Đắk Nông tạo bước đột phá trong cải cách hành chính
Việc tỉnh Đắk Nông thành lập đoàn tổ chức kiểm tra công tác CCHC năm 2024 các đơn vị trên địa bàn đang tạo bước đột phá trong phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Theo bà nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông, Trưởng đoàn kiểm tra số 432 cho biết, căn cứ Quyết định số 151/QĐ-UBND ngày 06/2/2024 của UBND tỉnh công bố Chỉ số CCHC năm 2023 của các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa, qua kiểm tra các đơn vị đã rà soát những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đưa ra những giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC năm 2024.
Công tác CCHC đạt 92% kế hoạch
Đơn cử, đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra Sở Tư pháp về công tác cải cách hành chính (CCHC) và các Chỉ số liên quan (PAR INDEX, SIPAS, PAPI); cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 cho thấy, Sở đã ban hành Kế hoạch CCHC năm 2024, gồm có 7 lĩnh vực 28 nhiệm vụ trọng tâm, được giao cho các đơn vị triển khai thực hiện.
Tính đến thời điểm kiểm tra, Sở đã thực hiện được 26/28 nhiệm vụ đạt 92% kế hoạch. Đồng thời triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo CCHC định kỳ (tháng, quý).
Tổ chức tuyên truyền các văn bản chỉ đạo điều hành về công tác CCHC của tỉnh lồng ghép thông qua cuộc họp giao ban; hội nghị; xây dựng chuyên mục CCHC trên Trang thông tin điện, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường tuyên truyền thông qua Fanpage Phổ biến giáo dục pháp luật Đắk Nông, chuyên mục Hỏi đáp pháp luật, Bản tin Tư pháp và Trang điện tử phổ biến giáo dục pháp luật (http://pbgdpl.daknong.gov.vn/).
Ngoài ra, Sở cũng ban hành Kế hoạch khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ và tiến hành khảo sát các tổ chức, cá nhân 50 phiếu, kết quả cho thấy, 92 % hài lòng việc ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách; không hài lòng: 0%; có ý kiến khác 8%. 92% hài lòng việc cung ứng dịch vụ hành chính công, không hài lòng 0%; có kiến khác 8%.
Đáng chú ý, ngoài làm tốt công tác cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công, Sở đã tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC) như:
Ban hành Kế hoạch về hoạt động kiểm soát TTHC năm 2024, Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 20249, tổ chức rà soát danh mục TTHC trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, Các TTHC được niêm yết công khai tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Nông và trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và Cổng thông tin điện tử của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tra cứu, tìm hiểu.
“Qua kết quả tiếp nhận và giải quyết TTHC cũng thể hiện rõ, tổng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC là 3419 hồ sơ, hồ sơ kỳ trước chuyển qua là 111 hồ sơ; hồ sơ tiếp nhận trong kỳ là 3308 hồ sơ; hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC toàn trình: 714 hồ sơ; hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC một phần: 2594 hồ sơ; hồ sơ đã giải quyết TTHC: 3250 hồ sơ; hồ sơ giải quyết trước hạn, đúng hạn: 3162 hồ sơ; hồ sơ giải quyết trễ hạn 65 hồ sơ, do Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia chưa có kết quả xác minh, các hồ sơ trễ hạn không thực hiện thư xin lỗi người dân theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ; hồ sơ đang giải quyết 164 hồ sơ; hồ sơ đang giải quyết trong hạn 151 hồ sơ; hồ sơ đang giải quyết trễ hạn 13 hồ sơ”, bà Hường dẫn chứng.
Đối với việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, Sở thực hiện 100% văn bản (trừ văn bản mật) phát hành trên Hệ thống quản lý và điều hành văn bản được ký số theo quy định (từ ngày 01/01/2024 đến ngày 03/9/2024 có 2.458/2.458 văn bản phát hành)...
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 119 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, trong đó 36 TTHC cung cấp DVC trực tuyến toàn trình. Tổng số hồ sơ được giải quyết trực tuyến một phần là 51 hồ sơ chiếm tỷ lệ 100%. Tổng số hồ sơ được giải quyết trực tuyến toàn trình là 714/3.254 hồ sơ chiểm tỷ lệ 22%.
Thực hiện đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ với 03 Hệ thống thông tin: Hệ thống mạng nội bộ (LAN); Trang thông tin điện tử; Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật theo Quyết định số 34/QĐ-STTTT ngày 14/3/2022 của Sở TT&TT. Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2024.
