vạn con giống và 6-7 tấn lươn thương phẩm, xuất bán chủ yếu tại chính địa phương và các lái buôn xuất đi Trung Quốc.
Tuy thị trường tiêu thụ sản phẩm đã ổn định, lượng hàng xuất đi ngày một nhiều, song với tinh thần ham học hỏi, nhanh nhạy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhạy bén với thời đại số, ông Lưu dành thời gian nghiên cứu phát triển trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo ông Lưu, để thúc đẩy phát triển cho doanh nghiệp thời đại công nghệ số, tôi đã trò chuyện với nhiều người có kinh nghiệm trên các hội, nhóm ở facebook, tìm hiểu các cách sản xuất video, sáng tạo nội dung.
Được biết tháng 11/2023, ông Lưu chính thức cùng bố xây dựng kênh “Lão nông” với những video ngắn hướng dẫn cách làm những món ăn dân dã. Trong đó, tái hiện những cảnh lao động, sinh hoạt gần gũi với người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, ông đã quay, dựng những video ngắn được nhiều người yêu thích bởi sự gần gũi, mộc mạc, thể hiện hình ảnh người nông dân với các sinh hoạt thường ngày và cuộc sống nơi làng quê yên bình. Hiện, fanpage facebook của ông có 221 nghìn người theo dõi. Kênh tiktok có 365 nghìn người theo dõi. Anh Lưu cho biết, việc xây dựng kênh “Lão nông” giúp ông xây dựng thương hiệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, gắn với giới thiệu về mô hình nuôi lươn giống tại quê hương, từ đó tiếp cận thêm nhiều khách hàng gần, xa.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người ở các tỉnh, thành phố tìm đến Gia Lưu để học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình nuôi lươn để đạt hiệu quả cao.
Bà Trần Thị Thu Quỳnh, chủ cơ sở chuyên các sản phẩm nội thất, sửa chữa ô tô tại TP Nam Định cho biết: Xưởng của gia đình bà đã có gần 30 năm trong nghề, được khách hàng trong, ngoài tỉnh biết đến, tin tưởng, lựa chọn.
Tuy vậy, để thích ứng với thời đại số, bà Quỳnh cũng tìm hiểu cách xây dựng thương hiệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok. Bà Quỳnh chia sẻ, khách hàng tìm đến cơ sở thường cần thời gian tìm hiểu kỹ mới quyết định lựa chọn dịch vụ. Vì vậy phương thức kinh doanh truyền thống vẫn được xưởng ưu tiên.
“Nhưng với sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ và các nền tảng xã hội, tôi hiểu việc kinh doanh không thể chỉ duy trì bằng phương pháp truyền thống. Tôi đã với nhưng người bạn đồng nghiệp kết hợp sáng tạo những video ngắn, mang tính giải trí, khéo léo lồng ghép những sản phẩm kinh doanh của gia đình để người xem tiếp cận nội dung dễ hiểu hơn.
Song song đó, tôi xây dựng một kênh trên tiktok với những video chuyên tư vấn các sản phẩm nội thất, giải đáp các thắc mắc của khách hàng liên quan đến ô tô. Tuy không lựa chọn bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, song với việc lựa chọn xây dựng thương hiệu cá nhân trên facebook, tiktok đã giúp xưởng ô tô của tôi có thêm nhiều khách hàng”, bà Quỳnh cho biết thêm.
Thúc đẩy phát triển
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu cùng sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số 4.0, các doanh nghiệp phải đương đầu với những thử thách mới trong cuộc đua ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa quy trình nâng cao hiệu suất kinh doanh. Cùng với đó, sự cạnh tranh ngày một gay gắt đến từ các đối thủ càng làm gia tăng áp lực cho doanh nghiệp. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp luôn là chiến lược phát triển được chú trọng hơn hết. Việc áp dụng công nghệ chuyển đổi số trong quản lý sản xuất không chỉ giúp tăng cường hiệu suất, mà còn giảm thiểu tối ưu hóa tồn kho và tăng cường tính linh hoạt.
Xã Nam Điền - Nam Trực - Nam Định, là một trong những địa phương có nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng trong tỉnh. Nghề truyền thống này của địa phương đã giúp người dân có công ăn việc làm ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với đặc trưng riêng của làng nghề trồng hoa, cây cảnh, khách hàng ở nơi xa, gần thường tìm đến tận vườn để lựa chọn, mua cây, không mấy hộ gia đình ở làng nghề sẽ chọn kinh doanh mặt hàng trên các nền tảng mạng xã hội.
Bà Vũ Thị Tính Tuy – Chủ vựa hoa tại xã Nam Điền cho biết: Nhận thấy những lợi thế của các nền tảng mạng xã hội trong kinh doanh, tôi đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm hiểu và tự học từ thất bại của bản thân. Đều đặn mỗi ngày vào khung giờ buổi chiều, tôi lại livestream giới thiệu các sản phẩm hoa, cây cảnh của vườn. Thời gian đầu do chưa quen nói chuyện nhiều tiếng trên livestream nên tôi cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng do có kinh nghiệm với hoa, cây cảnh nhiều năm nên dần dần, tôi lấy kiến thức sẵn có của mình để tư vấn cho khách hàng.
Bà Tuy cho biết thêm: Kinh doanh hoa, cây cảnh trên các nền tảng mạng xã hội thì khó khăn nhất là việc vận chuyển cây đi xa qua các đơn vị vận chuyển. Thời gian đầu, tiệm của tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn khi cây vận chuyển xa khi đến tay khách hàng không đảm bảo chất lượng. Tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu thêm để giải quyết vấn đề vận chuyển, đảm bảo sản phẩm đến tay khách hàng. Giải quyết được vấn đề trong khâu vận chuyển, đến nay vườn đã có những bước đi thành công trên con đường kinh doanh trực tuyến.
Bên cạnh đó, bà Tuy cũng giúp đỡ, hướng dẫn nhiều chị em phụ nữ khác trong xã cùng tiếp cận kinh doanh online để mở ra nhiều cơ hội mới trong kinh doanh, khẳng định thương hiệu hoa, cây cảnh truyền thống của địa phương và taọ hướng phát triển cho lớp thế hệ trẻ nối nghề.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nam Định, thời gian trở lại đây, chuyển đổi số đã và đang đi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Đối với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, việc ứng dụng chuyển đổi số thực sự mang lại nhiều lợi ích, góp phần tiếp cận các phương thức bán hàng online, từ đó giúp mở rộng thị trường kinh doanh, tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động. Hiện có nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trên các nền tảng xã hội, và việc xây dựng này đã có rất hiệu quả.
Nhanh nhạy tiếp cận kinh doanh online đã giúp nhiều tổ chức cá nhân, doanh nghiệp thay đổi tư duy trong chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, dù bán hàng theo hình thức nào, người bán hàng cũng cần chú trọng chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên trau dồi kỹ năng kinh doanh, tư vấn, giới thiệu sản phẩm, kỹ năng marketing, truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, có văn hoá ứng xử trên mạng xã hội phù hợp, từ đó khẳng định được thương hiệu cá nhân và từng bước thành công trong thời đại công nghệ số hiện nay.