Cựu CEO Unilever chỉ ra 4 nhân tố để Việt Nam kiến tạo nền kinh doanh bền vững
Ông Alan Jope, cựu CEO Unilever, khẳng định rằng có những chìa khóa để Việt Nam xây dựng nền kinh doanh bền vững - nơi vừa tạo tăng trưởng vừa giải quyết thách thức toàn cầu.
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về khí hậu, thiên nhiên và bất bình đẳng xã hội, ông Alan Jope đã nhấn mạnh rằng mở rộng quy mô bền vững không chỉ khả thi mà còn cần thiết để đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho doanh nghiệp và xã hội.
Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi từ bốn yếu tố quan trọng mà Unilever đã áp dụng để xây dựng nền kinh doanh bền vững: nhân tài, quản trị rủi ro, tối ưu hóa chi phí và thúc đẩy tăng trưởng.
Thay đổi về nhận thức kinh doanh
Tại diễn đàn “Thương hiệu dẫn dắt bền vững” do Vietnam Brand Purpose tổ chức, ông Alan Jope bắt đầu bài phát biểu của mình bằng cách nêu bật các vấn đề nghiêm trọng mà thế giới đang đối mặt.
Theo ông, cuộc khủng hoảng khí hậu đang tăng tốc, sự mất mát thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng và bất bình đẳng xã hội tạo ra những căng thẳng và bất mãn tại nhiều quốc gia. Mặc dù những thách thức này đáng lo ngại, ông Jope cho rằng chúng vẫn có thể được giải quyết nếu có hành động nhanh chóng, hiệu quả và sự hợp tác xuyên lĩnh vực.
“Không một quốc gia hay một lĩnh vực nào của xã hội có thể tự mình làm được điều này. Giải quyết những thách thức này sẽ đòi hỏi sự hợp tác xuyên lĩnh vực, cần có thẩm quyền và quyền lập pháp của chính phủ, đạo đức và lương tâm của xã hội, sự sáng tạo của học thuật, cùng động lực, óc sáng tạo và định hướng giải pháp thực tiễn của khu vực tư nhân và các thương hiệu”, ông Alan Jope nhấn mạnh.
Đặc biệt, các doanh nghiệp và thương hiệu cần chuyển từ việc "phủ xanh" để che giấu sai lầm sang việc thực hiện các chiến lược bền vững thực chất, vì đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo lợi ích lâu dài.
“Kinh doanh bền vững- đó là vấn đề kinh doanh, không chỉ là một mệnh lệnh đạo đức và càng không thể chỉ là việc 'phủ xanh' để che giấu những sai lầm về môi trường hay xã hội trong hoạt động kinh doanh của chúng ta,” cựu CEO Unilever nhấn mạnh về cần thiết của sự thay đổi nhận thức.
Một trong những thông điệp quan trọng nhất từ Jope là: lợi nhuận không thể đối lập với mục đích. Ông kêu gọi doanh nghiệp tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận vượt trội thông qua các chiến lược kinh doanh có lợi cho hành tinh và xã hội. Thay vì xem bền vững là một "nghĩa vụ đạo đức" hay "chi phí bổ sung", các doanh nghiệp nên coi đó là động lực thúc đẩy lợi nhuận và tăng trưởng bền vững.
Thị trường vốn sẽ không ủng hộ các công ty sử dụng bền vững như cái cớ để biện minh cho lợi nhuận thấp. Vì vậy, Jope nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một "trường hợp kinh doanh" rõ ràng, giải thích tại sao các mục tiêu bền vững không chỉ cần thiết mà còn mang lại giá trị kinh tế.
Bốn nhân tố cốt lõi
Dựa trên 38 năm kinh nghiệm làm việc và điều hành tại tập đoàn Unilever, Alan Jope minh họa 4 yếu tố cốt lõi cho chiến lược bền vững mà doanh nghiệp Việt Nam nên theo đuổi.
Thứ nhất là nhân tài. Theo Jope, thế hệ trẻ ngày nay muốn làm việc tại các tổ chức có giá trị phù hợp với họ. Điều này đặc biệt quan trọng tại Việt Nam, nơi dân số trẻ chiếm ưu thế. Unilever đã trở thành nhà tuyển dụng hàng đầu trong ngành thông qua việc xây dựng chương trình tuyển dụng minh bạch, giúp người trẻ thấy giá trị của họ được phản ánh trong các hoạt động của công ty. Đây là một bài học cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.
Thứ hai là quản trị rủi ro. Trong bối cảnh bất định của môi trường thế giới, các doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược quản lý rủi ro phù hợp. Với Unilever, khủng hoảng nước ở Ấn Độ là một ví dụ.
Để chống lại tác động của biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng tới nguồn nước sản xuất, Unilever đã xây dựng các đập và hệ thống quản lý nước tại Ấn Độ, không chỉ bảo vệ cộng đồng mà còn đảm bảo hoạt động ổn định của nhà máy. Jope gợi ý đây là cách các doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứ để vừa bảo vệ cộng đồng vừa đảm bảo sự liên tục trong sản xuất kinh doanh.
Thứ ba là tối ưu hóa chi phí. Ông Jope nhấn mạnh rằng bền vững không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội tiết kiệm chi phí.
Unilever đã tiết kiệm 1,2 tỷ euro thông qua các sáng kiến nguồn cung ứng bền vững và năng lượng tái tạo, bao gồm cả tại Việt Nam. Điều này cho thấy các công ty tại Việt Nam có thể giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh bằng cách đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch và các sáng kiến bền vững.
Thứ tư là thúc đẩy tăng trưởng. Quan trọng nhất, Jope khẳng định rằng danh tiếng bền vững tốt sẽ đảm bảo sự phù hợp và ưu tiên của thương hiệu trong tương lai.
“Không có gì ngạc nhiên khi Unilever liên tục theo dõi cách người tiêu dùng nhìn nhận các thương hiệu của chúng tôi. Các thương hiệu có điểm số cao về câu hỏi 'Thương hiệu này có đóng góp tích cực cho xã hội không?' luôn tăng trưởng vượt trội so với các thương hiệu khác trong danh mục,” ông chia sẻ.
Tại Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm bền vững, và đây là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng xu hướng này nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Alan Jope kết luận rằng, mở rộng quy mô bền vững không chỉ là một lựa chọn mà còn là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong tương lai. Ông kêu gọi các doanh nghiệp, đặc biệt tại Việt Nam, xác định trường hợp kinh doanh rõ ràng cho các mục tiêu bền vững của mình.
“Mở rộng quy mô bền vững không chỉ khả thi mà còn cần thiết đối với doanh nghiệp và thương hiệu. Nếu các công ty tư nhân muốn đóng vai trò trong việc bảo vệ các điều kiện cần thiết để kinh doanh – một hành tinh không bị chia rẽ, đáng sống giữa xã hội vận hành tốt – thì hãy bắt đầu với câu hỏi quan trọng nhất: Hoạt động kinh doanh bền vững của bạn là gì?”