Nghiên cứu - Trao đổi

Đánh thuế chuyển nhượng bất động sản theo thời gian sở hữu: Khó vì đâu?

Khôi Nguyên 02/12/2024 04:00

Đề xuất đánh thuế chuyển nhượng bất động sản theo thời gian sở hữu được nhận định là khó khả thi, bởi khi đánh thuế phải tính thuế thu được bù đắp cho chi phí…

danh-thue-chuyen-nhuong-bat-dong-san-theo-thoi-gian-so-huu-kho-vi-dau-1.jpg
Bộ Tài chính cho rằng, có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ. Ảnh minh hoạ

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đã đưa ra một số nội dung đáng chú ý về mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành của nước ta không phân biệt theo thời gian nắm giữ bất động sản của người chuyển nhượng. Trong khi đó, để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ nhà đất, trong đó có áp thuế thu nhập cá nhân.

Đặc biệt, tại một số quốc gia đang đánh thuế cao đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian mua qua, bán lại. Nếu thời gian giao dịch diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, ngược lại diễn ra chậm hơn thì thuế suất thấp hơn.

Điển hình như tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán. Sau 2 năm, mức thuế suất là 50%, sau 3 năm là 25%. Hay tại Đài Loan (Trung Quốc), giao dịch bất động sản thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%, thực hiện trong 2-5 năm thuế suất là 35%, trong 5-10 năm thuế suất 20% và thực hiện sau 10 năm mức thuế suất là 15%.

Từ thực tế trên, để có mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản, Bộ Tài chính cho rằng, có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ.

Mức thuế suất cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh đúng thực tế. "Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân theo thời gian nắm giữ cũng cần đồng bộ với quá trình hoàn thiện các chính sách có liên quan đến đất đai, nhà ở và hạ tầng công nghệ thông tin", Bộ Tài chính nêu.

danh-thue-chuyen-nhuong-bat-dong-san-theo-thoi-gian-so-huu-kho-vi-dau-2.jpeg
Tuy nhiên, đề xuất đánh thuế mua bán bất động sản theo thời gian sở hữu được nhiều chuyên gia nhận định là khó khả thi, bởi khi đánh thuế phải tính thuế thu được bù đắp cho chi phí. Ảnh minh hoạ

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản đánh giá thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ là hướng đi đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên cần có tính toán hợp lý để đảm bảo thực thi luật hiệu quả, khả thi.

Nguyên tắc đánh thuế phải phân tách ra chủ thể mua bất động sản để sử dụng và chủ thể mua nhằm mục đích đầu tư, đầu cơ. Người liên tục mua đi bán lại trong thời gian ngắn thì nhu cầu không phải để ở mà nhằm đầu tư kiếm lời. Những người mua để kinh doanh này thì phải đánh thuế cao, còn người mua tài sản để ở, giải quyết nhu cầu an sinh, an cư thì không đánh thuế hoặc đánh thuế thấp.

“Tôi đồng tình với việc phải đánh thuế cao hơn với các trường hợp chuyển nhượng nhà, đất trong thời gian ngắn, còn đánh thuế như thế nào thì quá trình làm luật sẽ có tính toán cụ thể hơn”, ông Đỉnh nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đồng tình với việc đánh thuế thu nhập cá nhân từ mua bán nhà đất theo thời gian sở hữu. Theo ông Đính, việc làm này sẽ hạn chế được đầu cơ, tuy nhiên, muốn xác định được việc mua đi bán lại các bất động sản phát sinh ngay trong giai đoạn đầu thì dữ liệu phải đầy đủ.

Ông Đính cho rằng, trong luật thuế phải quy định thật đầy đủ các trường hợp, bởi có người mua nhà xong vì một lý do nào đó như cần vốn nên phải bán ngay sẽ khác trường hợp mua xong bán luôn nhằm sinh lời.

Trong khi đó, ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho rằng, giá một chung cư hiện nay lên tới 60 - 70 triệu đồng/m2, quá cao so với thu nhập của nhiều người.

Nhiều người mua nhà chung cư hiện nay chịu giá cao nhưng không phải là người mua đầu tiên và có thể là người nhận chuyển nhượng đến lần thứ 10. Tuy nhiên, nhiều người mua nhà không phải để ở mà với mục đích cho thuê vẫn đưa sản phẩm vào sử dụng không thể coi là đầu cơ. Rõ ràng, việc đánh thuế không phải là giải pháp tốt cho thị trường bất động sản hiện nay dù đánh thuế bất động sản thứ 2 hay theo thời gian nắm giữ.

Theo ông Nghĩa, đề xuất đánh thuế bất động sản không khả thi bởi khi đánh thuế người ta phải tính thuế thu được bù đắp được chi phí. Muốn đánh thuế nhắm chặn đầu cơ phải thêm nhiều công vụ và chi phí khác nữa để đảm bảo công bằng cho người dân. Như vậy, chi phí cho việc đánh thuế cao hơn thu thuế.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đánh thuế có thể là một công cụ hữu hiệu để "nắn" lại thị trường địa ốc lành mạnh hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sắc thuế mới có giúp bình ổn thị trường, giảm giá nhà hay không vẫn là một “bài toán” vô cùng khó. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tính kỹ lưỡng để đưa ra đáp án đúng.

Khôi Nguyên