Du lịch

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho làng nghề ẩm thực truyền thống

Minh Châu 02/12/2024 02:02

Hà Nội có nhiều làng nghề ẩm thực truyền thống nổi tiếng trong và ngoài nước, trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, các làng nghề hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Hà Nội có thế mạnh và có nhiều tiềm năng về ẩm thực. Phở Hà Nội được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới đây là một trong nhiều minh chứng cho điều này. Việc khai thác ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hóa còn nhiều vấn đề đặt ra để phát huy những giá trị ẩm thực Hà thành.

Việc khai thác ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hóa còn nhiều vấn đề đặt ra để phát huy những giá trị ẩm thực Hà thành. Trong đó có vấn đề nhân lực.

Ngoài vai trò của những nghệ nhân, những đầu bếp trong lưu giữ, trao truyền, cần chú trọng vào đào tạo; gìn giữ làng nghề truyền thống để truyền dạy là một trong những yếu tố quan trọng.

toa-dam-pho-hn2.jpg
Tọa đàm “Phát triển chất lượng nguồn nhân lực bảo tồn phát huy, giữ gìn làng nghề truyền thống”.

Tại tọa đàm “Phát triển chất lượng nguồn nhân lực bảo tồn phát huy, giữ gìn làng nghề truyền thống”, Nhà báo Vũ Tuyết Nhung, Phó Chủ nhiệm CLB Nhà báo nữ Việt Nam chia sẻ: Nói đến phở là nói đến niềm tự hào của Hà Nội. Vẫn còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc của món phở Hà Nội nhưng vẫn không thể phủ nhận: “Không phải riêng Hà Nội mới có phở, nhưng chỉ là vì ở Hà Nội mới ngon”. Ở Hà Nội, cả thành phố nấu phở, hầu như không có nhà nào không biết nấu phở. Việc phở được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thực sự là niềm tự hào của người dân Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung.

Masterchef Việt Nam Phạm Tuấn Hải chia sẻ, món ăn Hà Nội thể hiện được hồn cốt của người Thủ đô. Phải đặt văn hóa vào món ăn. Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao phải có nguồn lực mạnh. Đối với ngành ẩm thực thì việc đào tạo này cần có những phương pháp dạy đặc biệt. Nhưng lại chưa phải đến từ trường lớp mà phải ngay từ trong gia đình; từ mâm cơm hàng ngày. Món ăn cần có sự truyền dạy từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Có nền móng tốt, việc đào tạo ở trường lớp mới có thể phát huy và tạo ra những đầu bếp giỏi. Masterchef Việt Nam Phạm Tuấn Hải cho rằng, trong trường lớp cần phải đào tạo bản từ món ăn truyền thống để người học có cái gốc, từ đó mới phát triển ra cái hiện đại, cái sáng tạo.

pho-nam-dinh-20240812130537-1723450363025667628547.jpg
Các làng nghề cần chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh truyền thông số, mạng xã hội, đưa làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trải nghiệm, tham quan và thưởng thức.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, ẩm thực là văn hóa, vì thế các làng nghề cần giữ gìn truyền thống, lịch sử làm nghề nhiều đời, khơi gợi cảm hứng cho thế hệ trẻ, tổ chức trao truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau.

Cùng với đó, để có thể tồn tại trong cơ chế thị trường và đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, các làng nghề ẩm thực truyền thống cần phải nâng cấp chất lượng dịch vụ, sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu chế biến, đóng gói, xây dựng nhận diện thương hiệu tốt. Và đặc biệt, các làng nghề cần chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh truyền thông số, mạng xã hội, đưa làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trải nghiệm, tham quan và thưởng thức.

Minh Châu