“Truy vết” hành vi trốn thuế trong thương mại điện tử bằng AI
Trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng để xác định các hành vi không kê khai, nộp thuế, trốn thuế trong thương mại điện tử.
Đây là một trong những sản phẩm chính đang được Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) nghiên cứu và sớm triển khai trong quản lý thuế, nhất là trong quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh như hiện nay.
Ứng dụng công nghệ hiện đại là một trong những nỗ lực thực hiện cải cách, hiện đại công tác quản lý thuế, từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý đến phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, tích cực nghiên cứu, triển khai, thử nghiệm ứng dụng công nghệ số và AI vào tất cả các khâu trong công tác thuế.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, nhiều loại hình kinh doanh mới đã hình thành và có sức lan toả mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động theo mô hình truyền thống đã chuyển đổi hoặc mở rộng kênh phân phối theo các mô hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, kinh doanh trực tuyến xuyên biên giới… Thực tế này đòi hỏi ngành thuế có phương thức mới trong quản lý thuế của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế vừa chống thất thu thuế vừa hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế.
Thời gian qua, ngành Thuế đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) với nền tảng là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai thành công theo Đề án 06 của Chính phủ; kết hợp cơ sở dữ liệu của các ngành, đặc biệt là kho cơ sở dữ liệu ngành thuế Data Warehouse của hơn 80 triệu người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân, cá nhân kinh doanh trên toàn quốc.
Trên cơ sở dữ liệu lớn đó, tại một số thành phố lớn như Cục Thuế TP Hà Nội đã số hóa, kết nối thông tin để xây dựng, phát triển Hệ thống cơ sở dữ liệu thương mại điện tử, có thể định danh chính xác người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trên không gian mạng.
Từ hơn 117 triệu bản ghi về giao dịch mua bán, đơn vị này đã định danh, định vị danh hơn 325.000 gian hàng tương ứng với 222.000 mã số thuế là chủ sở hữu, người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử với các thông tin chi tiết về tên, địa chỉ, căn cước công dân, email, số điện thoại, địa chỉ kho hàng, tài khoản ngân hàng, giá trị bán trên sàn thương mại điện tử.
Với từng trường hợp đã xác định có phát sinh hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đến mức phải kê khai nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với ngân sách nhà nước một cách dễ dàng nhất. Nhờ đó, lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, tổng số thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử là gần 35.000 tỷ đồng, tăng 9.000 tỷ đồng, tương ứng 136% so với cùng kỳ 2023 (thời điểm trước khi triển khai).
Trong thời gian tới, ông Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, các công nghệ hiện đại như AI tiếp tục được ứng dụng trong một số sản phẩm, công cụ phục vụ cho quản lý thuế. Cụ thể, AI được sử dụng trong việc phân tích dữ liệu lớn được thu thập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để xác định các hành vi không kê khai, nộp thuế, trốn thuế; trong kiểm tra hồ sơ khai thuế.
Ngoài ra, Cổng Thông tin điện tử được xây dựng dành cho cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đăng ký, kê khai, nộp thuế. Hiện, Cổng Thông tin điện tử đã cơ bản hoàn thành các chức năng và sẽ sớm được ra mắt trong thời gian tới.
Một trợ lý ảo tự động phân loại nợ, thông báo nợ, thực hiện biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế sẽ được xây dựng. Đặc biệt, AI được sử dụng trong phân tích thông tin hoá đơn điện tử để xác định các giá trị mua bán, kinh doanh bất thường, lập các chuỗi mua - bán từ người mua - bán thứ nhất cho đến thứ n… xoay quanh việc cung cấp hàng hoá của chuỗi mua bán để xác định các rủi ro về việc lập hoá đơn giả hoặc có hành vi mua bán hoá đơn cũng như áp dụng trong công tác xét hoàn thuế giá trị gia tăng.