Đặc biệt, đối với Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Sở đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cấp, phát miễn phí hơn 2.000 tài liệu tuyên truyền pháp luật; thường xuyên đăng tin bài về truyền thông chính sách lên Bản tin tư pháp và Trang Web: pbgdpl.daknong.gov.vn; lập trang fanpage về truyền thông chính sách để chia sẻ, cập nhật các nội dung về truyền thông chính sách có tác động lớn đến người dân một cách nhanh chóng, dễ dàng tiếp cận như: Luật dân chủ cơ sở, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân; Luật Bảo vệ môi trường; hiểu biết về vị trí lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp.
Đăng tải các bài viết phổ biến, giáo dục pháp luật Trang TTĐT Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Đắk Nông; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mở Chuyên mục “Pháp luật với đời sống” với thời lượng mỗi tháng 02 số. Bản tin tư pháp được quan tâm thường xuyên thay đổi nội dung, cập nhật mới, liên tục, nhất là các chính sách lớn của TƯ và địa phương có liên quan đến đời sống, an sinh xã hội của người dân; các quy định có tác động đến nhận thức, tiếp cận pháp luật của người dân... từ đó góp phần nâng cao nhận thức, khả năng tiếp cận pháp luật của mọi người dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Sở tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ Trưởng thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố; bồi dưỡng nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn thông qua các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức 30 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật chuẩn tiếp cận pháp luật công tác hòa giải ở cơ sở tại 30 thôn, bon của 06 huyện, thành phố với hơn 3.000 người tham gia.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã thụ lý 168 vụ việc trợ giúp pháp lý; hoàn thành 117 vụ việc. Thực hiện 07 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn để giới thiệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý cho 350 lượt người tham gia và cấp phát miễn phí 1.500 tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho người dân.
“Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng thực hiện giới thiệu, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người dân tiếp cận các dịch vụ tư pháp khi có nhu cầu”, bà Hường nhấn mạnh.
Mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp
Tuy nhiên, theo bà Hường, bên cạnh những kết quả đạt được Sở Tư pháp vẫn còn những “rào cản” cần “khơi thông”. Cụ thể, nội dung tuyên truyền CCHC trên Trang thông tin điện tử chưa đa dạng, phong phú, tính thời sự chưa cao, mới chủ yếu tập trung vào việc đưa tin, bài; chưa mạnh dạn nghiên cứu, áp dụng các sáng kiến, giải pháp cách làm hay trong CCHC để nhân rộng phục vụ cho công việc của ngành.
Việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân, tổ chức thực hiện TTHC dịch vụ công trực tuyến được triển khai nhưng chưa thường xuyên; giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của Sở Tư pháp, do V6 Bộ Công an, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia giải quyết vẫn còn xảy ra tình trạng trễ hạn...
Để công tác CCHC của Sở Tư pháp đạt hiệu quả, cải thiện và nâng cao các Chỉ số nhằm phục vụ trong chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, góp phần cải thiện và nâng cao Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh trong thời gian tới, bà Hường cho rằng, Thủ trưởng đơn vị cần nghiêm túc quán triệt đầy đủ những quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Tỉnh ủy, các Quyết định, Kế hoạch của UBND tỉnh về công tác CCHC; Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu trong công tác CCHC.
Phối hợp với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia để bảo đảm giải quyết hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp kịp thời cho người dân, tránh để xảy ra tình trạng trễ hạn như hiện nay.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục theo dõi hồ sơ giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh bảo đảm thời gian theo quy định; theo dõi, kiểm tra đối với TTHC từ cấp tỉnh đến cấp xã do Sở quản lý bảo đảm đúng quy trình, quy định để tiếp nhận và giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được thông suốt.
Rà soát nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn, khối lượng công việc của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc để xem xét điều chuyển số lượng biên chế phù hợp với tình hình thực tế. Đề xuất với Sở Nội vụ đăng ký tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức và thực hiện tuyển dụng viên chức để đáp ứng nhu cầu công việc tại đơn vị.
Thực hiện việc nâng cấp Trang TTĐT, bổ sung cập nhật, đầy đủ thông tin, chuyên mục và duy trì cập nhật tin tức cho các chuyên mục để góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy Đắk Nông về chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; tiếp tục rà soát, xây dựng dự toán kinh phí trình cấp thẩm quyền quyết định mua sắm, sửa chữa thiết bị phục vụ ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số.
“Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân góp phần nâng cao nhận thức, khả năng tiếp cận pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh”, bà Hường khuyến nghị.